Rượu Hang Chú – hương vị vùng cao Sơn La

Được nấu từ thóc và ủ bằng men lá, rượu Hang Chú với hương vị đặc trưng, riêng có không chỉ là sản vật quý của vùng cao Bắc Yên (Sơn La), mà còn trở thành sản phẩm OCOP độc đáo. Từ đây, nghề nấu rượu truyền thống của đồng bào Mông tiếp tục được gìn giữ, lưu truyền, tô điểm cho bức tranh văn hóa sắc màu nơi rẻo cao.

Căn nhà gỗ truyền thống của anh Giàng A Giang ngay đầu bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên (Sơn La) mỗi ngày đều thơm mùi thóc nương, men lá. Bên bếp củi rực lửa, người vo thóc ủ men, người trông nồi chưng cất. Khóe mắt cay xè vẫn ánh lên niềm vui bởi dù vất vả, nhưng rượu nấu bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Anh Giàng A Giang cho biết: "Trước chỉ nấu cho gia đình sử dụng và bán cho bà con trong bản, trong xã. Nhưng hiện nay đã có hợp tác xã thu mua, vì vậy, nấu được bao nhiêu thì xuất bán hết. Tối đa một ngày phải nấu được 100 lít".

Bếp củi nấu rượu đỏ lửa ngày đêm trong ngôi nhà gỗ truyền thống của đồng bào Mông.

Nghề nấu rượu thóc của đồng bào Mông ở Hang Chú được gìn giữ, truyền lại qua nhiều thế hệ.

Rượu Hang Chú được làm nên từ hương vị đặc trưng của núi rừng vùng cao và bàn tay cần cù, chịu khó của đồng bào Mông nơi đây. Nguyên liệu nấu rượu là thóc được trồng và thu về trên chính những thửa ruộng lưng trời ở Hang Chú. Cách nấu rượu không quá cầu kỳ, nhưng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.

Anh Giàng A Giang chia sẻ thêm: "Nấu rượu thì quan trọng là mình phải có thóc tẻ, nếu là thóc nếp thì không nấu được. Chuẩn bị thóc xong thì phải rửa sạch, sau đó đem đi nấu khoảng 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng. Nấu xong thì đem thóc ra ủ ít nhất là từ 25 ngày đến một tháng nấu rượu mới ngon, uống không bị đau đầu. Mỗi ngày nấu được từ 3-4 thùng thóc ủ, nếu có đủ củi thì nấu được từ 5-6 thùng".

Không ai biết “ông tổ” của nghề nấu rượu Hang Chú là ai, chỉ biết rằng đây là nghề truyền thống từ bao đời nay, được truyền lại qua nhiều thế hệ, người dân trong bản chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Với bà con, rượu thóc là sản vật quý trong gia đình và được mang ra mời mỗi khi khách đến thăm nhà; hay được dùng trong những dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào Mông.

Gia đình anh Giàng A Giang, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên (Sơn La) có thể nấu tới 100 lít rượu/ ngày.

Nguyên liệu chính nấu rượu Hang Chú là thóc và men lá, tạo nên hương vị đặc trưng của vùng cao.

Không chỉ là nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn của vùng cao, rượu thóc truyền thống của xã Hang Chú còn trở thành sản phẩm hàng hóa được nhiều người biết đến. Đặc biệt là từ khi HTX Tiến Hưng, huyện Bắc Yên thành lập, liên kết với các hộ dân và thu mua, bao tiêu sản phẩm rượu của bà con. Năm 2021, rượu Hang Chú của HTX đã được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Sơn La; năm 2022, được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Đây là niềm tự hào của xã vùng cao đặc biệt khó khăn, cũng như hơn 30 hộ đồng bào dân tộc Mông đang gìn giữ nghề truyền thống này.

Với bà con, rượu thóc là sản vật quý trong gia đình và được mang ra mời mỗi khi khách đến thăm nhà; hay được dùng trong những dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào Mông.

Ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết: "Rượu Hang Chú là rượu truyền thống rất là lâu đời. Để duy trì và giữ vững thương hiệu của rượu Hang Chú, xã cũng yêu cầu các hộ gia đình đảm bảo quy trình, các khâu, men lá, cách ủ. Xã cũng sẽ đẩy mạnh giới thiệu trong và ngoài tỉnh để khách hàng biết đến nhiều hơn, tăng thu nhập cho người dân".

Hương vị đậm đà của Rượu Hang Chú đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào Mông, cũng là một món quà đặc biệt dành cho du khách phương xa khi ghé thăm và muốn mang về những hương vị vùng cao./.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/ruou-hang-chu-huong-vi-vung-cao-son-la-post1010995.vov