Quyền Văn Minh - Vật vã với jazz, phiêu du cùng saxophone

Tôi vẫn nhớ như in mùa Xuân năm Kỷ Sửu 2009, cách đây đã 15 năm. Năm ấy, Giỗ Tổ Hùng Vương đúng vào thứ Bảy nên được nghỉ bù thứ Hai. Lại thêm nỗi mưa dầm dề và rét Nàng Bân, nên đa số người dân Hà Nội chỉ ở trong nhà. Nhưng, cũng đúng vào cái đêm cuối của 3 ngày nghỉ lễ ấy đã diễn ra một sự kiện nghệ thuật đặc biệt.

Âm thầm thôi, nhưng đủ khuấy động bầu không khí có phần im ắng của Hà Nội. Đó là chương trình nhạc Jazz lần đầu tiên diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đêm 6/4/2009, với tên gọi: “Quyền Văn Minh với bè bạn và Jazz”...

1. Đêm nhạc Jazz ấy của Quyền Văn Minh như một đốm lửa nhỏ sưởi ấm lòng những người yêu nhạc Jazz ở Hà Nội những ngày rét mướt ấy. Khi đã dỡ xuống những băng-rôn, pano ngoài cửa Nhà hát Lớn giới thiệu về đêm diễn duy nhất này, vẫn cứ trào dâng bao cảm xúc cái đêm diễn ấy của Saxophonist Quyền Văn Minh và bè bạn của anh...

Cảm xúc đầu tiên chính là sự khâm phục. Khâm phục một nỗ lực, một lòng can đảm, một sự bền bỉ, một tấm lòng yêu Jazz cuồng nhiệt và quyết tâm mãnh liệt “nuôi” cho Jazz sống được trên dải đất chữ S này. Bởi, đã tròn 12 năm, kể từ khi Minh lập ra ban nhạc Jazz đầu tiên, tháng 10/1997, tròn 9 năm kể từ khi vẫn là Minh lập ra ban nhạc Jazz Big Band vào năm 2000, đến đêm ấy, Minh và ban nhạc của anh mới có được một đêm diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn.

Suốt chục năm trước cái đêm ấy là bao đận chìm nổi vì Jazz của Minh. Đầu tiên là mở Jazz Club ở Giảng Võ giữa năm 1997, được 3 tháng phải đóng cửa vì chủ nhà đòi lại mặt bằng, mất trắng toàn bộ tiền đầu tư. Rồi Minh lại thuê tiếp chỗ nhà hàng Lục Thủy ven Hồ Gươm, rồi lại thuê một chỗ ở Nhà hát Thăng Long trên phố Lương Văn Can. Được 10 năm thì Nhà hát Thăng Long đòi địa điểm, Minh lại phải đóng cửa club, đi tìm chỗ ở phố Trấn Vũ ven hồ Trúc Bạch. Trình diễn được 3 tháng, lại quay về Quán Sứ. Sau 4 năm ở Quán Sứ, Minh về thuê một phòng tầng trệt của Nhà hát Kịch Việt Nam ở ngõ số 1 Tràng Tiền, ngay sau lưng Nhà hát Lớn và trụ lại cho đến hôm nay.

Kể lại những lần “dọn nhà” ấy để thấy Jazz ở Việt Nam muốn “an cư lạc nghiệp” khó đến thế nào. Thế nhưng, suốt gần 30 năm qua, Jazz Club của Minh vẫn cứ liên tục sáng đèn dù đặt ở đâu. Vẫn đêm đêm, từ 20-23h, Minh cứ hì hụi cùng ban nhạc Big Band của mình “tải” Jazz vào lòng dân Thủ đô và bạn bè quốc tế. Minh và Jazz của Minh đã đi cả một con đường vòng vạn dặm mới tới được sân khấu Nhà hát Lớn. Con đường vạn dặm ấy có những điểm mốc đáng nhớ.

Đó là những cuộc biểu diễn tại những lễ hội văn hóa âm nhạc tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, tại lễ kỉ niệm 10 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, tại Gala Dinner của Chính phủ Việt Nam chiêu đãi Hội nghị APEC 2007. Đó là 6 lần mang Jazz đi diễn nước người, từ Tokyo, Okinawa (Nhật Bản), Singapore, Hong Kong, Macau (Trung Quốc), Đức, San Francisco (Mỹ), Paris (Pháp)... Chỉ nội một con đường vòng xa và dài như thế để tới được sân khấu Nhà hát Lớn, nơi chỉ cách câu lạc bộ Jazz của Minh và bè bạn chưa đầy 1.500 mét khi club còn ở phố Lương Văn Can, đã đủ để thấy Minh vật vã đến nhường nào, quyết chí bền lòng đến nhường nào vì một nền nhạc Jazz ở Việt Nam.

2. Khâm phục thế nhưng lại cứ thấy thương Minh. Cái cảm xúc này không biết nói ra Minh có bằng lòng không? Nhưng, không thương sao được, khi tôi chứng kiến sau biết bao đêm diễn, Minh lại vò nhàu mái tóc muối tiêu búi tó của mình, toát mồ hôi lo cân đối tài chính với bao khoản tiền phải tự mình tính liệu hết cả. Tiền thuê nhà hát, tiền thuê trang âm ánh sáng, tiền cho truyền hình, nhiếp ảnh, tiền cát-sê cho diễn viên phụ trợ ban nhạc, tiền bồi dưỡng cho anh em ban nhạc... vô vàn là thứ tiền cho một đêm Jazz Hà Nội. Nhưng, để ý nhìn kỹ, ở những đêm diễn của Minh và Jazz Việt, hầu như chẳng bao giờ có lấy một logo quảng cáo trên sân khấu, hiểu nôm na là không một đồng tài trợ. Nghĩa là, Minh phải lo 100% kinh phí cho một đêm nhạc Jazz.

Đành rằng, cái câu lạc bộ Jazz của Minh đã có tên trong nhiều cuốn guidebook, như là một địa chỉ văn hóa của Hà Nội trong những cuốn sách hướng dẫn cho khách du lịch xuất bản ở Anh, Pháp, Đức, Nhật, Mỹ... Đành rằng, đến cả nghệ sĩ Jazz người da đen nổi tiếng Herbie Hancok - người từng đoạt 13 giải Grammy - khi từ New York sang Việt Nam cũng từng lần tới câu lạc bộ của Minh để nghe Minh chơi Jazz Việt, để tự chơi Jazz cùng Minh, để trò chuyện và chụp ảnh lưu niệm với Minh. Nhưng, Jazz vẫn cứ xa lạ sao đó, cứ trúc trắc sao đó với nhiều người Việt. Có lẽ, cũng bởi thế nên các nhà tài trợ, các tỷ phú vẫn còn ngần ngừ lắm, ái ngại lắm với Minh và Jazz Việt.

Còn Quyền Văn Minh, vì luôn đau đáu nhạc Jazz được phổ biến rộng rãi và đi vào đời sống tinh thần của người dân Việt nên nhiều lúc phải chờ thời, hi vọng. Và, đêm đêm, khi cả Hà Nội đã say giấc nồng, trong mưa gió mùa đông hay nóng nực mùa hạ, lúc lắc như con gấu Misa trên chiếc xe Vespa cà tàng kêu phành phạch như tiếng xe công nông chở cát sỏi, khoác chiếc saxophone nặng trĩu trên vai, Quyền Văn Minh lại từ câu lạc bộ Jazz lầm lũi trở về căn buồng rộng chưa đầy 20 mét vuông trong một ngôi nhà Pháp cổ có nhiều hộ gia đình chung sống nơi góc ngã 3 phố Phan Đình Phùng - Hàng Bún.

Căn buồng ấy Minh mới mua được vài năm nay, còn trước đó, nhiều năm Minh phải đi ở nhà thuê. Phải ở nhà thuê vì ngôi nhà cũ của anh, nơi anh sinh ra và lớn lên, ngôi nhà hương hỏa của cha mẹ anh để lại cho bố con anh, một ngôi nhà đẹp trên phố Hàng Giấy sầm uất và phồn hoa, anh đã phải thế chấp ngân hàng từ lâu lắm rồi, để nuôi câu lạc bộ, để nuôi Jazz tồn tại ở Việt Nam. Chịu khó thế, can đảm thế, bền bỉ thế, không khâm phục sao được. Lầm lũi cô đơn thế, chật vật vất vả thế, không thương sao được.

3. Một sáng Chủ nhật cuối tháng 12/2023, Minh gọi cho tôi sớm, bảo sẽ qua nhà tôi sau 15 phút nữa. Tưởng lão lại rủ mình đi ăn phở gà Châu Long như nhiều sáng cuối tuần khác, hóa ra, lão đã ký sách tặng mình từ giữa thu mà giờ sắp hết đông sang xuân mới mang đến tặng bạn. Gặp nhau lần quái nào lão cũng lại vỗ đùi: “Chết rồi, tôi lại quên mang sách tặng bạn già rồi...”.

Cuốn sách này do một tác giả người Nhật viết cùng Quyền Văn Minh. Ông là Tiến sĩ Stan BH Tan - Tangbau - chuyên nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á. Tiến sĩ Tangbau viết cùng Minh và viết về Minh, về Jazz ở Việt Nam một cách đầy đủ và kỹ càng nhất so với một số cuốn sách và bài báo trước đó đã viết.

Tôi cũng từng viết dăm ba bài báo về Minh. Những bài báo ấy, Minh đem đóng khung kính như bằng khen, treo ở tường club Jazz Bình Minh của mình. Lắm lúc, đến club nghe nhạc, nhìn thấy thế, cũng rưng rưng xúc động. Nhưng, thực ra sự trân trọng ấy của Minh dành cho tôi là có lý do riêng của nó, chứ ko phải vì những bài báo đó của tôi hay quá đâu.

Tôi và Minh vốn học kèn Clarinet cùng nhau từ khi mới 12-13 tuổi, học tại nhà, cùng một thầy, chung một giáo trình. Giáo trình do thầy mượn từ Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ngày ấy, đầu những năm 70, chưa có photocopy, nên tôi học trưa, Minh học tối, sau giờ đi học ở trường phổ thông, ngày nào cũng vậy.

Năm 1972, sau khi chúng tôi tốt nghiệp lớp 10, tôi được vào đại học vì chưa đủ tuổi gọi nhập ngũ. Còn Minh, hơn tôi 1 tuổi, nên đủ tuổi đi bộ đội. Nhưng rồi Minh được tuyển làm lính kèn cho một đoàn văn công quân đội. Nếu không, chắc Minh đã là lính chiến tham gia chiến dịch Thành cổ Quảng Trị 1972 rồi, như nhiều bạn học phổ thông cùng trang lứa với chúng tôi. Từ mùa hè đỏ lửa chiến tranh 1972 ấy, Minh trở thành anh lính kèn, từ đấy trở thành một nhạc công chuyên nghiệp...

Cách đây gần 20 năm, một đêm đông giáp Tết, mưa gió tầm tã, đúng ra là đã 2h sáng. Ngày đó, Minh còn sống với cô vợ người Mỹ ở làng Quảng Bá, Jazz club của Minh còn ở phố Lương Văn Can. Bây giờ tôi chẳng nhớ là hôm ấy đi công tác tỉnh nào về, qua đầu phố Hàng Quạt, có hàng phở đêm rất ngon. Vào đó ăn xong, ngồi uống trà, chợt nhìn sang bên kia đường, thấy club của Minh đã đóng cửa im ỉm. Nhưng, trong cái đêm đông tháng Chạp giá rét ấy, bỗng dưng tôi nhớ Minh, nhớ các kỉ niệm ấm áp tuổi thơ và bỗng thèm vô cùng được nghe tiếng sax của Minh trong đêm. Thế là, tôi móc điện thoại ra gọi Minh, quên cả đêm đã gần hết.

Quãng nửa tiếng sau, nghe từ xa tiếng xe Vespa pằm pằm, rồi Minh tới. Áo mưa trùm kín, hộp kèn cũng bọc áo mưa, mặt mũi, râu ria ướt lướt thướt và lạnh run rẩy: “Tôi phải giải thích mãi với vợ, rằng tôi và ông là thế nào với nhau thì bà ấy mới chịu buông chăn ấm ra cho tôi dậy để ra đây với ông đấy”.

Minh mở cửa club, bật đèn, lau khô mặt mũi. Hai thằng châm thuốc và châm rượu đối ẩm. Rít xong một hơi cigar dài, lão cười hiền khô, hỏi: “Ông muốn nghe bản nào để tôi hầu nào? Tôi chưa từng bị gọi đi thổi kèn giữa đêm đông lúc 2 giờ sáng thế này đâu, ông ạ...”.

Tôi xin Minh chơi bản nhạc mà người thầy dạy kèn của hai thằng ngày xưa từng chơi trong kỳ thi tốt nghiệp hệ đại học của Nhạc viện Hà Nội. Tiếng saxophone của Minh dìu dặt cất lên. Tôi đắm chìm vào hồi tưởng. Tôi nhớ về người thầy của chúng tôi, người từng nói khi Minh mới 13 tuổi, rằng: “Minh nó sẽ rất thành tài. Nó vừa có năng khiếu, vừa vô cùng chịu khó, chăm chỉ, nó nhất định sẽ trở thành một cây kèn vào hàng giỏi giang nhất làng kèn Việt...”.

Sáng tinh mơ ấy, trời tạnh mưa, chai Jim Bean đã cạn, Minh lại kẽo kẹt chở tôi trên chiếc Vespa cà tàng về nhà tôi. Đêm ấy đã trở thành một kỷ niệm không thể nào quên của hai gã bạn già.

Với tôi, tiếng saxophone đêm đông Hà Nội ấy của Minh trở thành một trong những âm thanh hay nhất mà tôi được nghe trong đời mình. Những âm thanh ấm áp của tình bạn từ thuở ấu thơ...

Vũ Hùng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/quyen-van-minh-vat-va-voi-jazz-phieu-du-cung-saxophone-i720931/