Quy hoạch tổng thể Thủ đô với tầm nhìn chiến lược

Để phù hợp với mục tiêu 'Thủ đô của cả nước' và cũng nhằm phát triển Thủ đô thực sự đúng tầm, quy hoạch và lộ trình thực hiện quy hoạch Thủ đô phải được phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Khu vực dân cư dọc theo sông Hồng, Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: N.M

Chưa có quy hoạch và lộ trình thực hiện phù hợp

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Hà Nội phát triển qua nhiều thời kỳ, nhất là từ khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội để mở rộng phạm vi không gian có đủ điều kiện cho quy hoạch, xây dựng, tái thiết Thủ đô.

Qua gần 20 năm cho thấy, quy hoạch Hà Nội chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng. Khu vực nội đô, các khu vực đã có lịch sử lâu đời, phố cổ, phố cũ; khu vực đô thị mới, phụ cận, nông thôn... chưa có quy hoạch và lộ trình thực hiện phù hợp, sự phát triển còn mang tính tự phát, quy hoạch còn “động, mở” dẫn tới mỗi thời kỳ lại điều chỉnh, thay đổi, chưa thực hiện xong lộ trình này đã chuyển sang lộ trình của quy hoạch khác.

Nhiều vấn đề bức xúc và tiềm ẩn rủi ro, bất ổn cho đời sống Nhân dân tại các khu vực “làng trong phố” ở nội đô như vấn đề phòng cháy chữa cháy, bảo đảm an toàn xã hội, quản lý dân cư, không gian và môi trường sống, bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế...;

Bên cạnh đó xuất hiện nhiều vấn đề mới nảy sinh ở khu vực “phố trong làng” ở ngoại thành, nông thôn. Chưa có sự phân định rõ đâu là không gian phát triển đô thị, nơi nào phát triển khu công nghiệp, khu vực nào dành cho dịch vụ Thủ đô , khu vực nào để phát triển nông nghiệp ổn định, lâu dài.

Quy hoạch và lộ trình thực hiện phải được kiểm soát chặt chẽ

Để phù hợp với mục tiêu “Thủ đô của cả nước” và cũng nhằm phát triển Thủ đô thực sự đúng tầm, quy hoạch và lộ trình thực hiện quy hoạch Thủ đô phải được phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, quy hoạch tổng thể Thủ đô với tầm nhìn chiến lược và lộ trình thực hiện phải do Trung ương chỉ đạo việc lập quy hoạch, phê duyệt và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện. Chính quyền Thủ đô sẽ tổ chức thực hiện quy hoạch theo lộ trình và bảo đảm các nguồn lực thực hiện.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên cho biết thêm, tại các Điều 19, 20, 21 và 22 trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu: Phân quyền UBND TP Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện là cần được cân nhắc kỹ.

Không nên so sánh Thủ đô với các tỉnh, TP khác để áp dụng tương tự tại các Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh (đã cho phép UBND các tỉnh, TP này được điều chỉnh các quy hoạch nêu trên). Bên cạnh việc trao quyền được điều chỉnh quy hoạch Thủ đô còn cần phải kiểm soát các điều kiện điều chỉnh, thủ tục điều chỉnh, tránh phá vỡ quy hoạch chung từ những điều chỉnh quy hoạch này.

Trong quá trình lập và xác định lộ trình thực hiện quy hoạch, cũng cần phải có quy định cụ thể về những khu vực trọng điểm, ưu tiên thực hiện trước như ở những khu vực đang nhiều bức xúc, nổi bật, chỉnh trang khu vực nội đô, khu vực phố cũ, khu vực trước đây là làng xóm, nay mở rộng đô thị trở thành phường... Từ đó mở rộng sang các khu vực, tránh đầu tư dàn trải, dở dang trong nhiều năm như vừa qua dẫn tới lãng phí nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch không cần thiết.

Các điều khoản của dự thảo Luật được xây dựng để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, chính xác nhất đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15- NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước...

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quy-hoach-tong-the-thu-do-voi-tam-nhin-chien-luoc-357146.html