Quyết liệt tinh giản biên chế

Ngày 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế- xã hội. Nhiều ĐB cho rằng, bộ máy cồng kềnh, đông người cần thực hiện quyết liệt tinh giản biên chế, tạo dư địa gắn đồng bộ với nâng cao chất lượng công vụ theo đề án vị trí việc làm và đây cũng là khâu quan trọng nhất để nâng cao năng suất lao động.

ĐB Phan Việt Cường (Quảng Nam) phát biểu. (Ảnh: Hoàng Anh).

Giảm 20% cán bộ công chức

Đó là vấn đề được ĐB Dương Văn Thống (Yên Bái) kiến nghị đặt ra. Theo ông Thống, bộ máy cồng kềnh, đông người, không ít bộ phận không còn cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Nguyên nhân của tình trạng này là do tổ chức bộ máy của chúng ta bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, có bộ phận không cần thiết chưa được thiết kế lại một cách tổng thể. Bác Hồ đã nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, đức là cái gốc của người cán bộ”, nhưng ta đã coi nhẹ, buông lỏng giáo dục, rèn luyện cán bộ về phẩm chất, đạo đức, lối sống. “Tôi thấy cán bộ đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các cấp khi đến đâu đó chỉ đạo chỉ tập trung nói nhiều về phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị chung chung. Nói như thế là đúng nhưng chưa đủ, hầu như không thấy ai nói nhiều về đạo đức, phong cách, bốn chữ “cần, kiệm, liêm, chính”” - ông Thống nói.

Cũng theo ông Thống, khi xem xét bố trí cán bộ chỉ nặng về đánh giá hiệu quả công tác, sự nhanh nhạy, năng động, ít nói về đạo đức, dù trong bản kê khai nhận xét đều có. Ông Thống nói: “Do đó cần nghiên cứu một cách tổng thể cả bộ máy, hệ thống chính trị đảm bảo, giảm cả về tổ chức và con người trong đó biên chế phải giảm khoảng 20% trở lên chứ không phải 10%. Cho nên, Quốc hội khi ban hành luật mới và sửa đổi luật thì không tăng biên chế bộ máy.

Hàng năm Chính phủ và các cơ quan nhà nước phải báo cáo Quốc hội để sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và số kinh phí đã giảm được trong ngân sách hàng năm trong việc chi thường xuyên. Thường xuyên tập trung kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ trong đó có sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế và người đứng đầu cơ quan, tổ chức địa phương về công tác cán bộ, đạo đức, lối sống và tài sản. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, đặc biệt là chú trọng rèn về đức, cần kiệm liêm chính, tôn trọng và phục vụ dân. Muốn làm được thì cấp trên phải làm trước và cấp trên phải ít khuyết điểm hơn cấp dưới. Cán bộ liêm chính thì Chính phủ và bộ máy nhà nước của chúng ta mới liêm chính”.

ĐB Phan Việt Cường (Quảng Nam) cho rằng, bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở vẫn còn cồng kềnh, đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng chưa mạnh, nhiều ngành công vụ kém hiệu quả, chất lượng phục vụ nhân dân có nơi còn hạn chế, thủ tục hành chính chúng ta đặt ra rườm rà nhưng bảo thủ không chịu cắt bỏ. Thêm vào đó một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng, thích ban ơn, có những việc làm có thể giải quyết ngay trong một ngày nhưng có thể kéo đến một tuần, 10 ngày, thậm chí nhiều tháng liền. Đây là những trở ngại rất lớn khiến nhân dân than phiền, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất lo ngại. Vì vậy đề nghị Chính phủ sớm tổng kết rút kinh nghiệm mô hình cải cách hành chính tổng thể ở Quảng Ninh từ đó nhân rộng mô hình này ra cả nước.

Theo ĐB Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh), kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, cơ chế sàng lọc cán bộ, công chức tuyển dụng, bổ nhiệm phải bằng thi tuyển cạnh tranh, công bằng.

Mổ xẻ 5 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”

Giải trình về 5 dự án gây lãng phí, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Không chỉ có 5 dự án này mà còn một số dự án khác còn tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng và các vướng mắc nếu không được tháo gỡ kịp thời và sẽ gây ra nguy cơ mất vốn. Quan điểm của Chính phủ là làm rõ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Thường trực Chính phủ.

Còn băn khoăn, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng, tất cả ĐBQH rất quan tâm đến các dự án hiện nay bị đắp chiếu, một nguồn lực rất lớn của xã hội, đất nước đang bị lãng phí. “Vậy Bộ trưởng đã tính toán phương án xử lý những dự án bị đắp chiếu này chưa”?.

Tiếp đến ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt vấn đề: Trong quá trình phát triển các dự án thủy điện, nhiệt điện, Bộ trưởng có khẳng định quá trình đầu tư và vận hành các công trình thủy điện là đúng pháp luật. Nhưng thực tế đặt ra hiện nay đối với các công trình thủy điện từ việc tích nước và xả lũ, nhiều địa phương cho rằng chưa theo đúng quy định. Cần phải xem lại việc vận hành xả lũ của các công trình thủy điện có đúng quy trình và đúng pháp luật không? Các công trình thủy điện này trong thời gian qua đã làm tốt chức năng vào mùa khô hạn cung cấp nước để phục vụ sản xuất. Vào mùa mưa lũ tích nước để hạn chế việc lũ lụt hay chưa?

Chưa hài lòng với phần phát biểu của Bộ trưởng, ông Học chỉ rõ: Trong suốt gần một nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội nêu vấn đề hiện nay đời sống người dân ở vùng tái định cư các dự án thủy điện còn rất khó khăn. Quốc hội đã có nghị quyết giao cho Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khảo sát lại để có việc tái đầu tư, làm cho đời sống của người dân ở vùng thủy điện tốt lên. Hiện nay nhiều bà con vùng thủy điện hộ nghèo 50%, 60%, có nơi 80%. Do vậy Bộ trưởng khẳng định rằng đời sống người dân vùng tái định cư các dự án thủy điện được đảm bảo tôi cho rằng cũng chưa thỏa đáng.

Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Cần báo cáo Quốc hội về thực trạng bán hàng đa cấp

Theo số liệu Bộ Công thương công bố Việt Nam có 1 triệu người tham gia bán hàng đa cấp, 1 triệu người tức là 1/90 tổng dân số nước ta. Bán hàng đa cấp ở nước ngoài hiện nay vẫn là một trong những phương thức kinh doanh tiến bộ nhưng tại sao hình thức kinh doanh này khi vào nước ta lại biến tướng và gây nhiều bức xúc trong xã hội đến thế, nguyên nhân do đâu?.

Nguyên nhân thứ nhất là do các công ty bán hàng đa cấp thường không quan tâm tới việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành mà chỉ quan tâm tới việc quảng cáo, đánh vào tâm lý thích làm giàu nhanh của người dân. Lợi nhuận của bán hàng đa cấp không đến từ việc bán hàng, bán sản phẩm mà lại đến từ việc lôi kéo được người tham gia vào mạng lưới đa cấp.

Người khi tham gia vào bán hàng đa cấp mặc dù sau đó đã biết mình bị lừa nhưng vì muốn thu hồi lại số tiền nên bằng mọi cách phải đi lừa lại người khác để lấy lại số tiền. Thực chất bán hàng đa cấp không phải là xấu nhưng những biến tướng của nó lại rất xấu và đặc biệt rất khó kiểm soát, vì hành lang pháp lý của chúng ta hiện nay còn chưa đủ mạnh, chưa theo kịp quản lý nhiều mô hình biến tướng, rất phức tạp, đặc biệt xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Do đó, Chính phủ cần có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội về thực trạng bán hàng đa cấp tại kỳ họp thứ ba tới đây, đồng thời tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật đảm bảo tính thời sự, linh hoạt, mềm dẻo, đủ sức để theo kịp các diễn biến phức tạp của các hình thức bán hàng đa cấp trên thị trường, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận diện những dấu hiệu của công ty đa cấp lừa đảo.

V. Thắng – H.Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/quyet-liet-tinh-gian-bien-che/132199