Rộ nạn học sinh chế tạo, mua bán pháo nổ

Thời gian gần đây, cơ quan công an liên tiếp phát hiện hàng loạt vụ chế tạo, mua bán pháo nổ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trật tự và tính mạng mà đối tượng lại là học sinh

Khuya 8-1, Bệnh viện II Lâm Đồng tiếp nhận 2 học sinh P.G.B và Đ.N.H (cùng 14 tuổi; học lớp 9; ngụ xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) bị trọng thương nghi do pháo nổ.

Hàng loạt vụ học sinh chế tạo pháo

Trong 2 nạn nhân bị trọng thương ở Lâm Đồng, em B. bị thủng khí quản, thủng phổi và tràn máu màng phổi. Còn em H. bị đa chấn thương với hàng chục vết thương, trong đó có vết thương bụng kín vỡ gan, thủng ruột. Cả hai sau đó được đưa xuống bệnh viện tại TP HCM để cấp cứu.

Qua khám nghiệm, bước đầu cơ quan chức năng xã Hòa Bắc và huyện Di Linh nghi ngờ nguyên nhân có thể do 2 nam sinh mua hóa chất, vật liệu nổ trên mạng về chế tạo pháo nhưng bị pháo nổ, gây trọng thương.

Trước đó, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã triệt phá đường dây buôn bán, tàng trữ pháo nổ quy mô lớn tại nhà Lê Minh Trực (34 tuổi; thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) với số lượng lên đến 623 kg.

Công an làm việc với 6 học sinh chế tạo pháo nổ ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: CAO NGUYÊN

Tại Đắk Lắk, Công an huyện Krông Bông cũng đang củng cố hồ sơ để xử lý 9 học sinh về hành vi chế tạo pháo nổ. Chín học sinh này chỉ mới từ 8 đến 14 tuổi và đang học tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Krông Bông. Kiểm tra nơi ở của 9 em học sinh, công an thu giữ hàng trăm quả pháo các loại, 1 kg hóa chất chưa pha trộn, 2 m dây ngòi nổ.

Trước đó, Công an huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk phát hiện em N.H.G (học sinh một trường THCS trên địa bàn) lên mạng đặt mua các tiền chất để chế tạo pháo. Ngoài việc chế tạo pháo để sử dụng, em G. còn phân nhỏ thuốc pháo bỏ vào từng bao lì xì bán cho 8 em học sinh khác với giá 50.000 đồng/gói. Công an xác định 8 học sinh đã nhiều lần mua thuốc pháo của em N.H.G, sau đó sử dụng giấy hoặc dùng ống nhựa và keo dán để chế tạo thành pháo nổ rồi đốt.

Tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, mới đây Công an xã Ea Uy phát hiện 6 học sinh từ lớp 5 đến lớp 7 chế tạo pháo, thu giữ 3,5 kg hóa chất, 56 viên pháo tự chế dài từ 5 cm đến 20 cm. Ngoài việc chế tạo pháo để sử dụng vào dịp Tết thì các em còn bán lại cho các bạn cùng trường. Mỗi viên pháo tùy kích thước sẽ bán từ 5.000 đồng đến 30.000 đồng.

Tương tự, tại tỉnh Đắk Nông, ngày 5-1, Công an xã Đắk Nia (TP Gia Nghĩa) phát hiện 1 học sinh mang 0,9 kg thuốc pháo đi bán. Học sinh này cũng thừa nhận tự chế tạo được 38 quả pháo các loại.

Trước đó, ngày 31-12-2023, Công an phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) bắt quả tang N.P.Q (13 tuổi) và H.C.D (12 tuổi, cùng là học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ) mang 0,2 kg hỗn hợp tiền chất pháo nổ đi bán. Mở rộng điều tra, công an thu giữ 17 quả pháo nổ hình trụ đã được chế tạo thành công, 45 ống làm từ giấy học sinh có hình quả pháo và 2 kg các tiền chất kali clorat, natri, lưu huỳnh, bột than cùng một số vật dụng để chế tạo pháo nổ trong phòng riêng của em N.Đ.H (15 tuổi, ngụ cùng huyện). H. vừa chế tạo pháo để bán vừa bán hóa chất cho các học sinh khác tự chế tạo pháo.

Rất nguy hiểm

Chỉ nửa tháng qua, công an các địa phương của tỉnh Bình Thuận đã triệt phá 14 vụ mua bán trái phép pháo nổ, bắt giữ 24 đối tượng, trong đó có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên.

Đại tá Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết ông rất xót xa. "Khi công an các địa phương báo cáo về, tôi đọc, coi lại thì thấy nhiều em trong độ tuổi con cháu của mình, là học sinh, sinh viên, mua về bán kiếm lời vài ba trăm ngàn đồng. Rất xót xa khi chúng tôi bắt giữ nhiều đối tượng là sinh viên, học sinh mua bán pháo trái phép. Những thanh thiếu niên này phải đối mặt mức phạt rất nặng và có thể chịu án hình sự" - đại tá Lập nói. Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cũng cho biết việc mua bán pháo nổ trái phép phải được ngăn chặn, đấu tranh quyết liệt từ khâu đầu vào. Bởi khi người dân đã mua pháo thì sẽ thực hiện hành vi đốt pháo, rất khó kiểm soát.

Theo thiếu tá Nguyễn Đức Huy, Phó trưởng Công an phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, hiện nay học sinh dễ dàng tìm mua thuốc pháo, học cách chế tạo pháo trên mạng. Các em đã thành lập các nhóm kín để trao đổi, mua bán với nhau. Việc này cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn làm ảnh hưởng đến tính mạng của các em và những người xung quanh. "Hành vi của các em có tính chất nguy hiểm, có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự" - thiếu tá Huy nói.

Trong khi đó, bà Ksor H'Khuyên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, cho biết đơn vị đang yêu cầu các trường khẩn trương rà soát, phát hiện kịp thời các trường hợp học sinh mua bán, chế tạo pháo nổ, không để tái diễn.

Tháng 12-2023, em P.L.B.K (12 tuổi; ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu do pháo nổ. Sau nhiều giờ phẫu thuật, em K. bị tháo bỏ toàn bộ bàn tay trái, tháo bỏ 4 ngón bàn tay phải, mắt giảm thị lực. Trước đó, 2 vụ nổ do chế tạo pháo tại địa bàn huyện Ea Kar và Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) cũng khiến 3 học sinh tử vong, nhiều em khác bị thương nặng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết pháo có sức tàn phá mạnh, thường để lại di chứng nặng nề về sau cho các nạn nhân. "Gia đình, nhà trường giáo dục trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ vì rất nguy hiểm" - bác sĩ Trực khuyến cáo.

Dễ dàng mua các chất chế tạo pháo

Theo cơ quan công an, các thiếu niên, học sinh đã học cách chế tạo pháo nổ trên mạng internet. Sau đó, họ vào các sàn thương mại điện tử đặt mua các chất như: kali clorat, lưu huỳnh, bột than, natri, dây cháy chậm về chế tạo pháo. Chính việc dễ dàng mua các loại vật dụng và những thông tin hướng dẫn chi tiết cách làm pháo trên mạng xã hội càng khiến nhiều thiếu niên, học sinh thực hiện hành vi chế tạo pháo nổ trái phép.

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ro-nan-hoc-sinh-che-tao-mua-ban-phao-no-196240110203831534.htm