'Ra nước ngoài vẫn chia phe, lôi kéo đồng hương'

(ĐVO) "Việc đưa ra tiêu chuẩn tuyển người là quyền của doanh nghiệp, miễn sao các tiêu chuẩn đó không trái pháp luật, không xúc phạm nhân phẩm người lao động", GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Lao động Thanh Hóa, Nghệ An bị ngầm tẩy chay

Theo điều tra của Đất Việt, tại một số khu công nghiệp miền Nam đang diễn ra tình trạng “ngầm tẩy chay”, không nhận lao động có hộ khẩu tại một số tỉnh miền Trung. Đất Việt đã phỏng vấn GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, về vấn đề này.

- Xin ông cho biết, quyền hạn của các doanh nghiệp trong việc đưa ra các quy định tuyển lao động như thế nào?

- Việc đưa ra tiêu chuẩn tuyển người là quyền của doanh nghiệp, miễn sao các tiêu chuẩn đó không trái pháp luật, không xúc phạm nhân phẩm người lao động. Theo yêu cầu cụ thể của từng công việc, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa ra những tiêu chuẩn khác nhau để tuyển được lao động phù hợp.

- Trong trường hợp này, việc một số doanh nghiệp từ chối không nhận lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có sai luật không, thưa ông?

- Nếu chính quyền địa phương kì thị lao động đến từ các địa phương khác thì không được. Nhưng trường hợp này là doanh nghiệp tuyển người. Họ có quyền tuyển dụng lao động phù hợp với yêu cầu công việc của mình. Có thể họ đã có những kinh nghiệm thực tế rồi mới đi đến quyết định như vậy. Mà tôi tin rằng đi đến quyết định đó không dễ dàng gì. Một số doanh nghiệp đã trình bày là không ít lao động đến từ các địa phương nói trên làm việc ở doanh nghiệp của họ hay có hành vi đánh nhau, vô kỷ luật, lôi kéo nhau lãn công, bỏ việc…

GS Nguyễn Minh Thuyết: "Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm thực tế và chắc hẳn không dễ dàng gì khi quyết định không tuyển lao động Thanh-Nghệ-Tĩnh". Ảnh: Bá Mạnh.

Đi công tác nước ngoài, đôi khi tôi cũng gặp trường hợp người ta không tuyển lao động Việt Nam bởi trong quá khứ có nhiều trường hợp “quậy” quá, khiến doanh nghiệp và chính quyền sở tại khó quản lý. Trong khi đó, ở một số nước châu Âu, như Italia, lao động Philippines được đánh giá rất cao vì tính cần cù, trung thực, kỷ luật.

Có lần, vào khoảng tháng 5 năm 2010, tôi đến UAE (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) giữa lúc Đại sứ quán ta đang đau đầu giải quyết vấn đề phức tạp do vụ 400 người Việt Nam vừa sang làm việc trong lực lượng an ninh nước này đánh nhau. Chỉ từ một xích mích nhỏ dẫn đến đánh nhau to, làm mấy chục người phải nhập viện. Lạ một cái là sang đến tận UAE rồi mà vẫn lôi kéo đồng hương, chia phe chia phái, phân biệt khu nọ khu kia xung đột với nhau. Vụ việc này khiến chính quyền sở tại định trục xuất toàn bộ 400 lao động Việt Nam mới sang về nước. Bộ LĐ-TB-XH phải cử người sang tận nơi, phối hợp với Đại sứ quán, giải quyết mãi mới xong. Nhưng vụ việc chắc không khỏi sẽ ảnh hưởng đến khả năng nước bạn tiếp nhận lao động Việt Nam trong tương lai.

- Theo ông, biện pháp để dần giải quyết được vấn đề lao động một số tỉnh bị tẩy chay là gì?

Tuy không làm sai luật nhưng các chủ doanh nghiệp trong trường hợp này cần cân nhắc kĩ: Có phải tất cả lao động đến từ các tỉnh đã nói đều có những hạn chế mà doanh nghiệp không mong muốn không? Có nên nhất loạt cư xử với lao động đến từ các địa phương đó như thế không? Đồng thời, cũng cần tự đánh giá xem doanh nghiệp mình thực hiện pháp luật về lao động đã đúng chưa, chế độ đãi ngộ lao động thế nào, vì sao anh chị em công nhân phản ứng v.v…

Về phía anh chị em lao động đến từ các tỉnh, cũng phải tự hỏi tại sao doanh nghiệp không muốn tuyển người địa phương mình. Từ đó, cần tích cực cải thiện hình ảnh với các doanh nghiệp, để bảo đảm quyền lợi của mình và để khỏi ảnh hưởng đến những lao động lớp sau.

Liên đoàn Lao động ở các địa phương cũng cần nhập cuộc đánh giá thực trạng, nguyên nhân và tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc này. Ở nước ta chỉ có một tổ chức công đoàn, cho nên tổ chức đó phải chăm lo cho quyền lợi không chỉ của những người đang là đoàn viên mà của cả các lao động khác. Trong các quyền lợi đó, quyền quan trọng nhất là quyền được lao động.

> Lao động Thanh Hóa, Nghệ An bị ngầm tẩy chay

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/chinhtri/Ra-nuoc-ngoai-van-chia-phe-loi-keo-dong-huong/20123/200044.datviet