Quyết định 'khó đỡ' của Hitler khiến phát xít Đức bại trận

Phát xít Đức lẽ ra đã không phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Mỹ nếu Hitler không có quyết định sai lầm tai hại này.

Hitler tên đầy đủ là Adolf Hitler là một nhà chính trị, một nhà độc tài của đất nước Đức từ năm 1933 cho đến khi qua đời vào năm 1945. Người ta biết đến Hitler nhiều nhất với vai trò là nhà độc tài của nước Đức, chủ tịch của Đảng Quốc Xã người phát động cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai với sự xâm lược Ba Lan rồi sau đó lan ra cả châu Âu.

Một tội ác nữa của Hitler cũng khiến cho cả thế giới phải kinh sợ đó chính là tổ chức tiến hành diệt chủng người Do Thái trên quy mô toàn thế giới. Trong suốt quá trình cầm quyền của mình thì Hitler cùng với chế độ Đảng Quốc Xã là nguyên nhân cho hơn 13 triệu cái chết trên toàn thế giới trong đó có đến 6 triệu người Do Thái.

Tuy là một trong những ác nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử tuy nhiên không ai có thể phủ nhận được tài năng của quốc trưởng Hitler. Người ta nói rằng mỗi lời nói của Hitler giống như một loại bùa mê mà ai nghe thấy cũng cảm thấy đúng và nghe theo.

Ông luôn quan niệm rằng muốn tìm ra một không gian sống tốt hơn cho dân tộc Đức tuy nhiên thay bằng những phương pháp hiền hòa thì ông lại chọn con đường bạo lực và thù hằn đây cũng chính là lý do gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Năm 1941, Hitler đã phạm phải 2 sai lầm khủng khiếp nhất trong cuộc đời. Thứ nhất, ông ta ra lệnh cho quân đội Đức chủ động tấn công xâm lược Liên Xô. Ngày 22/6/1941, các lực lượng Đức tiến công vào lãnh thổ Liên Xô, bất chấp 2 nước có hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau trước đó.

Với kế hoạch tên Barbarossa, Hitler hy vọng sớm tiêu diệt được Liên Xô và xây dựng một “quê hương mới” cho người Đức ở phía đông. Tuy nhiên, phát xít Đức bị sa lầy rồi bị đánh tan ở Liên Xô trước sức mạnh của Hồng quân.

Theo Ian Kershaw – chuyên gia nghiên cứu lịch sử người Anh - khi hứng thất bại bước đầu ở Liên Xô, Hitler lẽ ra đã có thể cứu vãn cục diện Thế chiến II nếu không tiếp tục phạm sai lầm “chí mạng” thứ hai: Tuyên chiến với Mỹ.

Ngày 7/12/1941, căn cứ hải quân Trân Châu Cảng của Mỹ bị phát xít Nhật gây thiệt hại nặng nề. Trong lúc Washington nổi cơn thịnh nộ và tìm mục tiêu để trút giận, Đức lại chủ động tuyên chiến với Mỹ.

Theo nhà sử học Ian Kershaw, không có nguyên nhân nào khiến Đức phải hứng “đòn thù” từ Mỹ sau trận Trân Châu Cảng, trừ sự kiêu ngạo của Hitler. Theo hiệp ước ký kết giữa các nước phe Trục (bao gồm Đức, Nhật, Italia) thì Đức chỉ buộc phải viện trợ quân sự cho Nhật nếu nước này bị Mỹ tấn công.

“Sau trận Trân Châu Cảng, Đức gần như ngay lập tức tuyên chiến với Mỹ. Đó là một trong những quyết định kỳ lạ nhất trong Thế chiến II”, ông Kershaw nhận xét.

Ngày 11/12/1941, Joachim von Ribbentrop - Ngoại trưởng Đức Quốc xã - triệu Đại biện Ngoại giao Mỹ Leland B. Morris tới gặp và trao bản tuyên chiến.

Theo ông Kershaw, Hitler biết sớm muộn gì ông ta cũng phải đánh bại Mỹ. Nhưng nếu khôn ngoan hơn, Hitler nên đánh bại hoàn toàn Anh và Pháp trước khi nhắm đến Mỹ. Trùm phát xít đã quá lạc quan khi cho rằng, Nhật Bản sẽ thành công cầm chân Mỹ ở Thái Bình Dương để Đức có thời gian tiêu diệt quân chủ lực Anh - Pháp.

Mời quý độc giả xem video: Bộ trưởng ngoại giao Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân | VTV24.

Thiên Trang (th)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/quyet-dinh-kho-do-cua-hitler-khien-phat-xit-duc-bai-tran-1772123.html