Rút phép công ty đa cấp, người chơi làm sao đòi tiền tỷ?

Trong thời gian ngắn, hàng chục công ty bán hàng đa cấp (BHĐC) bị tước giấy phép hoặc xin chấm dứt hoạt động. Vỡ mộng, người chơi lao đầu đi đòi tiền, nhiều trường hợp rơi vào bế tắc...

Một sự kiện thu hút 4.000 người tham dự do Thăng Long Group tổ chức hồi tháng 10/2015 (Ảnh cắt từ clip)

Tiền trăm tỷ đi đâu mà nhanh thế?

Chị N.T.L. (Yên Bái) cho biết, thời gian gần đây, không những chị mà hơn 100 trường hợp khác tham gia BHĐC cho Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long (đa cấp Thăng Long) đều lo lắng, mất ăn mất ngủ. “Kể từ khi công ty bị rút giấy phép, rất nhiều lần chúng tôi đòi lại số tiền nộp để mua hàng (tới nay vẫn chưa được nhận - PV) song đều bị kiếm cớ trì hoãn không trả”. Theo tìm hiểu, chỉ riêng chi nhánh đa cấp Thăng Long tại Yên Bái đã có hơn 100 trường hợp gửi đơn thư yêu cầu được trả lại tiền. Riêng nhóm của chị L. với ba người tham gia, số tiền mà công ty vẫn còn nợ lên tới hơn 2 tỷ đồng. “Nhiều lần hỏi thì chủ tịch công ty đều khất lần, còn nói đã hết tiền, phải bán hết nhà cửa hiện giờ không còn gì cả. Thế nhưng, cũng chính vị này từng cho chúng tôi biết, chỉ tính riêng đợt mở chương trình “1.000 năm Thăng Long pháo hoa” (từ tháng 7-10/2015) người chơi đổ xô vào đóng cho công ty khoảng 800 tỷ đồng. Vậy số tiền này đến nay đi đâu? Tại sao khi chúng tôi yêu cầu lại không trả?”, chị L. đặt hàng loạt câu hỏi.

Đối với trường hợp công ty đa cấp xin chấm dứt hoạt động, tùy theo cấp độ, DN sẽ có thời hạn từ 30-90 ngày để hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia BHĐC. Nếu trong thời hạn trên, cơ quan chức năng không nhận được thông báo của người tham gia BHĐC phản ánh việc DN chưa hoàn thành các nghĩa vụ, thì DN được coi là đã hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đơn vị cấp phép sẽ ban hành văn bản chấp thuận giải tỏa tiền ký quỹ cho DN BHĐC.

Trước phản ứng gay gắt của người chơi, mới đây, lãnh đạo đa cấp Thăng Long đã tìm cách trấn an bằng một lá thư ngỏ gửi tới các thành viên. Theo đó, vị lãnh đạo này ngỏ ý muốn được mọi người chia sẻ, giúp đỡ qua giai đoạn khó khăn, đồng thời sẽ có trách nhiệm trả lại tiền từ nay tới tháng 12. Tuy nhiên, mức trả bao nhiêu còn tùy thuộc vào... doanh thu của công ty!?

Trước đó, với những sai phạm nghiêm trọng, ngày 5/9, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC của Công ty đa cấp Thăng Long. Quyết định này cũng nêu rõ: Việc thu hồi Giấy chứng nhận của các doanh nghiệp BHĐC không giải phóng doanh nghiệp (DN) này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia BHĐC trong mạng lưới của DN.

Không chỉ những công ty đa cấp bị rút giấy phép, thời gian qua hàng chục DN hoạt động trong lĩnh vực này đột ngột xin chấm dứt hoạt động. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, tuần nào cũng nhận được xấp đơn khiếu nại đòi tiền của người tham gia BHĐC. “Ngay sau khi nhận được, chúng tôi đều đã chuyển hồ sơ lên cơ quan công an để họ điều tra xác minh”, ông Hải nói và khẳng định: “Ngay cả khi công ty đa cấp đóng cửa cũng phải có trách nhiệm tới cùng với người chơi, hệ thống phân phối của mình”.

Hoàn trả tiền mua hàng và hoa hồng cho người tham gia

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh): Sau những vụ việc chấn động về hoạt động kinh doanh đa cấp của một số DN có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân bị phát giác, các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã vào cuộc hết sức quyết liệt để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh này. Trong trường hợp DN BHĐC bị tước giấy phép kinh doanh hoặc đình chỉ hoạt động, luật sư Truyền khuyến cáo: Các nhà phân phối và người tham gia BHĐC cần liên hệ ngay với DN theo địa chỉ ghi trên hợp đồng đã ký kết để yêu cầu giải quyết quyền lợi.

Cũng theo luật sư Truyền, trường hợp người tham gia BHĐC đã nộp tiền mua hàng song nếu đã nhận hàng (trong vòng 30 ngày) hoặc chưa nhận được hàng, công ty đa cấp phải có trách nhiệm: Hoàn lại tổng số tiền sau khi đã trừ đi các chi phí quản lý, tái lưu kho và chi phí hành chính khác nhưng không thấp hơn 90% khoản tiền mà người tham gia BHĐC đã trả để nhận được hàng hóa đó. Bên cạnh đó, nhà phân phối và người tham gia BHĐC cũng có quyền yêu cầu DN BHĐC thanh toán toàn bộ các khoản hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác phát sinh trong quá trình tham gia hoạt động BHĐC mà DN chưa chi trả; Yêu cầu DN giao hàng hóa cho mình nếu đã thanh toán tiền hàng nhưng chưa nhận hàng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP.

“Trong trường hợp nhà phân phối và người tham gia BHĐC liên hệ với DN nhưng không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì cần trình báo ngay với cơ quan công an khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc có thể nộp đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường trên cơ sở hợp đồng đã ký kết giữa các bên”, luật sư Truyền tư vấn.

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/rut-phep-cong-ty-da-cap-nguoi-choi-lam-sao-doi-tien-ty-d172555.html