Quy hoạch cây trái đồng bằng, trái cây vẫn chưa đủ mạnh

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phê duyệt, thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt là 12 loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung ở khu vực này. Trong khi đó, hiện nhà vườn đang hết sức lo lắng vì dịch bệnh trên cây có múi.

Xác định 12 loại chủ lực

Theo đó, tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257.000 ha, trong đó vùng ĐBSCL 185.100 ha, vùng Đông Nam bộ 71.900 ha. Cụ thể, diện tích trồng thanh long là 24.800 ha, xoài 45.900 ha, chôm chôm 18.300 ha, sầu riêng 15.000 ha, vú sữa 5.000 ha, bưởi 27.900 ha, nhãn 29.800 ha, chuối 28.900 ha, dứa 21.000 ha, cam 26.250 ha, mãng cầu 8.300 ha và quýt 5.850 ha.

Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng ngành hàng trái cây chủ lực trồng tập trung ở Nam bộ theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2020, 100% sản phẩm trái cây chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó, trên 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP. Đồng thời, tăng chủng loại, sản lượng và giá trị trái cây xuất khẩu của vùng trồng tập trung ở Nam bộ lên hơn 70%. Đến năm 2020, phấn đấu giá trị sản lượng cây ăn quả chủ lực tập trung đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm.

Bộ NN&PTNT cũng đặt kế hoạch thời vụ sản xuất 5 loại trái cây chủ lực trồng rải vụ của vùng Nam bộ gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn.

Theo đó, diện tích rải vụ đối với cây xoài là 12.500 ha, tập trung ở 6 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ và Trà Vinh. Thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Diện tích rải vụ đối với cây thanh long là 14.880 ha gồm các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau...

Khi áp dụng biện pháp hóa học để trị, có thể sử dụng thuốc Basudin 40EC, Dimethod 50EC pha với nước và bơm vào vùng rễ của cây bị nhiễm bệnh bằng ống phun chuyên dùng, bơm thuốc Basudin 40EC trước, sau đó 7 ngày tiếp tục xử lý rễ bằng Dimethod 50EC. Cần lưu ý, trong trường hợp trị bệnh cho cây đang mang trái thì cần hái bỏ bớt trái để cây không bị suy kiệt; có thể phun bổ sung phân bón qua lá để cây mau phục hồi.

Lo lắng với bệnh gây hại trên cây có múi

Những năm gần đây, diện tích nhóm cây có múi ở ĐBSCL tăng đáng kể do nhà vườn thâm canh thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sự gia tăng về diện tích và mức độ thâm canh khiến nhà vườn phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức hàng đầu là diễn biến phức tạp của tình hình dịch hại. Nhà vườn phải chung sống với những dịch hại nguy hiểm như bệnh vàng lá gân xanh, bệnh vàng lá thối rễ, sâu đục trái... Nay lại xuất hiện một đối tượng gây hại mới là nhện hại rễ. Nhện hại rễ là tác nhân gây ra bệnh vàng lá, nứt - thối rễ trên cây có múi. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh vàng lá, nứt - thối rễ sẽ trở thành loại bệnh phổ biến và nguy hiểm thời gian tới.

Th.S Đặng Thùy Linh - Viện Cây ăn quả miền Nam - cho rằng, bệnh này lần đầu tiên được phát hiện tại Bến Tre vào năm 2012. Tuy nhiên, đến nay, nhện gây ra bệnh vàng lá, nứt - thối rễ vẫn chưa được định danh và các nghiên cứu về loài nhện hại mới này chưa nhiều. Hiện bệnh xuất hiện nhiều ở Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng…, trên các loại cây chanh, cam, bưởi. Theo nhận định của các nhà khoa học, sự lây lan trên diện rộng của bệnh vàng lá, nứt - thối rễ trong thời gian qua chủ yếu qua cây giống, do nhà vườn vô tình mua và trồng cây giống bị nhiễm nhện. Bệnh vàng lá, nứt - thối rễ được nhận diện qua triệu chứng lá thuần thục và lá già chuyển màu hơi vàng và rụng đi.

Điểm đặc biệt là phiến lá bị rụng nhưng cuống lá vẫn còn trên cây, cuống lá sẽ vàng và rụng sau đó ít ngày (tương tự như triệu chứng rụng lá của nhánh chiết mới trồng bị chết). Trên nhánh của cây bệnh chỉ còn vài lá non, sau đó nhánh bị khô và chết đi, làm sinh trưởng của cây bị ảnh hưởng. Cây bị bệnh nặng, nhiều nhánh bị rụng lá, cây chỉ còn những nhánh trơ trụi, nếu không chữa trị kịp thời cây sẽ bị chết. Khi phát hiện cây vàng và rụng đi như mô tả ở trên, đào và quan sát các rễ ở tầng canh tác (từ mặt đất đến độ sâu khoảng 20 cm) sẽ thấy rễ bị tổn thương với các vết nứt xuôi theo chiều dài rễ (vết nứt dọc). Các vết nứt dọc này chính là “hang ổ” của nhện hại rễ; quan sát với kính lúp có độ phóng đại lớn có thể thấy đầy đủ cả nhện trưởng thành, trứng và nhện ấu trùng trong các vết nứt này.

Nhện hại rễ có thể tấn công cây có múi ở tất cả các thời kỳ phát triển của cây, từ cây con, cây ở giai đoạn chưa cho trái đến giai đoạn cây cho trái ổn định. Nhện tấn công phần biểu bì của rễ, làm rễ bị nứt và hư hại khiến việc hấp thu nước và dinh dưỡng bị ảnh hưởng. Các vết nứt do nhện gây ra có thể bị thối do bội nhiễm các loại nấm hại có trong đất như Fusarium, Pythium, Phytophthora… Cây đang mang trái, cây sinh trưởng kém thường bị bệnh nặng hơn.

Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Cty CP Phân bón Bình Điền.

Tổ chức lại sản xuất cùng với việc hỗ trợ nông dân Trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất đa dạng, nhiều chủng loại được trồng với diện tích lớn. Thời gian vừa qua, thị trường tiêu thụ trái cây Việt Nam có nhiều thuận lợi, số lượng, chủng loại, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều tăng. Chỉ riêng 7 tháng năm 2016 xuất khẩu được 1,4 tỉ USD tăng hơn 35% so với cùng kỳ, được xuất đi gần 60 nước và vùng lãnh thổ trong đó có nhiều thị trường khó tính của thế giới. Phần lớn các loại trái cây này đáp ứng được chất lượng và mẫu mã do sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.Tuy nhiên, việc sản xuất trái cây ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng còn ở dạng nhỏ lẻ, dù được thâm canh cao nhưng không đủ điều kiện để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật một cách chuẩn mực nên dễ xảy ra tình trạng sâu bệnh khiến nhà vườn bị thất thu. Đồng thời, vì diện tích nhỏ lẻ nên các doanh nghiệp xuất khẩu và thương lái không mặn mà liên kết với nông dân để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Việc quy hoạch lại các loại cây ăn trái chủ lực ở ĐBSCL để từng bước phát triển một cách bền vững là điều cần phải làm. Nhưng để đạt được kết quả như kỳ vọng, trước hết chính quyền các địa phương và bà con nông dân phải mạnh dạn tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, gắn từng cá thể vào chuỗi liên kết để có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật xử lý rải vụ. Tổ chức lại sản xuất sẽ kéo được các doanh nghiệp tham gia liên kết và đó là hướng đi tất yếu để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Chúng ta đã có một số mô hình liên kết dù chưa lớn nhưng đã tạo ra được những nét đột phá, như Hợp tác xã thanh long Hàm Thuận Nam thành công trong việc xuất thanh long đi Nhật. Ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long... đều có các hợp tác xã các mô hình liên kết tự nguyện và đã thành công.

Đi đôi với việc tổ chức lại sản xuất, nhà nước cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển đặc biệt là những vùng kênh rạch; có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất để ký kết với nông dân tiêu thụ trái cây, xây nhà máy chế biến, kho dự trữ; có chính sách về vốn cho các nhà vườn, từ đó họ yên tâm để tập trung cho sản xuất và chắc chắn trái cây được sản xuất trong sự liên kết này sẽ đẹp về mẫu mã, trái đồng đều, độ an toàn cao, chất lượng tốt và nhà vườn sẽ tăng thêm lợi nhuận. Làm được như thế thì bà con nông dân chúng ta mới hy vọng một ngày nào đó không xa, trái cây Việt Nam nhanh chóng xứng đáng với giá trị vốn có của nó trên thị trường trong nước và quốc tế.

Lê Quốc Phong

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/quy-hoach-cay-trai-dong-bang-trai-cay-van-chua-du-manh-586479.bld