Rập khuôn, máy móc dễ mất công bằng

Tỉnh Quảng Trị đang gấp rút triển khai việc kê khai đền bù, hỗ trợ cho người dân 4 huyện miền biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng bị thiệt hại sau sự cố môi trường Formosa, song thực tế nảy sinh nhiều lúng túng tại các địa phương.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) Trần Đình Cảm, hiện thị trấn biển này đang rất lấn cấn, khó khăn không biết phải thống kê, phân chia ra sao số tiền dự kiến đền bù, hỗ trợ người dân.

“Về mức độ ảnh hưởng thì địa phương này có thể không giống so với nơi khác. Căn cứ theo các quyết định, văn bản hướng dẫn của trên, cụ thể đối tượng được ưu tiên đền bù, hỗ trợ phải là lao động biển trực tiếp, và mức đền bù là khác nhau dựa vào mức thu nhập của từng đối tượng cụ thể. Thế nhưng thực tế ở thị trấn Cửa Việt chúng tôi, từ sau vụ ô nhiễm môi trường biển, những lao động biển trực tiếp hoặc làm ăn lớn lại hầu như không bị ảnh hưởng”, ông Cảm nói.

Cán bộ Văn phòng Ủy ban thị trấn Cửa Việt, ông Bùi Văn Bảo cho biết, thị trấn có 1.362 hộ, hơn 800 hộ là lao động biển trực tiếp, có 90 tàu cá từ 90 đến gần 900 mã lực và 74 tàu cá có 90 mã lực trở xuống. Tháng 4/2016 xảy ra sự cố hải sản chết hàng loạt do Formosa Hà Tĩnh xả thải độc hại, song từ tháng 5 đến nay toàn bộ tàu cá 90 mã lực trở lên ở thị trấn này vẫn hoạt động đánh bắt thủy hải sản bình thường.

Do người tiêu dùng và thương lái ép giá từ sự cố Formosa nên giá cả tuy giảm song không tới mức phải chịu thiệt hại nặng nề, như trước sự cố môi trường biển cá nục có giá 12-14 ngàn đồng/kg, nay tụt vẫn còn 8-10 nghìn đồng. “Tuy nhiên, có nhiều lao động biển không trực tiếp song lại bị ảnh hưởng rất nặng nề từ sau sự cố môi trường biển. Thị trấn có 46 hộ với gần 200 lao động kinh doanh, buôn bán ở bãi biển thuộc Khu dịch vụ-du lịch bãi tắm Cửa Việt, nhưng 5 tháng nay những hàng quán này rất vắng khách. Rất nhiều quán buộc đóng cửa, người dân không tìm được sinh kế phù hợp”, ông Bảo nói.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Trần Hữu Hùng cho biết: “Do thực tế thiệt hại ở địa phương này khác với những nơi khác nên việc thống kê, phân chia số tiền đền bù, hỗ trợ theo dự kiến cho ngư dân theo các quyết định, hướng dẫn ở trên về là rất khó khăn. Nếu không có sự kiểm tra chặt chẽ tình hình thực tế ở địa phương mà cứ rập khuôn máy móc theo quy định trên dội xuống rất dễ mất công bằng trong đền bù thiệt hại cho người dân. Rồi việc đầu tư xây dựng các công trình, nhà máy, xí nghiệp để tạo sinh kế mới cho người dân theo dự kiến và các kế hoạch ở trên đang triển khai có nhiều điểm không phù hợp với thực tế địa phương”.

Tại nhiều vùng biển khác ở Quảng Trị như thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), xã Triệu An (huyện Triệu Phong), xã Hải An (huyện Hải Lăng)… cũng đang gặp phải thực tế như ở thị trấn Cửa Việt. Lãnh đạo ở các địa phương đề nghị các đơn vị chức năng của huyện, tỉnh có phương án giải quyết hợp tình hợp lý, đảm bảo đền bù hỗ trợ công bằng cho ngư dân.

Doanh nghiệp khó được đền bù thiệt hại

Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Trị chiều 26/9 cho biết, những doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra ở tỉnh này đã phản ánh, mẫu kê khai thiệt hại do Bộ NN&PTNT mới ban hành là không thể thực hiện được bởi trên mẫu không có phần kê khai cho người thiệt hại mà chỉ có phần kê khai về thuế. Trong khi đó, thời gian qua các DN này không sản xuất, kinh doanh nên không có doanh thu và thuế để kê khai. Bên cạnh đó, vấn đề khấu trừ thuế cũng không rõ ràng. Vì vậy các DN kiến nghị, các bộ, ngành T.Ư xem xét chính sách đền bù và đơn giản hóa thủ tục giúp các DN sớm ổn định trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hữu Thành

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/rap-khuon-may-moc-de-mat-cong-bang-1055204.tpo