Rừng vẫn bị xâm hại

Thời gian qua, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại là tình trạng phát, phá rừng tự nhiên lấy đất trồng rừng kinh tế và khai thác gỗ trái phép tại một số huyện miền núi. Thực tế đó đòi hỏi chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, không để tình trạng này tái diễn.

Gia tăng vi phạm

Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, từ đầu năm đến ngày 18/4/2022, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 14 vụ phá rừng tự nhiên (quy hoạch là rừng sản xuất), diện tích rừng bị phá hơn 4,3 ha.

Hiện trường một vụ phá rừng tự nhiên ở thôn Rãng, xã Sa Lý (Lục Ngạn).

Cụ thể, huyện Lục Ngạn xảy ra 6 vụ, diện tích rừng bị phá hơn 2 ha; Sơn Động 4 vụ, diện tích 0,3 ha và Lục Nam 4 vụ, diện tích hơn 1,6 ha. Số vụ khai thác rừng trái pháp luật 5 vụ, khối lượng gỗ vi phạm hơn 11,6 m3. Trong đó, Lục Nam 2 vụ, khối lượng gỗ vi phạm gần 10 m3; Lục Ngạn 2 vụ, khối lượng gỗ vi phạm 0,3 m3; Sơn Động 1 vụ, khối lượng gỗ vi phạm hơn 1,4 m3. Ngoài ra còn có 12 vụ vi phạm thủ tục hành chính trong mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản.

Trong khi các vụ vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời thì tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam và Sơn Động, tình trạng phá rừng tự nhiên vẫn tiếp diễn với số vụ và diện tích rừng bị phá tăng. Tìm hiểu vấn đề này, nhóm phóng viên Báo Bắc Giang đã "mục sở thị" tại khu vực rừng tự nhiên thuộc thôn Rãng, xã Sa Lý (Lục Ngạn) giữa tháng 4 vừa qua.

Khung cảnh hiện ra trước mắt là hàng chục nghìn m2 rừng tự nhiên (quy hoạch là rừng sản xuất, đã giao cho các hộ quản lý, bảo vệ) bị đốn hạ ngổn ngang, nhiều chỗ cây vẫn còn tươi lá. Sau khi phát và đốt, có hộ đã trồng keo, bạch đàn trên diện tích này.

Đồng chí Lâm Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Sa Lý cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, trên địa bàn xã liên tục xảy ra phá rừng tự nhiên lấy đất trồng rừng kinh tế. Ví như, sáng 13/4, UBND xã cử lực lượng công an phối hợp với kiểm lâm địa bàn vào ngăn chặn, yêu cầu gia đình ông Lâm Văn Hùng, thôn Rãng và một số hộ dân trong thôn dừng hành vi phát, phá rừng tự nhiên và trồng rừng kinh tế.

Thế nhưng, chiều cùng ngày, trên diện tích đất mới lấn chiếm của gia đình ông Hùng vẫn có khoảng 20 người tham gia trồng keo. “Tôi nghĩ rừng này quy hoạch là rừng sản xuất nên phát lấy đất trồng keo thôi”, ông Hùng nói. Được biết, gia đình ông Hùng đã mua lại một số diện tích rừng tự nhiên giao cho các hộ quản lý, bảo vệ rồi tự ý phá bỏ để trồng rừng kinh tế.

Không chỉ những cánh rừng tại thôn Rãng mà rừng ở thôn Đồn Cây Lâm, xã Sa Lý và một số thôn của các xã Phong Minh, Sơn Hải (Lục Ngạn) cũng bị chặt phá. Theo Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn, đến thời điểm này, tại địa bàn các xã trên đã xảy ra hàng chục vụ phá rừng tự nhiên, ước tổng diện tích hơn 10 ha (do chưa đo đếm hết). Một số trường hợp đã bị xử lý nhưng cũng có điểm bị phá chưa xác định được đối tượng vi phạm do người dân trốn tránh, không hợp tác.

Tình trạng phá rừng còn xảy ra tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động), xã Lục Sơn (Lục Nam). Đơn cử như chiều 14/4 vừa qua xảy ra vụ phá, đốt rừng tự nhiên do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn quản lý tại thôn Vĩnh Hồng, xã Lục Sơn. Đám cháy lan rộng khiến gần 20 ha rừng kinh tế của người dân bị cháy gây thiệt hại nặng.

Quy trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan

Nguyên nhân của tình trạng trên là do lợi ích từ trồng rừng kinh tế lớn nên nhiều người dân lợi dụng dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tiến hành phát, phá, đốt để trồng keo, bạch đàn. Chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã chỉ đạo và triển khai một số biện pháp ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, tình trạng phát, phá rừng tự nhiên vẫn tiếp diễn.

Trước tình hình đó, ngày 20/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh. Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật, tăng cường các biện pháp nhằm thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...

Từ đầu năm đến ngày 18/4/2022, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 14 vụ phá rừng tự nhiên (quy hoạch là rừng sản xuất), diện tích rừng bị phá hơn 4,3 ha.

Huyện Lục Ngạn thành lập ngay Tổ công tác quản lý bảo vệ rừng do đồng chí lãnh đạo huyện là Tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo nhằm tập trung ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng phát, phá rừng trái pháp luật trên địa bàn, đồng thời bố trí đủ lực lượng trực 24/24 giờ để tuần tra rừng, quyết liệt ngăn chặn, không để người dân tiếp tục phát, phá rừng.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm, mức độ thiệt hại, kiên quyết khởi tố vụ án hình sự (nếu đủ căn cứ) để xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong nhân dân. Giữ nguyên hiện trạng diện tích đã bị phát, phá để tái sinh rừng tự nhiên, không cho các đối tượng lợi dụng đốt dọn, trồng keo, bạch đàn... trái phép, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

UBND huyện Sơn Động chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã Tuấn Đạo phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động nhanh chóng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng, điều tra, xác minh thiết lập hồ sơ, khởi tố vụ án hình sự (nếu đủ căn cứ) để xử lý nghiêm...

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp; các chính sách pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của T.Ư và địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng...

Thực tế thời gian qua, rừng tự nhiên tại một số huyện tiếp tục bị phá với số vụ, diện tích không nhỏ. Tuy nhiên, việc ngăn chặn kém hiệu quả, công tác kiểm đếm, báo cáo chưa kịp thời. Điều này cho thấy không chỉ ý thức người dân chưa cao mà cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã buông lỏng quản lý, chưa theo kịp diễn biến vi phạm để xử lý dứt điểm.

Theo Nghị quyết 249-NQ/TU ngày 1/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 31/1/2018 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 249 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, phải quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có rừng và chủ rừng khi xảy ra vi phạm.

Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần sớm làm rõ những đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đồng thời xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phát, phá rừng trên địa bàn quản lý .

Bài, ảnh: Nhóm PV Kinh Tế

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/382540/rung-van-bi-xam-hai.html