Rủ nhau đi hội bài chòi

Bà con nhân dân các xã ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An) và du khách vừa có những khoảng thời gian thư giãn, đắm mình cùng những đêm hội bài chòi do CLB Trò chơi dân gian Hội Bài chòi thuộc Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh tổ chức.

Chị Hiệu chúc mừng người may mắn trúng thưởng trong cuộc chơi. Ảnh: HOÀNG LONG

Những chiếc chòi bằng tre, mái lá được dựng trên đám đất trống, bãi cỏ xanh, bên công viên cạnh ruộng đồng, trang trí thêm cờ truyền thống, cờ phướn… thu hút nhiều người đến với hội bài chòi.

Trò chơi dân gian hp dn

Chiều, tại bãi cỏ xanh thuộc Vùng 1 (thôn Phú Tân, xã An Cư) - nơi CLB Trò chơi dân gian Hội Bài chòi tổ chức hội bài chòi, người dân trong xóm đặt sẵn những chiếc bàn nhỏ bày bán bánh kẹo, hạt dưa... Nhiều phụ nữ dắt con cháu đến hóng gió mát, chờ đến giờ khai hội. Ông Nguyễn Trinh Thám, người đánh đàn của CLB đến sớm bày biện âm thanh, ánh sáng rồi nâng phím đàn thúc giục nhiều người đến với hội bài chòi.

Đến 19 giờ, khu vực tổ chức hội bài chòi đông đúc người đến chơi, đèn điện lung linh in xuống mặt đầm. Các thành viên CLB bắt đầu bán thẻ bài rồi khai hội. Mở đầu, anh Hiệu cất lên câu thai quen thuộc: Gió xuân phảng phất nhành tre/ Xin mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi…

Bài chòi làm say đắm bao người khi có tiếng đàn, nhịp phách phụ họa, nâng lời hô bay bổng. Bà Bùi Thị Hiền, người dân địa phương trầm trồ: Lời hô, câu thai ăn khớp với tiếng đờn nghe êm tai. Không chỉ tham gia, tôi còn dùng điện thoại cảm ứng quay clip để gửi cho con cháu ở xa cùng thưởng thức bài chòi ở quê mình. Đêm nay là đêm thứ sáu của hội bài chòi. Bà con Vùng 1 chủ yếu là những người làm nghề nông, dệt chiếu, mưu sinh trên đầm Ô Loan…, tối nào cũng đến chơi bài chòi, đông vui.

Ông Phùng Long Ẩn, Chủ nhiệm CLB Trò chơi dân gian Hội Bài chòi cho biết: Từ tết Giáp Thìn đến nay CLB tổ chức hội bài chòi ở Vùng 1 này là lần thứ 8. Người dân ở đây rất yêu thích bài chòi nên lần nào CLB cũng dựng chòi hô 6-7 đêm. Còn trước đó, hội bài chòi được tổ chức tại bãi đất trống bên kia cầu Long Phú, thôn Tân Long. Người dân ở đây nửa ngư nghiệp, nửa nông nghiệp, tối đến dắt con cháu đến chơi bài chòi đông vui.

Bà Phan Thị Linh tâm sự: Dịp đó tối nào đứa cháu ngoại cũng đòi đến ngồi chòi. Mua một thẻ bài chỉ 10.000 đồng, nếu vô đủ 3 con bài được nhận lại 50.000 đồng và những lời chúc tốt đẹp. Đây là trò chơi văn hóa dân gian có thưởng nên rất vui, không có khái niệm thắng - thua.

Em Nguyễn Lam Trường, sinh viên năm cuối của Trường đại học FPT TP Hồ Chí Minh về thăm quê ở xã An Cư, tham gia hội bài chòi được tổ chức tại địa phương mình chia sẻ: “Được ngồi trên chòi tre để chơi bài chòi, gió mát từ đầm Ô Loan thổi lên mát rượi hòa quyện cùng mùi thơm của hương lúa từ cánh đồng Gò Bùn rất thú vị. Tôi nhớ nhất câu thai: Rủ nhau đi đánh bài chòi/ để cho con khóc tới lòi rốn ra (là con bài Đổ Ruột). Đúng là có nhiều người mê đánh bài chòi đến mức đó, cho thấy sức hấp dẫn, lôi cuốn của trò chơi dân gian là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này”.

Thu hút nhiu người tham gia

Theo nhiều người am hiểu về hội bài chòi, sở dĩ trò chơi dân gian này hấp dẫn mọi người từ già đến trẻ, trước tiên là từ những câu thai, nhất là những câu thai dí dỏm, biến thể từ dân ca, thơ lục bát được các anh/chị Hiệu là những nghệ nhân có giọng ca hay thể hiện, tạo tiếng cười sảng khoái, lôi cuốn người chơi và du khách.

Nghệ nhân trẻ Phùng Thị Mộng Cầm, thành viên CLB chia sẻ: Làm người hô hiệu bài chòi khó hơn làm diễn viên hát trên sân khấu. Tuy nhiên, chính sự gần gũi, hầu như không có khoảng cách giữa người hô với người chơi và khán giả nên hô hiệu bài chòi dễ đi vào lòng người hơn. Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mà CLB đang giữ gìn và phát huy.

Ông Phùng Long Ẩn cho biết thêm: Năm ngoái tại công viên thanh thiếu niên xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), CLB hoạt động từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch, tổng cộng là 7 tháng (có 1 tháng nhuận). Người đến hội bài chòi đông vui, bà con yêu cầu nên CLB mới phục vụ lâu như vậy.

“Bà con đến với hội bài chòi được tổ chức tại công viên cạnh đầm Ô Loan, lời ca tiếng hát hòa quyện cùng khung cảnh thiên nhiên hữu tình, nên ai cũng thích. Trước đây và bây giờ tôi vẫn rất mê bài chòi, bởi những lời ca, âm điệu ngọt ngào tình quê, gắn kết yêu thương”, ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hiền, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tuy An, ngoài CLB Trò chơi dân gian Hội Bài chòi thuộc Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh, trên địa bàn huyện Tuy An còn có CLB Đàn hát dân ca xã An Hiệp và CLB Hò bả trạo - Dân ca bài chòi xã An Chấn. Những CLB này thường xuyên duy trì hoạt động nhờ có những người đam mê, tâm huyết, hết lòng với nghệ thuật truyền thống.

Riêng đối với CLB Trò chơi dân gian Hội Bài chòi do ông Phùng Long Ẩn làm chủ nhiệm, ngoài tự liên hệ địa điểm, CLB này thường được các địa phương mời tổ chức hội bài chòi vào những dịp lễ hội, nhất là lễ hội Cầu ngư...

MNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/315422/ru-nhau-di-hoi-bai-choi.html