Quyết chiến ở Mosul

Lực lượng dân quân Peshmerga tiến vào khu vực phía đông Mosul hôm 17-10. Ảnh: Reuters

(Cadn.com.vn) - Ở vùng ngoại ô Mosul, hàng ngàn binh sĩ do quân đội Iraq dẫn đầu tiến gần đến thành phố chiến lược vốn do IS kiểm soát này. Nhưng các chiến binh IS vẫn cố thủ, tấn công dồn dập từ mọi phía, khiến nỗ lực giành lại thành trì này của chính phủ Iraq càng thêm khó khăn.

Lực lượng chính phủ Iraq, với sự hỗ trợ trên không và trên bộ của liên minh do Mỹ dẫn đầu, phát động cuộc tấn công mạnh mẽ nhất từ trước đến nay để đánh bật IS ra khỏi Mosul, thành trì lớn cuối cùng của các chiến binh tại quốc gia Nam Á này.

Theo Reuters, máy bay trực thăng thả pháo sáng trên cao và có thể nghe những tiếng nổ lớn tại mặt trận phía đông thành phố, khu vực lực lượng dân quân người Kurd (Peshmerga) tiếp tục di chuyển về phía trước đến các ngôi làng xa xôi – nơi IS đang kiểm soát chặt chẽ.

IS SẼ BỊ ĐÁNH BẬT KHỎI MOSUL?

Mỹ dự đoán IS sẽ phải chịu “thất bại lâu dài” khi lực lượng Iraq mở hoạt động quân sự lớn nhất kể từ khi Mỹ rút quân trong năm 2011. Khoảng 30.000 binh sĩ Iraq cùng với lực lượng dân quân Peshmerga và các chiến binh của bộ lạc người Sunni tham gia vào chiến dịch lần này, đối đầu với khoảng 4.000-8.000 chiến binh IS ở Mosul, thành phố có 1,5 triệu người.

“Tôi thông báo hôm nay bắt đầu các hoạt động anh hùng để giải phóng cho người dân khỏi nỗi sợ hãi và sự áp bức của IS”, Thủ tướng Iraq Haider Abadi cho biết trong bài phát biểu chính thức phát động chiến dịch giải phóng Mosul hôm 17-10. Kênh truyền hình al-Jazeera của Qatar phát sóng hình ảnh về cuộc không kích dữ dội ở Mosul, bắt đầu ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Abadi. “Chiến dịch quân sự nhằm chiếm lại quyền kiểm soát thành phố lớn thứ hai của Iraq có thể sẽ tiếp tục trong tuần, hoặc có thể lâu hơn”, chỉ huy liên quân tướng Stephen Townsend của Mỹ tuyên bố.

Trong khi đó, Ban Chỉ huy người Kurd cho biết, 4.000 quân Peshmerga tham gia vào hoạt động xóa sổ một số làng của IS ở phía đông Mosul, trong cuộc tấn công phối hợp với các đơn vị quân đội Iraq từ mặt trận phía nam. Trong tuyên bố đầu tiên về chiến dịch ở Mosul, văn phòng truyền thông quân đội Iraq cho biết, các binh sĩ phá hủy một số hàng phòng ngự của IS.

Chiến dịch giành lại Mosul là một trong những hoạt động quân sự lớn nhất tại Iraq kể từ sau cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu năm 2003 nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. “Đây là thời điểm quyết định trong chiến dịch để đẩy lùi IS”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nhấn mạnh đồng thời khẳng định: “Chúng tôi tin chắc rằng các đối tác Iraq sẽ đánh bại kẻ thù chung của chúng ta và giải phóng Mosul cũng như phần còn lại của Iraq”. Ông còn nêu rõ Mỹ và những nước còn lại trong liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu sẵn sàng hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến khó khăn ở phía trước.

LO SỢ KHỦNG HOẢNG NHÂN ĐẠO

Hôm 17-10, Thủ tướng Abadi tìm cách xoa dịu lo ngại rằng, các hoạt động quân sự này sẽ làm bùng nổ cuộc chiến sắc tộc, và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Theo nhà lãnh đạo Iraq, chỉ có quân đội và cảnh sát mới được phép vào thành phố có chủ yếu người Sunni sinh sống này và yêu cầu người dân Mosul hợp tác.

Trước đó, các chính trị gia người Sunni và tiểu bang Sunni chiếm đa số trong khu vực, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, cảnh báo việc để cho lực lượng dân quân Shiite tham gia vào chiến dịch tấn công lần này có thể châm ngòi bạo lực giáo phái. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ hy vọng Mỹ và các đồng minh sẽ làm hết sức mình để tránh thương vong cho dân thường ở Mosul. Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách vấn đề cứu trợ nhân đạo và khẩn cấp Stephen O'Brien quan ngại về sự an toàn của người dân. Ông cảnh báo nhiều gia đình có nguy cơ cao bị trúng đạn lạc hoặc trở thành mục tiêu tấn công của các tay súng bắn tỉa.

LHQ hồi tuần trước cho biết đang giằng co trong nỗ lực cứu trợ nhân đạo lớn nhất và phức tạp nhất thế giới cho cuộc chiến ở Mosul, trong đó có thể sẽ khiến hơn 1 triệu người mất nhà cửa và người dân có thể bị IS sử dụng làm lá chắn sống.

Khả Anh

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham chiến ở Mosul

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ngày 17-10 cho rằng, Iraq không thể một mình đánh bật IS ra khỏi Mosul, đồng thời khẳng định, Ankara không thể đứng ngoài chiến dịch này.

Trong một bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, “Chúng tôi sẽ tham chiến và sẽ ngồi tại bàn thảo luận”, ông Erdogan nói trên truyền hình. Theo nhà lãnh đạo này, sự hiện diện của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trong một doanh trại quân đội ở gần Mosul sẽ giúp Iraq rất nhiều. Ankara và Baghdad tranh cãi gay gắt về sự hiện diện của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ở một doanh trại đặt tại miền bắc Iraq cũng như về vấn đề ai sẽ tham gia vào cuộc tấn công ở Mosul.

T.L

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_156258_quye-t-chie-n-o-mosul.aspx