Quy hoạch kém chất lượng, đường thẳng thành 'cong mềm mại'

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết, Luật quy hoạch ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thiếu tầm nhìn, kém chất lượng làm cản trở sự phát triển của đất nước.

Đường Trường Chinh (dài khoảng 2km) từng được lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội mô tả "cong mềm mại". Ảnh: Giang Huy.

Thảo luận dự án Luật quy hoạch ngày 21/11, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng thời gian qua có tình trạng xây dựng quy hoạch kém chất lượng, quy hoạch bị "lái" theo lợi ích nhóm hoặc bị điều chỉnh một cách tùy tiện, gây thiệt hại cho nhà nước và bất bình trong nhân dân.

Đại biểu tỉnh Bạc Liêu ví dụ, có những con đường đang thẳng được quy hoạch, điều chỉnh để biến thành "cong mềm mại" ngay giữa Thủ đô. Từ thực tế này, ông Hạ đề nghị dự án Luật tập trung vào việc ngăn chặn hành vi lũng đoạn quy hoạch, lợi dụng quy hoạch để trục lợi...

"Cần xác lập chế tài ràng buộc người phê duyệt quy hoạch, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý", đại biểu nói.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, thời gian qua chưa có quy hoạch đúng nghĩa nên dẫn đến tình trạng "trăm hoa đua nở", tính đến hết năm 2014, các bộ ngành và địa phương đã tổ chức lập gần 13.000 quy hoạch mà không có sự thống nhất, tích hợp, hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

Đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị cần quy định thời kỳ quy hoạch dài hơn so với dự thảo, cụ thể thời kỳ quy hoạch tối thiểu chung cho các loại quy hoạch là 20 năm, tầm nhìn 30 năm; quy hoạch ngành, vùng phải có tầm nhìn 50 năm; quy hoạch tổng thể quốc gia phải có tầm nhìn từ 50 đến 70 năm.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật quy hoạch ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thiếu tầm nhìn, kém chất lượng gây thất thoát, lãng phí, cản trở sự phát triển của đất nước.

“Luật quy hoạch sẽ trở thành công cụ quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong một khuôn khổ đồng bộ và thống nhất”, Bộ trưởng Dũng nói.

Dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).

Tranh luận về cách thức phát biểu

Tại phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu vấn đề về việc một số đại biểu chuẩn bị sẵn bài phát biểu, đọc trước hội trường, trong đó có những bài trùng với ý kiến người đăng đàn trước đó.

“Các vị nào chuẩn bị rồi, nhưng thấy ý kiến trùng lặp, chỉ cần nói một câu tôi đồng tình với các ý kiến trước; không nên trình bày dài dòng cả bài làm mất thời gian của Quốc hội, gây ra sự phản cảm”, đại biểu Nhưỡng đề xuất.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) ngay lập tức đề nghị “trao đổi lại" và cho rằng quyền nêu ý kiến là của đại biểu - người chịu trách nhiệm nội dung mình nói trước Quốc hội. Do vậy, đại biểu có quyền phát biểu theo bài chuẩn bị từ trước.

Theo Vnexpress

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/xa-hoi/quy-hoach-kem-chat-luong-duong-thang-thanh-cong-mem-mai-32493.html