Rủi ro địa chính trị phủ bóng lên kỳ vọng kinh tế ở WEF Davos

Thị trường tài chính toàn cầu sôi động. Tăng trưởng kinh tế thế giới tốt hơn mong đợi. Làn sóng lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập niên cuối cùng đến hồi kết. Thế nhưng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 54 đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, không ai sẵn sàng ăn mừng về bức tranh lạc quan đó cả. Thay vào đó, các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo doanh nghiệp tập trung thảo luận về các cuộc chiến tranh ở Dải Gaza và Ukraine cũng như viễn cảnh ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Cuộc xung đột Nga- Ukraine, tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ do các cuộc tấn công tàu hàng của phiến quân Houthi cùng với kịch bản ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng nằm trong số các chủ đề được thảo luận nhiều nhất tại WEF lần thứ 54 đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: FT/EPA/Getty

Bối cảnh kinh tế của WEF trong tuần này hứa hẹn hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người cách đây một năm. Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ hướng tới một cuộc “hạ cánh mềm” sau đợt tăng lãi suất chóng mặt, câu chuyện đó đang bị át bởi nỗi lo lắng ngày càng tăng về hàng loạt rủi ro địa chính trị đang rình rập trong năm 2024, có thể gây ra những bất ổn về hoạch định chính sách.

Các cuộc chiến tranh đang hoành hành ở châu Âu và Trung Đông, Đặc biệt, cuộc xung đột Israel-Hamas đang có nguy cơ lan rộng với tình hình Biển Đỏ đang căng thẳng khi phiến quân Hồi giáo Houthi không ngừng bắn tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào tàu hàng đi qua đây. Nhiều hãng tàu container buộc phải chuyển hướng đi vòng xuống miền mam châu Phi, khiến hành trình xa hơn và tốn kém hơn. Sự thay đổi lộ trình này chắc chắn làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp và có khả năng khiến lạm phát bùng lên trở lại.

Đồng thời, 8 trong số 10 quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ bước vào bầu cử trong năm nay, báo trước một thời kỳ biến động chính trị phức tạp. Tác động lớn nhất trong số này là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Hôm 15-1, Donald Trump, người tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden, giành chiến thắng áp đảo trong vòng bầu cử sơ bộ ở bang Iowa nhằm chọn ra ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa. Ông nhận được 51% số phiếu ủng hộ, cao hơn hẳn so với 21% số phiếu ủng hộ dành cho Thống đốc bang Florida, DeSantis, ứng viên xếp thứ hai.

Kết quả này làm dấy lên lo ngại rằng, Nhà Trắng có thể một lần nữa đón chào một vị tổng thống ít quan tâm đến các liên minh truyền thống của Mỹ hoặc một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ vốn đang bị đe dọa.

“Tâm trạng kinh tế đang cải thiện, vì nếu bạn nhìn khắp thế giới, kinh tế Mỹ dường như đang hoạt động tốt hơn dự đoán và Trung Quốc dường như đang ổn định. Nhưng bầu không khí lo lắng dường như đang lan rộng trên mặt trận địa chính trị”, Eswar Prasad, giáo sư của Đại học Cornell (Mỹ) và cựu quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bình luận.

Tâm trạng lo lắng đó, ở một khía cạnh nào đó, thật đáng ngạc nhiên khi nền kinh tế toàn cầu đã vượt qua cú sốc lạm phát tốt hơn nhiều so với dự kiến cách đây một năm. Ví dụ, trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế mới nhất, IMF ước tính Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023, cao hơn gấp đôi so với mức dự đoán một năm trước đó. IMF cũng nâng ước tính tăng trưởng toàn cầu năm 2023 lên 3%, và dự đoán tốc độ mở rộng tương tự vào năm 2024.

Trong một phiên thảo luận ở WEF hôm 16-1, Gita Gopinath, phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, nhận xét “nền kinh tế Mỹ rất kiên cường bất chấp những đợt tăng lãi suất mà chúng ta đã thấy”, đồng thời, chỉ ra rằng. tác động của 75% từ chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã được cảm nhận.

Trong khi đó, François Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, nhấn mạnh, cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc. Dù vậy, ông đánh giá chính sách thắt chặt tiền tệ thành công hơn những gì “chúng ta mong đợi tại Davos cách đây một năm”.

“Những gì chúng ta có thể thấy ở cả hai bờ Đại Tây Dương giống như một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế”, ông nói.

Tuy nhiên, tâm trạng chung của các đại biểu dự WEF lần thứ 54 tập trung vào tác động của hàng loạt rủi ro địa chính trị có thể gây ra đối với chính sách kinh tế. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo, thế giới đã bước vào kỷ nguyên “xung đột và đối đầu, chia cắt và sợ hãi”. “Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang đối mặt với rủi ro lớn nhất đối với trật tự toàn cầu ở thời kỳ hậu thế chiến thứ hai”, bà nói.

Cuộc chiến ở Ukraine vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều đại biểu, khi Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy cảnh báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham vọng vượt ra ngoài Ukraine.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cuộc thảo luận về nguy cơ xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza leo thang, có khả năng gây ra những gián đoạn chuỗi cung ứng và cú sốc giá cả mới. “Toàn bộ chủ đề liên quan đến sự rối loạn địa chính trị đang thực sự trở nên phức tạp”, Beat Simon, giám đốc thương mại hậu cần của DP World, một trong những nhà khai thác cảng container lớn nhất thế giới, nói và bày tỏ lo ngại chi phí vận tải biển gia tăng kết hợp với nguy cơ giá dầu tăng có thể thổi bùng lạm phát.

Simon cho biết thêm, trong khi cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ liên quan đến phiến quân Houthi ở Yemen là vấn đề mới nhất, thì các nơi khác trên thế giới vẫn có nguy cơ chứng kiến sự gián đoạn thương mại do căng thẳng giữa các nước, bao gồm cả ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng về Đài Loan. Tác động của biến đổi khí hậu có thể thấy rõ ở Kênh đào Panama ở Trung Mỹ, một điểm nghẽn thương mại khác, nơi giao thông bị gián đoạn do hạn hán nghiêm trọng, khiến mực nước của kênh đào này xuống thấp.

Bên cạnh đó là sự chuyển dịch liên tục khỏi quá trình toàn cầu hóa kéo dài ở thời kỳ hậu thế chiến thứ hai, khi các nước ưu tiên an ninh quốc gia và năng lực chống chịu của chuỗi cung ứng hơn hiệu quả kinh tế, đồng thời các phương thức hợp tác truyền thống bị phá vỡ.

Một cuộc khảo sát với 30 nhà kinh tế trưởng, do WEF thực hiện, cho thấy, gần 70% trong số họ lo ngại, tốc độ phân mảnh địa kinh tế sẽ tăng nhanh trong năm nay.

Phát biểu tại WEF lần thứ 54, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cảnh báo về điều mà ông mô tả là “sự thiếu hụt lòng tin” giữa các nước. “Nếu các quy tắc được đặt ra bởi một số hoặc một vài nước, thì chúng ta phải đặt dấu ngoặc kép vào cụm từ chủ nghĩa đa phương vì điều này về bản chất vẫn là chủ nghĩa đơn phương”, ông nói.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Donand Trump cam kết sẽ nỗ lực gấp bội cho chính sách “Nước Mỹ trên hết”, bao gồm đề xuất mức thuế 10% áp vào tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, và chính sách mạnh mẽ để tách rời kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc. Vì vậy, kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng sau khi nhận được số phiếu ủng hộ vượt trội trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa chỉ làm sâu sắc thêm mối lo ngại về tình trạng căng thẳng ngày càng tồi tệ giữa các hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

Giáo sư Eswar Prasad cho biết, thế giới đang nhìn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới với “sự lo ngại lớn” vì kết quả có thể làm trầm trọng thêm những rạn nứt địa chính trị, làm giảm niềm tin và do đó, làm suy giảm đầu tư kinh doanh.

“Có cảm giác rằng trật tự đa phương đang bị phá vỡ. Điều đó có thể dẫn đến nhiều xung đột và biến động hơn”, ông nói.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/rui-ro-dia-chinh-tri-phu-bong-len-ky-vong-kinh-te-o-wef-davos/