Quyết định 861 khiến 194.000 người ở Đắk Lắk không được hưởng bảo hiểm y tế

Tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk có 52 xã từ khu vực II và khu vực III trở thành xã khu vực I. Và 33 xã không còn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do có tỷ lệ đồng bào dân tộc thấp hơn 15%. Thế nên, nhiều hộ dân tại các xã này dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng không thể tiếp tục thụ hưởng các chính sách.

Xã Ea Pil , huyện M’drak có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cũng là xã vừa ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn do đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân cũng sẽ bị cắt giảm các chính sách hỗ trợ. Trước đây cả 6 người trong gia đình anh Hoàng Văn Sự đều được cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho hộ đồng bào dân tộc sống ở vùng khó khăn. Nhưng hiện những chiếc thẻ bảo hiểm này gia đình anh đều phải mua với số tiền không nhỏ.

Anh HOÀNG VĂN SỰ - Xã Ea Pil, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk: “Số tiền mua thẻ BHYT nếu như mấy năm trước được cấp, không phải mua thì đỡ cho gia đình nhiều. Năm nay gia đình có 6 người phải tốn vài triệu thì cũng là một phần gánh nặng”.

Đối với nhiều hộ đồng bào đang sinh sống tại xã vừa thoát ra khỏi danh sách vùng III, các khoản vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội trước đây khi hết hạn, hộ gia đình không còn được tiếp tục vay vốn ưu đãi để tái sản xuất, làm cho kinh tế gia đình gặp khó khăn, một số hộ có nguy cơ tái nghèo cao.

Chị ĐINH THỊ LỤA - Xã Ea Pil, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk: “Nếu nằm trong hộ nghèo và cận nghèo thì được đảo vốn, mình ở vùng khó khăn nếu mà cắt đi (chính sách đảo vốn-PV) thì không có vốn nào mà vay nữa.

Ông PHẠM VĨNH HỒNG Chủ tịch UBND xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk: “Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì xã khó mà thoát nghèo vì thu nhập của nhân dân thấp, chủ yếu con em trong độ tuổi lao động đều làm ăn xa chứ không mặn mà với quê hương do thu nhập không đủ nuôi sống mình. Việc mua bảo hiểm y tế tự nguyện là rất khó khăn.”

Thực hiện Quyết định số 861 của Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk có gần 14.000 hộ dân không còn được vay vốn ưu đãi, gần 194.000 người không còn được hưởng chính sách bảo hiểm y tế và hầu hết các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đồng bào dân tộc, cán bộ, nhân viên, giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa đều bị cắt giảm…

Bà CAO THỊ XUÂN - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Như vậy, vấn đề này cần nghiên cứu để xem xét về mặt tiêu chí của các xã đã đạt NTM. Thứ 2 là nâng cao vai trò giám sát của cơ quan dân cử ở địa phương. Thời gian tới chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến của các địa phương trên cả nước để có ý kiến với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ”.

Việc thực hiện Quyết định 861 đã tác động toàn diện đến đời sống nhân dân. Đây là thử thách vô cùng lớn, cần các địa phương đưa ra giải pháp, nguồn lực để đạt được mục tiêu đề ra. Nhất là việc đánh giá các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội phải thật sự khách quan, tránh chạy theo thành tích. Quan tâm nâng cao nhận thức của nhân dân về thực hiện các chính sách mới, khơi dậy tinh thần tự lực của người dân để tránh phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước

Thực hiện : Kim Liên – Nguyễn Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quyet-dinh-861-khien-194000-nguoi-o-dak-lak-khong-duoc-huong-bao-hiem-y-te