Ra đề kiểm tra Toán lớp 12 theo hình thức trắc nghiệm

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Phú Yên đã có những lưu ý rất cụ thể tới từng trường phổ thông về các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả của học sinh đối với môn Toán.

Lớp 12 ít nhất mỗi học kì có 1 bài kiểm tra 1 tiết trắc nghiệm khách quan

Theo ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên - việc đánh giá thường xuyên gồm kiểm tra miệng, kiểm tra viết 10 - 15 phút, kiểm tra bài làm ở nhà của học sinh; đánh giá định kì gồm kiểm tra cuối chương, kiểm tra giữa học kì, kiểm tra cuối học kì, kiểm tra cuối năm học, Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên phải thực hiện nghiêm túc.

Các đề kiểm tra học kỳ, cuối năm cấp THCS, lớp 10 và 11 được Sở GD&ĐT tổ chức thi chung đề. Đề thi lấy từ Ngân hàng đề thi của Sở và thi theo hình thức tự luận.

Riêng lớp 12, Sở chỉ đạo các trường cố gắng tổ chức kiểm tra học kỳ theo hình thức trắc nghiệm khách quan như theo thi THPT quốc gia năm 2017. Trong năm học, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức từ 1 đến 2 lần kiểm tra năng lực lớp 12, gồm các môn thi và hình thức thi như phương án thi THPT Quốc gia 2017 mà Bộ GD&ĐT công bố nhằm giúp học sinh làm quen với phương thức thi mới.

Đề kiểm tra, đánh giá cần phù hợp với mức độ yêu cầu của chương trình và có chú ý đến tính sáng tạo, phân hóa học sinh. Bên cạnh đó, các trường cần đảm bảo chất lượng tiết trả bài cuối kì, cuối năm, đánh giá được năng lực toán học của từng học sinh theo chuẩn kiến thức toán.

Những nội dung cần tập trung trong năm học

Về những nội dung dạy học môn Toán cần tập trung trong năm học 2016 - 2017, ông Dương Bình Luyện – Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD&ĐT Phú Yên cho biết:

Nội dung quan trọng đầu tiên là thực hiện khung thời gian năm học, xây dựng chương trình nhà trường, phân phối chương trình bộ môn. Cụ thể, thực hiện 37 tuần thực học (19 tuần học kì 1, 18 tuần học kì 2). Trên cơ sở này sửa đổi, bổ sung phân phối chương trình trình Sở GD&ĐT phê duyệt.

Nội dung thứ 2 là sinh hoạt tổ chuyên môn. Theo đó, trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên tổ chức sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của trường trung học qua mạng cho mỗi chủ đề theo hướng dẫn tại Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH. Mỗi tổ xây dựng 1 chuyên đề dạy học/học kì trao đổi chuyên môn theo hình thức nghiên cứu bài học, trao đổi qua website: truonghocketnoi.edu.vn.

Thứ 3 là tổ chức, tham gia các cuộc thi. Theo đó, các cuộc thi đối với học sinh là thi chọn học sinh giỏi; thi qua internet; thi khoa học kỹ thuật; thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Với giáo viên là thi dạy học theo chủ đề tích hợp; hội thi giáo viên giỏi THPT; hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy học môn Toán” cấp tỉnh; biên soạn tài liệu giảng dạy (bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, ôn tập, luyện thi…).

Thứ 4, về tổ chức phụ đạo học sinh yếu, ôn tập thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT nhấn mạnh việc phụ đạo cần linh hoạt; giao học sinh yếu cho từng giáo viên từng lớp; ôn tập theo năng lực. Các tiết phụ đạo, bồi dưỡng, ôn tập, tự chọn không nhất thiết phải soạn giáo án mà nên soạn thành các chuyên đề để thầy và trò cùng sử dụng.

“Tỷ lệ nhận thức các bài kiểm tra cũng được Sở GD&ĐT quy định. Theo đó, về tỷ lệ nhận thức: Kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu; kiểm tra 1 tiết, học kì tỷ lệ 50% nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng. Những lớp có chất lượng tốt hơn thì có thể điều chỉnh tỷ lệ phù hợp, đảm bảo học sinh trung bình đạt từ 5 điểm trở lên” – ông Dương Bình Luyện cho biết thêm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ra-de-kiem-tra-toan-lop-12-theo-hinh-thuc-trac-nghiem-2419376-v.html