Radar bộ binh

Hiện nay, radar bộ binh được các lực lượng vũ trang sử dụng rộng rãi trên mọi loại địa hình, chiến trường-một số ứng dụng cho các điều kiện, hoàn cảnh tiêu biểu như: Chiến tranh trong đô thị, chống khủng bố, tuần tra biên giới, chống gián điệp, buôn lậu, vượt biên trái phép, kiểm soát các tài sản quan trọng hay vị trí chiến lược.

Trong hầu hết các ứng dụng này, radar bộ binh được sử dụng để phát hiện, phân loại và nhận dạng các mục tiêu trên mặt đất hay các mục tiêu bay thấp. Radar bộ binh có thể phát hiện các mục tiêu rất nhỏ (máy bay không người lái), với tốc độ di chuyển rất chậm như người trườn bò, hơn thế nữa, với các địa hình con người khó tiếp cận, radar bộ binh cho phép có thể an toàn giám sát từ xa, trong mọi điều kiện thời tiết 24/7.

Radar FLIR Ranger R20SS là dòng radar bộ binh của Mỹ.

Một trong những yêu cầu tiên quyết với radar bộ binh là tính cơ động cao, có thể lắp trên xe hoặc mang đi và vận hành bởi một nhóm 3 người. Nguyên nhân là vì radar bộ binh cần hoạt động tại những vị trí hẻo lánh, xa khu dân cư, những nơi mà các radar cố định không với tới được, có thể được ngụy trang để tránh máy bay địch. Các radar bộ binh được các lực lượng vũ trang sử dụng rộng rãi trên mọi loại địa hình bộ binh thường không hoạt động đơn lẻ mà đi kèm với một tổ hợp thiết bị: Camera ảnh nhiệt, máy ảnh độ phân giải cao, ống nhòm lazer để tăng cường khả năng xác định mục tiêu, cùng hệ thống liên lạc vô tuyến cự ly ngắn. Một số sản phẩm tiêu biểu của dòng radar này như radar giám sát chiến trường-tầm ngắn (BFSR‐SR) của Ấn Độ có khối lượng chỉ 30kg có thể phát hiện mục tiêu tối đa đến 14km (xe tải hạng nặng), có thể phát hiện người bò với khoảng cách đến 700m, 3km với người đi bộ chậm và 7km với một nhóm người chạy nhanh. Radar FLIR Ranger R20SS của Mỹ có thể phát hiện mục tiêu di chuyển từ 0,1 đến 44m/giây với vùng phát hiện tối đa lên đến 30km.

Do đặc tính cơ động trên, radar bộ binh có kích thước nhỏ gọn và sử dụng công nghệ FMCW (Frequency-Modulated Continuous Wave). Theo đó, radar phát đi tín hiệu liên tục được mã hóa bằng các hàm chu kỳ như hàm sóng sin hay hàm sóng răng cưa để đo khoảng cách mục tiêu. So với các loại radar dùng xung thông thường, radar FMCW có độ phân giải cao, không có vùng mù (vùng gần tâm đài) như radar xung và khó bị phát hiện hơn do công suất phát thấp.

Điển hình trong dòng radar bộ binh là radar xuyên lòng đất-phương pháp hiệu quả không xâm lấn, không phá hủy để lấy được hình ảnh các địa tầng, đóng vai trò quan trọng trong dân sự (kỹ thuật xây dựng, khảo cổ, pháp y, khoa học địa chất) đến quân sự (phát hiện bom, mìn, các đạn pháo chưa nổ hay các hầm ngầm của đối phương). Radar xuyên lòng đất cũng hoạt động giống các radar bình thường khác là phát tín hiệu đi và đón phản hồi về. Điểm khác biệt lớn nhất là mục tiêu của radar xuyên lòng đất không phải là mục tiêu trên biển hay trên không mà là các hiện tượng bất thường bên dưới lòng đất như một cấu trúc bị chôn vùi, một quả mìn chưa nổ. Phụ thuộc vào dải tần hoạt động cũng như kết cấu của địa chất, radar xuyên lòng đất có thể xuyên qua từ vài xen-ti-mét đến vài chục mét độ sâu. Ngoài ra, radar xuyên lòng đất có thể được trang bị trên máy bay không người lái để quan sát các khu vực khó tiếp cận như rừng rậm, đầm lầy để cứu hộ hay phát hiện cháy rừng. Một số radar xuyên lòng đất tiêu biểu như dòng radar LMX-100 và LMX-200 có thể quét sâu đến 8m.

MAI HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/radar-bo-binh-670736