'Rừng Đại tướng' - Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chọn khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên làm nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch để chỉ huy, điều hành toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi này cách thành phố Điện Biên Phủ 25km về phía Đông (theo đường chim bay) và khoảng 40km theo đường bộ, thuận lợi cho việc quan sát, chỉ huy tác chiến trên chiến trường lại đảm bảo được yếu tố bí mật...

Đoàn Báo Phú Thọ thăm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong 105 ngày (từ ngày 31/1/1954 đến 15/5/1954) hoạt động, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, đập tan tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo con suối nhỏ trong rừng Mường Phăng, chạy quanh chân núi, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km2. Nơi đây được người dân địa phương trìu mến gọi là “rừng Đại tướng”.

Khu di tích Mường Phăng hiện vẫn lưu giữ được các công trình có giá trị lịch sử tiêu biểu như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy... Trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến - nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy, hội trường - nơi diễn ra các hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập, bếp Hoàng Cầm...

Toàn bộ hầm, lán, nhà làm việc được bố trí thành hệ thống liên hoàn, thông suốt. Từ Sở Chỉ huy, leo ngược lên núi, đứng ở điểm cao nhất có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các điểm đóng quân trước kia của quân Pháp.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Khu di tích Mường Phăng.

Căn lán rộng chừng 20m2, vách được kết bằng những tấm phên nứa, bện thêm cỏ gianh để tránh gió lùa và giấu bớt ánh sáng về đêm là nơi Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định sáng suốt, linh hoạt, ban hành những chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng nhất khi ông chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Có câu chuyện cảm động được người dân nơi đây nhắc mãi như một kỷ niệm đẹp về vị tướng huyền thoại của dân tộc. Đầu năm 1954, Đại tướng cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ăn Tết Giáp Ngọ trong rừng sâu. Để động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và đoàn dân công tỉnh nhà, tỉnh Phú Thọ đã cử đoàn đại biểu các cơ quan đoàn thể lên mặt trận động viên tặng quà. Đoàn đại biểu đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và biếu Đại tướng ba quả bưởi Đoan Hùng. Đại tướng bổ bưởi cho anh em cùng ăn, ai cũng khen bưởi thơm, ngọt. Đại tướng giao cho đội trưởng cảnh vệ nắm hạt bưởi và bảo: “Đồng chí đem những hạt bưởi này gieo xuống chỗ đất tốt, để các thế hệ sau được ăn quả”. Chẳng bao lâu, trước lán Đại tướng đã có ba cây bưởi con mọc lên. Tháng 5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Sở chỉ huy rút về chiến khu Việt Bắc, ba cây bưởi đã mọc lên đến đầu gối, lá xanh tốt. Qua thời gian, giờ trước lán Đại tướng chỉ còn lại một cây bưởi cành lá xum xuê, đường kính gốc đến 20cm, cao gần chục mét như minh chứng cho phong cách đôn hậu, nhân văn, ân tình của Đại tướng với người dân cũng như tình cảm của đồng bào các dân tộc mãi trường tồn, bất biến với vị Đại tướng của lòng dân.Bên cạnh nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một đường hầm xuyên qua lòng núi, khi có máy bay hoặc chiến sự, Đại tướng sẽ xuống hầm để làm việc. Hầm xuyên núi là công trình đồ sộ nhất ở Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, được xây dựng trong gần một tháng. Đường hầm này thông sang nơi làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thái. Đường hầm cao 1,7m, giữa đường hầm có một phòng họp rộng 18m2, có lỗ thông hơi lên đỉnh đồi. Ngày xưa, dọc theo đường hầm, bộ đội đào hầm thiết kế 5 ngách để đặt máy thông tin liên lạc. Trong đó, 1 máy để nối với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch, 4 máy còn lại nối với các đại đoàn chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Để phục vụ công tác chỉ huy, điều hành các công tác của Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã xây dựng một chiếc lán rộng tại Sở Chỉ huy chiến dịch làm hội trường. Đây là nơi họp của các cấp trung đoàn do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập. Trong đó, quan trọng nhất là Hội nghị cán bộ ngày 7/2/1954 để quán triệt phương châm tác chiến mới và tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu. Một trong những di tích còn lại cho đến bây giờ là khu bếp Hoàng Cầm. Khu bếp này được thiết kế có nhiều đường rãnh để làm loãng khói tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao.

Tròn bảy thập niên đã trôi qua, Mường Phăng hôm nay đã thay da đổi thịt, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây ngày càng phát triển nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử văn hóa, mốc son lẫy lừng của chiến thắng Điện Biên Phủ, xanh mãi rừng cây Đại tướng như là một phần của lịch sử dân tộc.

Phương Đông

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-phong-an-ninh/rung-dai-tuong-so-chi-huy-chien-dich-dien-bien-phu/209383.htm