Rộng quyền tự chủ cho các đại học

(Toquoc)-Các cơ sở giáo dục đại học cần được tự chủ,tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành, tuyển sinh…

(Toquoc)-Các cơ sở giáo dục đại học cần được tự chủ,tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành, tuyển sinh…

Tiếp tục kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13, ngày 2/11, các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi; Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Dự án Luật Gíao dục đại học và Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13.

Một trong những dự luật đang được dư luận quan tâm là Dự án Luật giáo dục Đại học. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận, giáo dục đại học là một bộ phận của nền giáo dục của mọi quốc gia, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của đất nước . Tuy nhiên, giáo dục đại học ở nước ta hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng nhân lực

Các cơ sở giáo dục đại học sẽ được rộng quyền tự chủ hơn

Là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức, hoạt động giáo dục đại học, dự án Luật giáo dục đại học đã cụ thể hóa các quy định khung của Luật giáo dục về giáo dục đại học.

Điểm mới của Dự thảo Luật là đã cụ thể hóa được những nội dung quy định còn mang tính khái quát như quy định về cơ sở GDĐH, chính sách nhà nước về phát triển GDĐH, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH cũng như ưu tiên thành lập cơ sở GDĐH tư thục có vốn đầu tư lớn

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng các đại học đa lĩnh vực tổ chức theo hai cấp phải có quyền tự chủ cao để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều 28 dự thảo Luật quy định nội dung cơ bản và nguyên tắc thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định cụ thể về điều kiện, mức độ trao quyền tự chủ và xử lý các hành vi vi phạm.

Về điều này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy đây là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học, nhất là trong tình trạng cơ chế xin - cho còn khá phổ biến như hiện nay.

Ủy ban cho rằng các cơ sở giáo dục đại học cần được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo đã có trong danh mục đào tạo của nhà nước; được quyết định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện do Bộ Giáo dục Đào tạo quy định; được lựa chọn phương thức, thời gian tổ chức tuyển sinh và chỉ phải báo cáo về Bộ Giáo dục Đào tạo để quản lý. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài mạnh đối với những vi phạm trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo, tuyển sinh không đúng với các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Chủ trương xã hội hóa cũng đã được bước đầu thể chế hóa trong Dự thảo Luật nhưng chưa đưa ra được cơ chế hữu hiệu để khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận hình thành và phát triển.

Ủy ban đề nghị bổ sung thêm chính sách, cơ chế phù hợp về thuế, đất đai xây dựng trường, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ đào tạo cán bộ, giảng viên,… nhằm khuyến khích các cơ sở GDĐH hoạt động phi lợi nhuận và định hướng, điều chỉnh hoạt động của các cơ sở GDĐH vì lợi nhuận hợp lý nhằm tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị quy định việc tham gia kiểm định chất lượng đào tạo là bắt buộc đối với cơ sở giáo dục đại học.

Các hình thức kiểm định chất lượng bắt buộc, kiểm định chất lượng tự nguyện áp dụng theo hướng việc kiểm định chất lượng đào tạo phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước thì do cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học chỉ định, còn việc kiểm định nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo thì cơ sở giáo dục đại học tự lựa chọn về thời điểm và tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo.

Ủy ban cũng đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng giáo dục đại học và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà; quy định trình độ chuẩn của giáo viên giảng dạy trình độ đại học phải có trình độ thạc sỹ trở lên; trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư trên cơ sở kết quả công nhận đủ tiêu chuẩn của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.

Liên quan đến câu chuyện tuyển sinh đang được các trường đại học ngoài công lập đặc biệt quan tâm, Ủy ban thẩm tra cũng nhất trí với Dự thảo luật là các cơ sở GDĐH được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện do Bộ GD&ĐT quy định; tự chủ, tự chịu trách nhiệm lựa chọn phương thức, thời gian tổ chức tuyển sinh….

Dự thảo Luật Giáo dục đại học sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 14/11./.

T.Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Thoi-Su/Rong-Quyen-Tu-Chu-Cho-Cac-Dai-Hoc.html