Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025

Các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương triển khai biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán, đặc biệt tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng, quyết tâm nâng hạng thị trường trong năm 2025 - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, diễn ra sáng 28.2.

Ảnh minh họa: Nguồn ITN

Huy động vốn qua thị trường chứng khoán tăng hơn 33%

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, trong năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Theo đó, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn.

Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn còn khó khăn nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 công ty chứng khoán đang hoạt động có tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%; 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31.12.2023 đạt khoảng 639.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022; 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm trước.

Để có được kết quả đó là bởi có sự hỗ trợ từ nền kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành và đơn vị liên quan, sự quyết liệt trong quản lý điều hành và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết.

Sớm ban hành kế hoạch hành động triển khai Chiến lược

Để tiếp tục khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần khẩn trương ban hành kế hoạch hành động để triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Kế hoạch này được xây dựng sớm, ban hành sớm sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, không bị chồng chéo.

Cùng với đó, phải chuyên nghiệp hơn nữa hoạt động của thị trường chứng khoán bởi hiện thị trường chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và một số quỹ, thiếu vắng các công ty đầu tư chuyên nghiệp, mặc dù Luật Chứng khoán đã quy định. Cần đánh giá, rà soát vì sao các công ty, nhà đầu tư không mặn mà thành lập công ty, nhà đầu tư chuyên nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường.

Phát triển thị trường trái phiếu xanh là xu thế tất yếu để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) Lê Ngọc Lâm đề xuất, cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh bao gồm quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, cần hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát hành trái phiếu xanh thông qua việc tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các chính sách hỗ trợ về chi phí phát hành, ưu đãi thuế; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về môi trường. Có giải pháp khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu xanh thông qua xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn (ưu đãi về hạn mức tín dụng, thuế đánh trên lợi suất đầu tư…).

Báo cáo kết quả đáp ứng tiêu chí nâng hạng trước 30.6

Theo các đại biểu dự hội nghị, nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi sẽ là điều kiện tiên quyết để thị trường chứng khoán phát triển. Đây là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn - chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Trưởng nhóm Tài chính, cạnh tranh và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ketut Ariadi Kusuma nhìn nhận.

Ông Ketut Ariadi Kusuma thông tin, Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng thị trường có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030, với một số điều kiện.

Cụ thể, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI, trong đó phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI. Việt Nam cũng cần xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, với các giải pháp gồm cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh Johan Nyvene bổ sung, để nâng hạng thị trường, cùng với việcmở rộng không hạn chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, cần điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, qua đó tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Ngoài ra, thị trường cần cải thiện thêm về tính thanh khoản như điều kiện có thể bán chứng khoán đang chờ về, hoặc khả năng có thể vay và cho vay chứng khoán. Các công ty niêm yết cần phải tuân thủ tiêu chuẩn minh bạch trong báo cáo tài chính và quản lý doanh nghiệp - yếu tố cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp; phát triển của hạ tầng và các dịch vụ tài chính đi kèm.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được".

Theo đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng (báo cáo kết quả trước ngày 30.6.2024); quyết tâm nâng hạng thị trường trong năm 2025, Thủ tướng yêu cầu.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/quyet-tam-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-trong-nam-2025-i361394/