Quy hoạch sử dụng đất cần đảm bảo lấy ý kiến cộng đồng

Luật sư Mai Bích Ngân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt cho biết, quy hoạch sử dụng đất cần đảm bảo lấy ý kiến cộng đồng được thể hiện trong Luật Thủ đô và đảm bảo thực hiện trên thực tế. Việc làm này còn đảm bảo tính dân chủ và minh bạch trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Luật Thủ đô (sửa đổi):

Luật sư Mai Bích Ngân. Ảnh: N.M

Giảm ô nhiễm môi trường

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), luật sư Mai Bích Ngân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, dự thảo Luật đã quy định cụ thể và bổ sung các nội dung về tổ chức chính quyền tại Thủ đô Hà Nội, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô, liên kết, phát triển Vùng Thủ đô vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Theo đó, Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô; tổ chức chính quyền Thủ đô; xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; liên kết, phát triển Vùng Thủ đô.

Tại Điều 29, luật sư Mai Bích Ngân cho rằng, cần đưa ra những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện trên thực tế. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, số người thiệt mạng do các nguyên nhân bắt đầu từ bụi mịn của Hà Nội gần 5.800 người mỗi năm, chiếm 32% của miền Bắc. Qua quá trình thực đo, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khoảng 1/3 lượng bụi PM2.5 có trong không khí đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong đó phát thải từ giao thông là nguyên nhân được chỉ định đầu tiên, tuy nhiên đây chưa phải là nguyên nhân chính.

Nhưng lượng bụi mịn do giao thông chỉ chiếm 1/3 số bụi mịn ở Hà Nội. Các số liệu đo đạc đã cho thấy nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí lại nằm ở yếu tố bên ngoài. 2/3 lượng bụi mịn có nguồn gốc từ các hoạt động công nghiệp, bao gồm các nhà máy điện và công nghiệp lớn cũng như các làng nghề.

Điều luật cũng đề cập đến kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân như: Thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông… chưa phải là giải pháp triệt để. Do đó, cần bổ sung các giải pháp căn cơ hơn nữa.

Quan tâm đến công tác bồi thường, di dời

Cùng góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Công ty Luật TNHH LS Ngọc Lan và Cộng sự cho biết, trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, công tác quản lý, sử dụng đất, nhất là sử dụng cho công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng dân cư còn có những bất cập nhất định.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bất cập này, không thể không kể đến giá đền bù. Thực tế, giá đền bù thường thấp hơn so với giá thị trường. Hiện nay, vẫn tồn tại cơ chế hai giá trong việc tính toán bồi thường giải phóng mặt bằng và hạch toán chi phí đất đai đầu vào đã dẫn tới nhiều khó khăn, mâu thuẫn trong công tác bồi thường, thu hồi đất giải phóng mặt bằng.

“Quy hoạch sử dụng đất cần phải đảm bảo lấy ý kiến cộng đồng. Điều này cần phải được thể hiện rõ trong Luật Thủ đô và đảm bảo thực hiện trên thực tế. Việc làm này còn đảm bảo tính dân chủ và minh bạch trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai”, luật sư Ngọc Lan nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác hỗ trợ di dời, luật sư Mai Bích Ngân cho biết, ngân sách TP Hà Nội cần được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của TP để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, Vùng Thủ đô, các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Đây là cơ sở hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các giải pháp về phát triển nhà ở cần được Ban soạn thảo đưa ra cụ thể, quy định trách nhiệm cho đơn vị được giao nhiệm vụ.

“Biện pháp hỗ trợ đầu tư phát triển quỹ nhà tái định cư, bao gồm cả biện pháp đặt hàng trong các dự án nhà ở thương mại nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nhà ở tái định cư, tạo sự đồng thuận của người dân”, luật sư Mai Bích Ngân chia sẻ.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quy-hoach-su-dung-dat-can-dam-bao-lay-y-kien-cong-dong-370960.html