Quy hoạch chung thủ đô phải lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường

Chiều 16-4, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để làm cơ sở cho đoàn tham gia đóng góp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực.

Quang cảnh cuộc họp đóng góp dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu tán thành để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo các nghị quyết của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của thủ đô, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều. Dự thảo luật quy định thủ đô Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

Đại biểu đánh giá dự thảo luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP. Hà Nội trên một số lĩnh vực; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị có liên quan đến các chính sách được thể hiện trong dự thảo luật.

Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định chung về không gian ngầm trong quy hoạch thủ đô, còn những vấn đề chuyên sâu thì để luật chuyên ngành quy định. Đại biểu đề nghị trong quy hoạch chung thủ đô phải lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó cần có các chính sách phát triển thủ đô theo hướng đảm bảo không khí trong lành; bổ sung quy định trách nhiệm của công dân thủ đô thể hiện sự văn minh, văn hóa...

Tin và ảnh: TRÚC LINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-quyen/quy-hoach-chung-thu-do-phai-luu-y-van-de-bao-ve-moi-truong-19981.html