Rau chợ 'đội lốt' VietGap vào siêu thị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói gì?

Liên quan sự việc rau chợ 'đội lốt' VietGAP tuồn vào siêu thị mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị của Bộ phải rà soát lại các chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho quản lý; cập nhật kịp thời cho phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp đến 9h tối 22/9

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp đến 9h tối 22/9

Trước sức ép của dư luận về thông tin có đơn vị cung cấp mua hàng ngoài chợ rồi dán nhãn VietGAP đưa vào các siêu thị, tối ngày 22/9/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp khẩn về an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.

BỘ TRƯỞNG NHẬN TRÁCH NHIỆM

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Sự việc rau trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ được người ta dán nhãn VietGap để “tuồn” vào siêu thị cho thấy chuỗi các ngành hàng nông sản vẫn bị đứt gãy, tình trạng gian dối vẫn còn đất sống. Hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng dễ dãi, trong cả cung và cầu các mặt hàng nông sản và đó là vấn đề phải điều chỉnh.

"Đây là trách nhiệm không của riêng ai, không ai vô can, trong đó có cả trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu người tiêu dùng và chúng ta chấp nhận sự dễ dãi thì người bán cũng sẽ dễ dãi, nhìn rộng ra không chỉ trong lĩnh vực rau củ, thực phẩm mà cả các vấn đề khác của xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Đặc điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam là xây dựng chiến lược, thể chế từ trên xuống dưới, nhưng khi thực hiện thì lại từ dưới lên trên. Vì lợi ích ngắn hạn, một nhóm nhỏ đã làm méo mó mục tiêu của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn hóa, cải thiện theo từng giai đoạn, khắc phục nhưng phải đo được, lượng hóa được".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ trưởng cũng chỉ ra một thực tế ngành nông nghiệp còn tồn tại, mà người nước ngoài tóm tắt bằng 2 từ: "Dễ dãi". Sản xuất dễ dãi, ăn cũng dễ dãi. Nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Ví dụ, ở Hòa Bình có cam Cao Phong nổi tiếng, nhưng khi cam Vinh được giá, thì nhiều người trồng cam ở Hòa Bình chở cam xuống Hà Nội bán lại giới thiệu là cam Vinh.

“Đi ngoài đại lộ thì thấy đẹp, nhà chọc trời, nhưng bước vào ngõ hẹp thì còn đầy rẫy góc tối. Nỗi băn khoăn này theo tôi suốt hành trình và tôi mong muốn thay đổi điều đó", Bộ trưởng tâm tư.

"Sạch từ trang trại đến bàn ăn” là cả quá trình cần kết nối chuỗi ngành hàng đó, vì vậy theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, muốn tránh “treo đầu dê bán thịt chó”, cần sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ. Sản phẩm VietGAP hay hữu cơ chỉ là khuyến khích. Nhưng hàng gian, hàng giả có thể xử phạt. Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan nhà nước cần sự vào cuộc trách nhiệm của hiệp hội ngành hàng trong xây dựng hệ sinh thái ngành hàng.

Nhìn nhận sự việc có đơn vị cung cấp mua hàng ngoài chợ rồi dán nhãn VietGAP đưa vào các siêu thị chỉ là những hiện tượng cá biệt, nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần có cách đánh giá và đưa ra giải pháp tổng thể, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành hàng. Đặc biệt là từ nay đến tết âm lịch nhu cầu tiêu thụ còn cao, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều biến động trên thị trường.

“Phải chuẩn hóa nông sản cho ngay thị trường trong nước, bắt đầu từ các chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối... Bởi vì chúng ta không chấp nhận sự dễ dãi từ khâu nhỏ nhất. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ từ nay tới cuối năm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói về sự cố rau VietGAP, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức chia sẻ: "Rất buồn vì vụ trà trộn vừa qua đã ảnh hưởng tới thương hiệu của rau củ quả Việt Nam nói chung cũng như Saigon Co.op nói riêng. Những siêu thị lớn như chúng tôi đều mong muốn thu mua trực tiếp, nhưng không làm được do tính chất, quy mô sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, không đủ lượng hàng thường xuyên. Các thủ tục, chính sách thu mua trực tiếp còn khó khăn, không có hóa đơn đầu vào - đầu ra, vì vậy mới phát sinh ra những đơn vị trung gian".

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt, cho rằng vụ rau chợ không rõ nguồn gốc "biến hình" thành rau VietGAP là chuyện không sớm thì muộn sẽ xảy ra, bởi sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, giám sát. Nhiều siêu thị khi ký hợp đồng với nhà sản xuất, đã không kiểm tra kiểm soát về mặt giấy tờ, cũng lơ là việc kiểm định sản phẩm.

SẢN XUẤT KINH DOANH PHẢI TỬ TẾ

Để tránh gặp phải vấn đề này trong quá trình kinh doanh, bà Vũ Thị Hậu khuyến cáo các nhà phân phối cần hạn chế mua hàng của đối tác trung gian. Thay vào đó, cần làm việc trực tiếp với các cơ sở cung cấp như trang trại, hợp tác xã, đồng thời có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chất lượng đầu vào. Các nhà phân phối cần trao đổi với bên cung cấp về năng suất, đưa ra các đơn hàng phù hợp, tránh trường hợp quá tải rồi phải mua hàng trôi nổi bên ngoài.

Bà Hậu góp ý với các cơ quan quản lý cần tìm biện pháp để kiểm tra, kiểm soát trên quy mô rộng hơn, cùng với đó là nâng cao vai trò của các địa phương trong quản lý chất lượng nông sản trên địa bàn. Để có cơ chế kiểm soát, kiểm tra hiệu quả hơn, các cơ quan quản lý cần mạnh tay xử phạt nghiêm minh đối với các đơn vị làm ăn gian dối để không làm ảnh hưởng đến người làm ăn chân chính.

"Ngay sau cuộc họp này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ phối hợp làm điểm ở một trong ba chợ lớn nhất là: Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn ở TP.HCM. Chúng tôi sẽ lấy mẫu giám sát, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm".

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã thực hiện kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng với 2.503 mẫu. Kết quả phát hiện 40 mẫu vi phạm dư lượng, chiếm 1,6%.

Hiện nay, số cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương tăng nhanh. Nếu năm 2018 có 1.845 cơ sở áp dụng VietGAP, VietGAHP, diện tích 20.000ha thì năm 2019 tăng lên 1.950 cơ sở, với diện tích 38.600 ha; năm 2020 là 6.045 cơ sở, với 430.000ha; năm 2021 là 6.211 cơ sở, 463.000ha. Trong 9 tháng năm 2022 là 8.304 cơ sở, với diện tích 480.000ha.

Nói về quản lý an toàn thực phẩm, ông Tiệp cho rằng muốn giám sát, chuẩn hóa thì phải đưa ra các chỉ số có thể đo lường được, và đó là tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, quản lý sau khi VietGAP chứng nhận lại là bên thứ 3. Các đơn vị được chỉ định có làm đúng hay không, sản phẩm đưa ra thị trường có đúng là VietGAP hay không thì chúng ta chưa làm tốt khâu này.

“Các nhà thu mua, đóng gói phải tăng cường giám sát nguồn hàng. Khâu phân phối, thị trường cần đặt 3 chỗ: Nhà phân phối lớn, chợ đầu mối, bản thân người thực hành sản xuất nông nghiệp tốt”, ông Tiệp lưu ý.

Sau khi nghe các doanh nghiệp và cấp dưới nêu ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp phải xây dựng được chuỗi ngành hàng, khắc phục tình trạng đứt đoạn hiện nay. Bên cạnh việc cân bằng lợi ích giữa các bên, còn cần phải xây dựng niềm tin - điều này rất quan trọng để các bên cùng nhau phát triển, xây dựng hệ sinh thái ngành hàng.

Lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP, mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP, mà bán giá VietGAP thì nhà nước có thể vào cuộc kiểm soát, xử phạt; người tiêu dùng có thể tẩy chay...

"Ngày xưa có lần tôi nói, phải xây dựng nền nông nghiệp tử tế, lúc đó nhiều người phản đối lắm, nói vậy thì chả hóa ra tôi làm không tử tế sao? Đó là câu chuyện liên quan đến cảm xúc. Chúng ta phải làm minh bạch, tử tế không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu, mà là phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước", Bộ trưởng khẳng định.

Chu Khôi -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/rau-cho-doi-lot-vietgap-vao-sieu-thi-bo-truong-le-minh-hoan-noi-gi.htm