Quy hoạch chung tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác tối đa lợi thế

Nhận thức được vai trò của công tác quy hoạch cần phải 'đi trước một bước', tỉnh đã tiến hành lập Quy hoạch chung tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Đây sẽ là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triến kinh tế - xã hội (KT - XH) theo hướng xanh và bền vững.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển KT - XH trên địa bàn. Ảnh: Khánh Linh

Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, công tác quy hoạch luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo đồng bộ từ khâu lập mới đến rà soát, bổ sung, điều chỉnh các loại quy hoạch, nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, khả thi cao. Trong đó, quy hoạch xây dựng luôn bám sát định hướng phát triển KT - XH đã được Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ đề ra.

Tỉnh đã tập trung hoàn thành các đồ án quy hoạch xây dựng quan trọng như điều chỉnh quy hoạch chung (QHC) thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2020; điều chỉnh QHC thị xã Phúc Yên giai đoạn 2020; QHC và QHCT khu đô thị mới Mê Linh (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); QHC các huyện lỵ Mê Linh (cũ), Tam Đảo, Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc và Lập Thạch; QHC các đô thị loại V; QHC khu du lịch Hồ Đại Lải; QHCT các KCN Quang Minh, KCN Khai Quang, KCN Bình Xuyên...

Đến nay, toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh đã có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, QHC đô thị Vĩnh Phúc, 3 quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Tây, phía Bắc, phía Nam đô thị Vĩnh Phúc; 15 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị theo QHC đô thị Vĩnh Phúc; 31 đồ án QHC đô thị loại V, 3 đồ án QHC các khu chức năng phát triển du lịch - dịch vụ và các đồ án Quy hoạch phân khu phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển công nghiệp và đô thị nằm ngoài phạm vi QHC đô thị Vĩnh Phúc; 19 đồ án quy hoạch chi tiết (QHCT) xây dựng các KCN tập trung với tổng diện tích hơn 5.000 ha; 3 đồ án QHC và 3 đồ án QHPK phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ tại khu vực ven chân núi Tam Đảo, hồ Đại Lải, hồ Vân Trục và một số tuyến đường giao thông quan trọng.

Sở Xây dựng đang tổ chức lập 3 đồ án QHC đô thị loại IV gồm: Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Đảo; đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng xin ý kiến thỏa thuận; trình UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xin chủ trương của Tỉnh ủy trước khi phê duyệt; đồng thời, tổ chức thực hiện lập QHC cho các đô loại V khác.

Ngoài ra, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức lập và phê duyệt 77 đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 Cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị tại các khu vực đô thị hiện hữu trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, công tác quy hoạch bảo đảm sự đồng bộ và tính kế thừa giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch tổng thể KT - XH, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực như: Giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc...

Tất cả các đồ án quy hoạch xây dựng đều được tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt bảo đảm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào việc phát triển KT - XH của địa phương.

Tuy nhiên, hiện công tác quy hoạch có những bất cập như việc quản lý đầu tư ở một số lĩnh vực theo quy hoạch còn hạn chế, thiếu QHC và QHCT để thu hút đầu tư; quy hoạch tổng thể có một số định hướng chưa sát, nhất là dự báo tác động của các yếu tố bên ngoài.

Tầm nhìn của một số dự án quy hoạch và lĩnh vực kinh tế còn hạn hẹp, không theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị, vai trò định hướng cho công tác kế hoạch còn chưa rõ; một số định hướng đã nêu tại Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã không còn phù hợp.

Cùng với đó là sự tác động của bối cảnh quốc tế, trong nước và thực tiễn phát triển của tỉnh đã đặt ra như yêu cầu từ Cách mạng công nghiệp 4.0; Việt Nam tham gia vào một loạt Hiệp định Thương mại tự do sẽ có tác động lớn đến chính sách đầu tư, thương mại của các quốc gia, đặc biệt với Vĩnh Phúc có nhiều nhà đầu tư nước ngoài..., do vậy, cần thiết phải xây dựng mới Quy hoạch tỉnh gắn với Quy hoạch vùng Đồng Bằng sông Hồng và Quy hoạch Quốc gia.

Nhằm cụ thể hóa Luật Quy hoạch đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 24/11/2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện lập “Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên cơ sở nhiệm vụ đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 998 ngày 10/7/2020.

Quy hoạch được lập theo yêu cầu của hướng tiếp cận mới, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn tỉnh, có tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ KT - XH và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hằng năm, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển năng động và có đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Sau khi hoàn thành, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển KT - XH, đầu tư công, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính khách quan, khoa học; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96221//quy-hoach-chung-tinh-vinh-phuc-dam-bao-tinh-lien-ket-dong-bo-khai-thac-toi-da-loi-the