Rưng rưng cảm xúc với truyện ngắn 'Ông ba Hề'

Giữa ngày Thu náo nức, con trẻ hân hoan cắp sách đến trường, đọc lại truyện ngắn 'Ông ba Hề' (Võ Quốc Tuấn) mà rưng rưng cảm xúc...

Thầy Nguyễn Văn Luyện (áo trắng) và học trò Trường THPT Hậu Lộc 1 - Thanh Hóa. Ảnh: NVCC

Cuộc đời mỗi người là chuỗi dài những bận bịu, lo toan. Chỉ mong mai này bóng xế, con cái nên người, tuổi già sum vầy bên con cháu. Có điều, ước mong giản dị đó người ta đâu dễ dàng đạt được, phải đổi bằng những vất vả chông chênh và giọt mặn mồ hôi.

Giữa ngày Thu náo nức, con trẻ hân hoan cắp sách đến trường, đọc lại truyện ngắn “Ông ba Hề” (Võ Quốc Tuấn), in trên Báo Giáo dục và Thời đại, số ra ngày 5/6/2023, ta vui cùng người cha nghèo, cực mấy cũng nuôi con ăn học. Câu chuyện giản dị, đời thường mà rưng rưng cảm xúc, gửi gắm bài học đáng quý.

Những âu lo của cha

“Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Đây là chân lí muôn đời, nhân gian tất cả đều thấu hiểu, có điều gánh nặng cuộc đời ở mỗi người cha chẳng ai giống ai, mỗi người một nỗi niềm riêng.

Nhân vật chính trong truyện, ông ba Hề mang trong mình những âu lo bởi cuộc sống mưu sinh. Gánh nặng áo cơm dường như oằn trên chiếc xe máy kéo thùng chuyên chở hàng thuê của người đàn ông một vợ, 8 đứa con.

Cũng vì muốn kiếm thêm thu nhập, lo cho 8 đứa con ăn học, ông ba Hề chạy xe theo kiểu “lách luật” bên ngoài, không vào bến chấp hành theo điều lệ cho “kỉ cương, nền nếp” như chủ trương của “lãnh đạo ngành giao thông huyện”.

Thế là, út Hiền Trưởng phòng Giao thông huyện gọi lên “muốn dằn mặt”, buộc nộp tờ cam kết chấp hành chủ trương của bến xe. Sự việc đúng lí, song đẩy ba Hề vào thế khó, bởi “thu nhập hàng tháng sẽ mất ít nhiều”, trong khi 8 đứa con của ông vẫn phải ăn, phải học, rồi tiền sách vở đầu năm học mới, tiền quần áo mới… Rõ khổ, đã túng càng thiếu, nghèo càng khó thêm, trăm bề phải tính.

Nghệ thuật viết truyện ngắn, bên cạnh cách trần thuật, sáng tạo tình huống, người viết giỏi phải khơi sâu vào ngõ ngách tâm lí nhân vật, tạo ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.

Quả thực, tác giả Võ Quốc Tuấn rất khéo diễn tả nỗi lòng của ông ba Hề sau khi bước ra khỏi “ban điều hành bến xe”. “Đạp máy chạy đi mà đầu óc nghĩ ngợi lung tung. Cái trước mắt là buổi chiều không làm ra tiền, rồi tới đây thu nhập hàng tháng sẽ mất ít nhiều vì phải chấp hành theo điều lệ của bến xe như tay út Hiền đã nói… Ngồi trên đò mà lòng ba Hề rối như tơ vò”.

Mấy câu văn, ít con chữ, người viết nói trúng, nói đủ niềm lo của người đàn ông đang gánh trên vai mình nỗi lo cơm áo của con thơ. Những suy nghĩ “mông lung” chiếm trọn tâm trí, thành thử “đò cặp sàn nước nhà ba Hề mới hay”.

Trở về nhà mà lòng nặng trĩu, bữa cơm tối cũng chỉ để bàn tính với vợ đường hướng mưu sinh “tăng thu nhập, vì tính đi tính lại nếu vào bến nằm tài rước khách sẽ không được bao nhiêu”.

Nỗi lo tính kế mưu sinh chưa xong, nỗi lo “những thứ cần thiết cho việc học tập chuẩn bị khai giảng” mà thằng Tư, thằng Sáu, thằng Bảy vừa liệt kê lại tới, thành thử sau cái “không khí gia đình ấm cúng” là “tiếng thở ngắn dài, tâm trạng âu lo của người đàn ông là trụ cột gia đình một vợ tám con”.

Chuyện về ông ba Hề vất vả, cực nhọc “nhất là vào dịp Tết và tựu trường”, ẩn sau trang văn, người ta hiểu thêm hoàn cảnh khó khăn của những gia đình đông con, thương cảm cho những người cha nhọc nhằn vì gánh nặng mưu sinh.

Lựa chọn đúng đắn

Gần hai chục năm buồn vui trên bục giảng, câu danh ngôn tâm đắc tôi hay nhắn nhủ với học trò: “Nếu một ngày cuộc sống của bạn bị nhuốm màu đen, hãy cầm bút và tô điểm cho nó những vì sao lấp lánh”.

Hoàn cảnh của gia đình ông ba Hề chưa thể nói là “nhuốm màu đen”, song những âu lo cho con cái vẫn còn đó, nhất là sau cam kết chấp hành chủ trương đưa xe vào bến, không thể “rước khách ở đâu cũng được”. Bởi vậy, ông lo, thì bà tính, bà vợ bày ra kế sách “cho tụi nhỏ nghỉ học bớt mấy đứa để tụi nó phụ tiếp tôi với ông lao động kiếm thêm thu nhập. Chứ 8 đứa con đi học một lượt như vầy tui thấy ông lo không xuể”.

Thấu hiểu, thương cảm, mong muốn người đàn ông trụ cột trong nhà bớt đi gánh nặng, đáng quý biết bao tấm lòng người vợ, biết sao đây cuộc sống mưu sinh?

Lẽ thường, khi quẫn bách, nhiều người hay tặc lưỡi, phó mặc, buông xuôi, mặc dòng đời đưa đẩy. Tuy nhiên, câu trả lời của ba Hề với vợ đích thực là một chọn lựa sáng suốt: “Không được đâu bà ơi! Bà nghĩ lại coi, tụi nó từ nhỏ tới lớn chỉ biết đi học chớ có biết làm ruộng gì đâu? Đưa tụi nó vô đồng cũng giống như đem chó đi cày đất. Vả lại, mấy đứa con mình đứa nào cũng học giỏi, chịu khó học và được thầy cô, bạn bè yêu mến chớ có đứa nào tụ tập ăn chơi, đua đòi đâu?”.

Đêm hôm đó “dưới bóng hắt của ngọn đèn dầu trong đêm tối hiện lên mờ mờ khói thuốc bay quanh quẩn như muốn chia sẻ cùng với ba Hề những lo âu trước mắt…”. Nhưng rồi, niềm lo đi qua, niềm thương ở lại, sáng hôm sau câu nói của người cha cởi bỏ tất cả những buồn thiu trên mặt những đứa trẻ: “Thôi! Ba cho mấy đứa đi học trở lại bình thường, không có đứa nào phải nghỉ học hết”.

“Đứng dưới đò ngoái nhìn lên nhà, ba Hề thấy đứa nào cũng nhảy lưng tưng. Trong lòng ba Hề trào dâng cảm xúc của niềm hãnh diện vì công lao của mình đối với vợ con và thầm mong tụi nó sau này không cực khổ giống như mình bây giờ”.

Chắc chắn, sau quyết định cho 8 đứa con đi học, nhọc nhằn lại nhiều hơn trên chiếc xe kéo thùng của người cha thương con. Song, cái cảm xúc “trào dâng của niềm hãnh diện” cùng ước mong sau này các con không khổ giống mình bây giờ sẽ tiếp thêm động lực để ông ba Hề chẳng ngại gian nan, nuôi con ăn học.

Dõi theo câu chuyện, người đọc thương cảm, mến phục người cha nghèo, khổ mấy cũng nuôi con ăn học nên người. Qua hình tượng ông ba Hề, người đọc cảm nhận thấp thoáng đâu đó hình bóng những bậc làm cha, làm mẹ trong cõi nhân sinh, sẵn lòng gánh khổ mong cho con cái chữ nên người.

Ảnh minh họa: INT.

Quả ngọt con dâng

Hồi học cấp ba, tôi rất thích câu ngạn ngữ của người Hi Lạp: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả rất ngọt ngào”. Quả ngọt ấy, đâu chỉ thuộc về giá trị vật chất, mà nhiều khi quan trọng hơn ở giá trị tinh thần, niềm vui nhân đôi bằng nhiều niềm vui, con cái trưởng thành là sự đáp đền ơn sâu của cha mẹ.

Đọc truyện, tôi nghĩ mãi đến cái kết cổ tích, ngọt ngào dành cho người cha sắp bước qua tuổi thất tuần.

“Ông ba ngồi thong dong nhâm nhi mấy lon bia, khô mực nướng với thằng Tư, thằng Tám, nhắc lại chuyện xưa khi còn ở làng Thạnh Lợi, nhắc lại những hỉ nộ ái ố của cuộc đời, rồi không quên nhắc nhở thằng Tư, thằng Tám lo chuẩn bị đồ ăn, mồi nhậu để sáng mùng 2 Tết mấy chị em tụi mầy về sum họp vui nhà, vui cửa.

Dâu, rể, con, cháu của ông ba Hề gần ba chục đứa, đứa nào cũng là công chức Nhà nước, có việc làm ổn định, có mấy đứa làm trưởng đầu ngành cấp huyện. Con cháu từ lớn tới nhỏ một mực sống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, trên thuận dưới hòa và đó luôn là niềm hãnh diện khi ông ba Hề đối diện với đời”.

Vậy đấy, sau cực nhọc của cha, là sự khôn lớn, trưởng thành của những người con. Chìa khóa cho niềm vui bóng xế của ông Ba hôm nay là thành quả của những tháng năm bươn chải “chưa bao giờ hưởng được một cái Tết trọn vẹn” khi xưa. May sao, cái chữ giúp con ông nên người, và giờ đây dưới hòa, trên thuận, đoàn kết, thương yêu.

Thành quả của con là niềm vui của cha. Quả ngọt ấy thật đáng trân trọng, bởi đó là kết quả của chăm lo và yêu thương đúng mực của người cha đáng kính, đáng yêu.

Câu chuyện về ông ba Hề vất vả nuôi con ăn học chắc chắn sẽ là bài học quý với nhiều người. Mấy hôm trước, trò chuyện với ông bác ngoài tám mươi, bác kể trong xóm có một cháu gái con nhà nghèo chăm ngoan, thi tốt nghiệp đạt 27 điểm, trúng tuyển đại học ngoài Hà Nội, thế nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có tiền nhập học, cháu khóc mãi.

Nghe chuyện, cả bác, cả cháu vừa tiếc lại vừa thương. Giá như, bố mẹ cháu mạnh dạn như ông ba Hề trong truyện thì tốt quá. Nhưng lẽ đời đâu dễ như nhau, mỗi người một cảnh. “Một kho vàng không bằng một nang chữ”, thôi thì, kho vàng mẹ cha chẳng có, chi bằng khổ mấy cũng cho con “nang chữ” được không?

Cái tài viết truyện

Văn chương nhiều khi cũng thật lạ, nhờ những trang văn của người mà ta làm giàu có thêm cho tâm hồn mình.

Đọc truyện, “Ông ba Hề” của tác giả Võ Quốc Tuấn, tôi nghĩ đến những bài học bổ ích về tình yêu thương, đức hi sinh của cha mẹ dành cho con cái. Câu chuyện giản dị, hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật chân thực, tự nhiên.

Ngôi kể thứ ba, vẻ ngoài khách quan mà đằm sâu những thương cảm, trân trọng mến yêu. Không gian nghệ thuật của truyện gắn với miền Tây sông nước, nào là rạch Thanh Lợi, nào là “cả một cánh đồng, nước ngập mênh mông, lưa thưa từng đám lúa mùa đang nhú lên vượt theo mớn nước lũ. Tiếng gió vi vu, tiếng sóng nhỏ, tiếng mái chèo khua nước đập vào đám lúa non nghe sột soạt”.

Thú vị nhất, dõi theo câu chuyện, người đọc thấy được chất kịch trong một truyện ngắn: Mở đầu - thắt nút - cao trào - mở nút, rồi lắng trong cái kết cổ tích nhẹ nhàng. Mỗi nhân vật, mỗi cuộc đời, hình tượng ông ba Hề chân chất, thương con sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí người đọc, thể hiện sự am hiểu và tài năng miêu tả thế giới nội tâm của tác giả.

Mấy trăm năm về trước, Nguyễn Văn Siêu trăn trở về sứ mệnh của văn chương: “Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”.

Tôi nghĩ, truyện ngắn “Ông ba Hề” (Võ Quốc Tuấn) là áng văn đáng thờ. Dung dị, đời thường, truyện mở ra cho người đọc một bức tranh đời thu nhỏ, ở đó là những phận người vất vả mưa sinh nuôi con ăn học, thầm mong mai sau con đỡ khổ hơn mình.

Giữa mùa vui tựu trường, tôi tin trên dải đất Việt Nam này, nhiều, nhiều lắm những bậc làm cha làm mẹ sẵn lòng “suốt đời vì con gian nan, ân tình nặng sâu bao nhiêu”. Mong sao, con trẻ hiểu được và phấn đấu trở thành người có ích. Đừng bao giờ phải giật mình thảng thốt như người con trong thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh”.

Nguyễn Văn Luyện (Trường THPT Hậu Lộc 1 - Thanh Hóa)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/rung-rung-cam-xuc-voi-truyen-ngan-ong-ba-he-post652914.html