Ramưwan – tháng chay tịnh của người Chăm Awal

Lễ Ramưwan (hay còn gọi là Ramadan, hay tháng Chay - niệm) có thể ví như là tết cổ truyền mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni.

Ninh Thuận có 22 làng Chăm, phân bố ở 12 xã tại 6 huyện thị: Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Người Chăm cư ngụ tại Ninh Thuận có 2 nhóm chính phân theo tín ngưỡng là Chăm Ahiêr (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn) và Chăm Awal (Chăm Bàni - Chăm ảnh hưởng Hồi giáo).

Ngoài ra vào thập niên 1960 tại đây có một nhóm nhỏ người Chăm Bàni đã cải sang theo Hồi giáo chính thống (Islam).

Nếu nói Katê là lễ hội dành riêng cho người Chăm Bàlamôn, thì người Chăm Bàni có Lễ Ramưwan.

Lễ Ramưwan (hay còn gọi là Ramadan, hay tháng Chay - niệm) có thể ví như là tết cổ truyền mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni.

Người Chăm Awal hiện đang sinh sống tập trung ở 7 làng bao gồm làng An Nhơn, Phước Nhơn xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải); làng Lương Tri, xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn); làng Văn Lâm, xã Phước Nam (huyện Thuận Nam); làng Phú Nhuận xã Phước Thuận; làng Thành Tín, xã Phước Hải; làng Tuấn Tú, xã An Hải (huyện Ninh Phước).

Lễ Ramuwan, đây là tháng nhịn ăn, chay niệm của các tu sĩ Hồi giáo và là dịp để mọi người tưởng nhớ người thân đã mất.

Tháng chay Ramưwan chính là cách gọi của lễ Ramadan của đạo Hồi.

Theo quan niệm của người Chăm Bàni, đây chính là dịp tín đồ người Chăm Hồi giáo cúng gia tiên, báo công, báo hiếu về đạo lý, cội nguồn của những người còn sống đối với người đã khuất; như thực hiện lễ tảo mộ tại các nghĩa địa, cúng tại gia, mời ông bà tổ tiên về với con cháu và cầu nguyện cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt… Đồng thời đây cũng là dịp các làng Chăm Hồi giáo tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi vui hội.

Chính vì vậy, Tết Ramưwan là sản phẩm văn hóa và tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ Ramưwan năm 2023 của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo (Bàni) tại Ninh Thuận năm nay bắt đầu từ ngày 23 tháng 3 năm 2023 (nhằm ngày 02 tháng 02 năm Quý Mão) đến hết ngày 23 tháng 4 năm 2023 (nhằm ngày 04 tháng 3 năm Quý Mão).

Trước lễ Ramưwan, đồng bào Chăm theo theo đạo Bàni và Islam đều tổ chức Lễ tảo mộ (nhằm những ngày 29, 30 tháng 8 và mùng 1 tháng 9 Hồi lịch).

Ngày tảo mộ dù mưa hay nắng, các gia đình tín đồ Chăm mặc trang phục truyền thống mang theo lễ vật đi đến các Ghur (Nghĩa trang).

Đầu tiên là viếng Nao Ghur Garay Naih (Nghĩa trang xa làng) rồi mới viếng Nao Ghur Palei Drei (Nghĩa trang trong làng). Làng nào cũng vậy, ngay từ sáng sớm, các gia đình tộc họ người Chăm lên đến hàng nghìn người mặc trang phục truyền thống với mâm đồ cúng tươm tất trên tay. Mọi người hòa trong không khí rộn ràng, vui tươi, nối thành từng đoàn đi tảo mộ. Có một điều đặc biệt là lễ tảo mộ cũng là dịp mọi người, bạn bè hẹn gặp nhau hàn huyên tâm sự, thăm chúc sức khỏe nhau. Lễ tảo mộ là sự kiện độc đáo của người Chăm theo đạo Bàni, Islam nói riêng, nổi bật trong văn hóa Chăm tại Ninh Thuận nói chung,

Sau Lễ tảo mộ các gia đình về nhà cúng gia tiên theo phong tục truyền thống, khoản đãi bạn bè khách thân mật. Nhiều làng tổ chức mở hội múa hát tại sân vận động với sự tham gia của vài trăm người với đủ mọi lứa tuổi. Để có sự kiện này, thông thường các làng đẫ phải tập luyện đội hình trước cả tháng.

Chiều tối ngày 1-9 (Hồi lịch), các vị chức sắc Bàni vào chùa và các Ban Hakem vào thánh đường thực hiện nghi lễ tháng tịnh chay. Trong tháng Ramưwan, các vị chức sắc Bà ni và mọi người sinh hoạt tại chùa, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn (trừ phụ nữ có thai, trẻ em, người già bệnh đau). Mọi người quan niệm thực hiện tháng tịnh chay là làm cho thể xác, tinh thần trong sạch, chế ngự những ham muốn tầm thường; hướng tới cuộc sống chân thiện mỹ, đoàn kết cộng đồng, dân tộc.

Một số hình ảnh về Lễ tảo mộ, và chuẩn bị cho lễ hội tại làng Chăm Bàni

Nhét trầu cau dưới hòn đá. Một nghi lễ trong Lễ tảo mộ của người Chăm Bàni

Các gia đình nhộn nhịp làm bánh truyền thống.

Nhà thơ người Chăm Kiều Maily, làng Phước Nhơn đang làm bánh cho lễ cúng gia tiên và đãi khách tại gia đình.

Ông Châu Minh Hương (bên trái), phó chủ tịch phụ trách hội đồng sư cả Hồi giáo Bà Ni, Trụ trì chùa Bàni Tuấn Tú và ông Báo Minh Hàng - Mum Cựu chùa Tuấn Tú đang họp bàn cho tháng chay Ramưwan.

NÚI XANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ramuwan-thang-chay-tinh-cua-nguoi-cham-awal-post724967.html