Rà soát điều kiện cấp phép kinh doanh xăng, dầu: 'Mất bò mới lo làm chuồng'

Việc Bộ Công Thương yêu cầu thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh mới đây đã tiếp tục phơi bày những lỗ hổng trong quản lý hệ thống xăng, dầu.

Người tiêu dùng mua xăng tại điểm bán trên đường 32, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải

Người dân, DN rất bất bình trước sự nhập nhèm hoạt động của nhiều thương nhân đầu mối; còn các chuyên gia thì nhận định Bộ Công Thương thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong vai trò là cơ quan quản lý.

Nhiều lỗ hổng trong quản lý xăng, dầu

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng, dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu (theo Nghị định 83/2024, Nghị định 95/2022 và Nghị định 80/2023).

Cụ thể, các DN đầu mối phải kê khai về điều kiện cầu cảng thuộc sở hữu hoặc thuê, khả năng tiếp nhận tàu chở xăng dầu; kho tiếp nhận xăng, dầu và phương tiện vận chuyển. Các đầu mối cũng phải báo cáo hệ thống phân phối, như số lượng cửa hàng thuộc sở hữu, thuê (từ 5 năm trở lên); đại lý, tổng đại lý và thương nhân nhượng quyền trực thuộc hệ thống của mình. Ngoài ra, các thương nhân phân phối phải báo cáo về cửa hàng (sở hữu, thuê), đại lý bán lẻ, cửa hàng trực thuộc đơn vị nhận nhượng quyền. Các báo cáo này gửi về Bộ Công Thương trước 30/1.

Các DN đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng, dầu cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm sản lượng phân giao tối thiểu theo năm, theo tháng, quý. Từ hoạt động thực tiễn của các DN, chủ động phản ánh đề xuất về những cơ chế chính sách hoặc những giải pháp tình thế, đặc thù để có thể đối phó một cách hiệu quả đối với diễn biến bất thường của thị trường xăng, dầu thế giới và phải có trách nhiệm với những kiến nghị, đề xuất đó.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Trước đó, theo kết luận Thanh tra Chính phủ công bố đầu tháng 1, nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh doanh, cấp phép xăng dầu của Bộ Công Thương được nêu ra. Trong hơn 5 năm, Bộ này đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng, dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng, dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ. Tuy nhiên, thực tế sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng, dầu. Trong gần 3 năm, việc đầu tư kho xăng dầu thương mại của các DN đầu mối chỉ đạt 15% theo quy hoạch.

Các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng, dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều đầu mối, thương nhân phân phối chỉ thuê kho, bể chứa xăng, dầu theo mùa vụ để giảm chi phí, qua mặt cơ quan quản lý. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường. Thanh tra Chính phủ xác định đây là một trong những nguyên nhân trong khâu cấp phép, ảnh hưởng tới nguồn cung thị trường.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sau khi một số đơn vị bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép do sai phạm, hiện thị trường còn 34 DN đầu mối xăng, dầu (không gồm đơn vị kinh doanh nhiên liệu hàng không) và khoảng 300 thương nhân phân phối. Bộ Tài chính hôm 19/1 thông tin, gần 1/3 đầu mối xăng, dầu đang nợ thuế hàng nghìn tỷ đồng, khó thu hồi.

Việc rà soát điều kiện cấp phép kinh doanh xăng, dầu là vấn đề nhiều chuyên gia đã cảnh báo từ lâu. Bởi thực tế hầu hết các DN đầu mối không đủ điều kiện đáp ứng về kho trữ xăng dầu theo quy định của pháp luật (bao gồm cả dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia). Đáng nói, theo quy định của Nhà nước, DN đầu mối được phép thuê kho trữ xăng, dầu trong 5 năm, lợi dụng kẽ hở của quy định nhiều DN đầu mối đã cho thuê qua thuê lại nhập nhèm. Như vậy, việc dự trữ thương mại kinh doanh thông thường (lượng xăng, dầu đảm bảo 2 – 3 tuần) còn không làm được nói gì đến đảm bảo kho dự trữ xăng, dầu cho quốc gia.

Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) thẳng thắn nhận định, Bộ Công Thương đã không sâu sát, thậm chí buông lỏng trong quản lý, rà soát dẫn đến việc nhiều DN vi phạm quy định. Thậm chí còn chậm trễ trong công tác tham mưu cho Chính phủ, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận điều tra và yêu cầu rà soát, Bộ Công Thương mới thực hiện. Lẽ ra với chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ Công Thương phải có đề xuất sửa đổi quy định nếu nhận thấy không phù hợp với thực tế và bộc lộ lỗ hổng.

Nhiều đại diện DN, người dân chia sẻ, hoạt động của các DN đầu mối xăng, dầu thực sự chưa bao giờ được công khai, minh bạch. Nhất là khi số tiền trong Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là do người tiêu dùng góp vào nhằm bình ổn thị trường lại bị các DN này chiếm dụng gây bức xúc trong dư luận. Người dân và DN kỳ vọng, cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh với những trường hợp vi phạm; cơ quan quản lý cũng cần khẩn trương xây dựng Nghị định mới quy định về kinh doanh xăng, dầu để lấp những lỗ hổng pháp lý như thời gian qua.

Tinh giản đầu mối, xây dựng kho dự trữ quốc gia

Nhiều chuyên gia nhận định, ngay sau khi có kết quả kiểm tra, rà soát thực trạng, Bộ Công Thương cần mạnh tay tước giấy phép, dừng cấp phép đối với các DN đầu mối không đáp ứng điều kiện về kinh doanh xăng, dầu. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, không cần thiết có nhiều đầu mối xăng, dầu hoạt động trên thị trường. Bởi tinh giản đầu mối sẽ hạn chế được việc chia nhỏ các khâu trung gian, từ đó giúp giảm chi phí trong kinh doanh xăng, dầu và sức ép về giá cũng không bị chịu áp lực quá lớn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), giải pháp lâu dài là hợp nhất đầu mối xăng, dầu để nâng hiệu quả hoạt động gắn với sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý; đồng thời, xây dựng kho dự trữ xăng, dầu quốc gia mang tính chiến lược. Chỉ khi nào 2 giải pháp này được thực hiện thì hoạt động kinh doanh xăng, dầu mới vận hành ổn định và theo cơ chế thị trường.

TS Vũ Vinh Phú khuyến nghị nên bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng, dầu đang được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, vì thương nhân phân phối xăng, dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng DN đầu mối (nơi phát nguồn hàng hóa xăng, dầu). Nếu loại bỏ được loại hình thương nhân phân phối xăng, dầu sẽ giảm thiểu được tối đa thủ tục hành chính cho DN, tránh được tình trạng thiếu nguồn cung trong nước. Sở dĩ đề xuất như vậy vì trên thực tế, khi khan hiếm nguồn cung, các đầu mối sẽ chỉ đảm bảo cho hệ thống của mình trước. Điều này, khiến thương nhân phân phối xăng, dầu gặp khó khăn, gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Bày tỏ quan điểm cần thiết đầu tư xây dựng kho dự trữ quốc gia, TS Vũ Đình Ánh phân tích: với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước còn khiêm tốn, việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu là cần thiết. Tuy nhiên, chính sách để thu hút hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng, dầu như thế nào vẫn cần được tính toán và thiết lập để sớm có lộ trình phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Song song với rà soát chính sách, cần tăng cường thông tin tuyên truyền về tầm quan trọng của hạ tầng dự trữ xăng, dầu để lựa chọn được nhiều nhà đầu tư, bảo đảm năng lực, kinh nghiệm.

Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng về cơ chế quản lý, điều hành giá và phân phối xăng, dầu của nước ta để tránh tình trạng chồng chéo khi có nhiều đơn vị liên quan mà không có một cơ quan chủ trì. Cần thiết phải có một cơ quan chủ trì chuyên trách có thẩm quyền và trách nhiệm trong toàn bộ quy trình quản lý, điều hành. Có như vậy, thị trường xăng, dầu mới được vận hành ổn định và hiệu quả.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Ngọc Ánh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ra-soat-dieu-kien-cap-phep-kinh-doanh-xang-dau-mat-bo-moi-lo-lam-chuong.html