Quy hoạch trồng lúa quá 'cứng'

Cứ nói giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, vậy lấy chỉ tiêu gì bảo là an ninh và không an ninh lương thực? Tôi chưa thấy ai đưa ra được... Đó là ý kiến của ông Phạm Anh Tuấn - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản trong cuộc trò chuyện với PV Báo NNVN.

Ông Phạm Anh Tuấn

Không nên để tình trạng muốn chuyển đổi bao nhiêu m2 đất lúa cũng phải xin phép Thủ tướng

Theo ông ở Việt Nam có những vùng nào có thể chuyển đổi từ lúa sang nuôi trồng thủy sản?

Có hai vùng thuận lợi để chuyển đổi từ lúa sang nuôi trồng thủy sản là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Trước tiên là đồng bằng sông Cửu Long, ở đây có thể phát triển hai mảng nuôi nước ngọt và nước lợ mặn. Vùng lợ mặn lấy con tôm là chính. Việc xâm nhập mặn bởi biến đổi khí hậu khiến rất nhiều vùng lúa sẽ không thể tiếp tục được mà phải chuyển sang tôm.

Hiện nay ở đó người dân đang nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, nhưng theo tôi nên khuyến khích nuôi tôm sú. Vì Việt Nam là một trong vài nước hiếm hoi còn sản xuất tôm sú trong khi những nước trước kia nuôi tôm sú nhiều như Thái Lan, Ấn Độ đã cơ bản chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Bởi vậy có lợi thế thị trường, ít sự cạnh tranh. Hơn thế tôm sú lại là loài bản địa của chúng ta.

Mô hình nuôi tôm lúa có nhiều ưu điểm như suất đầu tư thấp, ít rủi ro, giá thành hạ, chất lượng sản phẩm tốt. Giờ đây đang có gần 200.000 ha tôm lúa nhưng theo kịch bản của biến đổi khí hậu đến năm 2030 chúng ta sẽ có 800.000 ha đất ngập mặn, vậy tổng cộng sẽ có khoảng 1 triệu ha có thể chuyển sang nuôi thủy sản… Hiện nay một số vùng có tình trạng mặn đến mức không thể trồng 1 vụ lúa 1 vụ tôm nữa, người dân phải nuôi 2 vụ tôm hoặc 1 vụ tôm 1 vụ để cỏ mọc.

Trồng cỏ 1 vụ bảo vệ môi trường, nhưng không mang lại nguồn thu cho nông dân. Cái gì sẽ thay cỏ để vừa bảo vệ môi trường, vừa mang lại thu nhập cho người dân? Trồng rong biển thay cỏ có thể là giải pháp đạt 2 hữu dụng, nhưng cần nghiên cứu xem loại rong nào, kỹ thuật trồng trong hệ thống ruộng tôm là phù hợp.

Ngoài con tôm có thể tính đến cả nuôi cua hoặc cá rô phi. Ở vùng nước lợ phát triển rô phi là rất tiềm năng bởi rô phi sống được ở độ mặn rất rộng. Khi nuôi ở vùng nước lợ thịt cá không còn có mùi bùn như nuôi ở nước ngọt, hợp với cả khẩu vị của dân ta lẫn nước ngoài. Vùng lợ mặn này đang gặp khó khăn vì quy hoạch trồng lúa của chúng ta quá “cứng”. Quy hoạch là thế nhưng hiện tại có cả chục ngàn ha đã “nhảy” ra rồi nên phải định hình lại. Những vùng không thể trồng lúa phải điều chỉnh lại quy hoạch. Điều này rất quan trọng bởi quy hoạch là liên quan đến sự đầu tư, là liên quan đến chuyện làm sao để không còn tình trạng tự phát chuyển đổi, trong một vùng người nuôi tôm “đá” người trồng lúa. Nhà nước cần tập trung nguồn lực vào vùng nuôi tôm lúa vì sẽ thấy hiệu quả ngay bởi suất đầu tư thấp, bởi liên quan đến cả trăm ngàn hộ nông dân.

Ở đồng bằng sông Cửu Long còn có vùng ngọt như Đồng Tháp, An Giang. Chuyển đổi ở vùng này cần “đánh” mạnh vào con tôm càng xanh và những loài thủy sản bản địa. Hiện vùng này đang vướng ở chỗ thiếu giống lúc vào vụ nuôi, nhất là thiếu giống tôm càng xanh toàn đực để có tốc độ lớn nhanh hơn.

Ở phía Bắc, có những vùng trũng như Gia Viễn (Ninh Bình), Ý Yên (Nam Định), Bình Lục (Hà Nam) rất tiện cho việc dẫn thủy nhập điền để nuôi cá. Vấn đề là phải đầu tư hạ tầng, dẫn nước sạch vào. Hệ thống thủy lợi trước thiết kế cho việc trồng lúa tại sao nay không đầu tư để chuyển sang dẫn nước nuôi cá? Điều này là hoàn toàn có thể.

Ngành thủy sản hướng đến thị trường xuất khẩu, tuy nhiên công tác xây dựng thị trường, xúc tiến thương mại còn hạn chế, nguồn lực cho phát triển thị trường có hạn, do ngân sách nhà nước hạn chế, đóng góp từ doanh nghiệp bị động theo từng vụ việc, phương pháp xúc tiến thương mại thiếu hiệu quả nay người này đi, mai người khác, có người tham gia đoàn xúc tiến thương mại không nắm rõ chuyên môn... Kiến nghị công tác xúc tiến thương mại cần phải được chú trọng hơn nữa, đổi mới phương pháp, sớm xây dựng cơ chế tạo nguồn lực chủ động cho xúc tiến thương mại, xây dựng thị trường.

Cứ nói giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, vậy lấy chỉ tiêu gì bảo là an ninh và không an ninh lương thực? Tôi chưa thấy ai đưa ra được. Chúng ta cần tính toán 1 người dân hiện nay cần bao nhiêu kg lương thực và 10, 20 năm nữa cần bao nhiêu để từ đó mới tính ra cần bao nhiêu diện tích lúa. Không nên cứ để tình trạng muốn chuyển đổi bao nhiêu m2 đất lúa là phải xin phép Thủ tướng Chính phủ.

Cái lợi và hại của “nghề cá nhân dân”

Thủy sản miền Bắc không phát triển như ở trong Nam, vì sao, thưa ông?

Ngoài điều kiện khí hậu khó khăn hơn và diện tích mặt nước nhỏ hơn theo tôi còn có lý do là thiếu doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Phần lớn doanh nghiệp chế biến thủy sản ở trong Nam là tư nhân, rất năng động còn ở phía Bắc những doanh nghiệp còn chế biến thủy sản phần lớn là gốc rễ từ nhà nước.

Chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản ngoài Bắc ngoài con rô phi còn có thể đưa một số đối tượng trong Nam ra như rô đồng, thác lác, tôm càng xanh. Ngay cả những đối tượng nuôi bản địa như cá mè, cá chép cũng không được coi thường, hiện chúng ta không đánh giá được đúng vị trí của nó. Nếu mè chép mà đúng giống, nuôi đúng kiểu thì chất lượng rất ngon.

Trước đây chúng ta từng kỳ vọng vào con cá rô phi để rồi nay lại thất vọng?

Đúng là con rô phi từng nhận được nhiều sự kỳ vọng. Về tổng quan, rô phi có tốc độ phát triển thị trường rất nhanh, riêng Mỹ mỗi năm nhập tới 1 tỉ USD cá rô phi. Tại sao ta không phát triển được loại cá này mà Trung Quốc lại rất thành công? Là bởi giống của ta kém, chậm lớn, cỡ nhỏ khó làm philet. Là bởi tổ chức sản xuất nhỏ nên nhà máy không đủ công suất để mà chế biến.

Chất lượng giống rô phi kém cũng là bức tranh chung kém cỏi của cả ngành giống thủy sản. Chúng ta có viện nọ, trạm kia, rồi dưới đó là các trung tâm giống thủy sản của các tỉnh nhưng lại thua các nước về chất lượng. Có thể là giai đoạn đầu cá của ta tăng tốc không thua kém nhưng giai đoạn sau thì thua hẳn. Thêm vào đó, chúng ta thiếu những giống rô phi dành riêng cho nuôi lợ, mặn.

Một mô hình chuyển đổi ở Hải Dương.

Có hai lý do khiến giống kém. Thứ nhất là các viện, các trung tâm chưa coi việc tạo giống tốt cung cấp cho sản xuất là nguồn thu quan trọng mà chỉ sống bằng các đề tài, dự án. Thứ hai là cách tổ chức nghiên cứu của chúng ta có vấn đề ở chỗ các đề tài bị chặt khúc, thông thường cứ 3 năm một. Nếu không nghiệm thu đề tài, tác giả phải bồi hoàn tiền nên chẳng ai lại nỡ. Nghiệm thu xong là xong trong khi làm giống là cả quá trình hàng chục năm nghiên cứu do một tác giả hay nhóm tác giả theo từ đầu đến cuối. Cần phải có cơ chế đặt hàng một tác giả hay nhóm tác giả có đủ năng lực và cần đủ thời gian, tiền bạc cho họ.

Điểm yếu nhất của thủy sản phía Bắc là gì?

Vấn đề là tập quán đầu năm cùng thả, cuối năm cùng thu dẫn đến tình trạng thu hoạch đồng loạt và tụt giá. Cần phải thay đổi tập quán này, muốn vậy phải xử lý được thời điểm thả và kích cỡ giống. Đầu năm thả, có ao giống nhỏ, có ao giống to để thời điểm thu khác nhau.

Chuyển đổi mà không quy hoạch nên môi trường có vấn đề gây dịch bệnh rồi là thị trường đầu ra thế nào. Nuôi quy mô nhỏ thì được nhưng nuôi lớn lại không bán được. Quan niệm nghề cá của ta là nghề cá nhân dân, điều đó có cái tốt nhưng cũng có cái hại là để tự do quá. Hễ ai có đầm ao là tự nuôi, mật độ thế nào cũng thoải mái mà không cần điều kiện yêu cầu nước vào ra thế nào, xử lý chất thải ra sao. Chính vì thế mà dịch bệnh xảy ra liên miên làm cho nhiều người nghèo đi. Nuôi trồng thủy sản thành công khi đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, nhưng để đưa vào khuôn khổ thì không dễ, nhất là với diện tích tản mạn và quy mô manh mún như hiện nay. Ở miền Bắc chúng ta đang bỏ trống diện tích lớn mặt nước hồ chứa, rất phí. Nếu thả được thủy sản và duy trì được đó cũng là sinh kế tốt cho nhiều hộ dân xung quanh.

Xin cảm ơn ông.

VAC cần phải thay đổi

15 năm trước VAC là hình mẫu cho việc khép kín, tái sử dụng nhưng khi xã hội phát triển, người tiêu dùng không muốn mua cá nuôi ở nơi trên là chuồng lợn dưới là ao, cá ăn toàn phân. Thậm chí trước đây chúng ta có hẳn giáo trình giảng dạy về nuôi cá bằng nước thải, hội nghị quốc tế về nuôi cá bằng nước thải. Những vùng cá nuôi nước thải hồi ấy như Yên Sở, Thịnh Liệt (Hà Nội) đều có năng suất rất cao. Nhưng giờ VAC cần phải thay đổi.

Nên nuôi cá theo hai giai đoạn, thứ nhất là nước xanh tức nước có các nguồn hữu cơ chảy vào để gây màu giúp giảm bớt thức ăn cho giai đoạn giống, thứ hai là nước trong, nước sạch cho giai đoạn cá thịt. Trên một diện tích nhỏ của mỗi hộ vẫn có thể đào 2-3 ao, 1 ao nước xanh dẫn phân lợn xuống, 2 ao nước trong dẫn nước sạch vào.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/quy-hoach-trong-lua-qua-cung-post189279.html