Quy định mới về ưu đãi lựa chọn nhà đầu tư và về chi phí trong lựa chọn nhà thầu

Chính phủ ban hành một loạt quy định mới về ưu đãi lựa chọn nhà đầu tư và về chi phí trong lựa chọn nhà thầu

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định rõ về ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư.

Hình minh họa

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định rõ về ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được hưởng mức ưu đãi 5% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.

Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu vừa được Chính phủ ban hành. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể về chi phí trong lựa chọn nhà thầu. Theo quy định, chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,06% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 30 triệu đồng; Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3 triệu đồng và tối đa là 60 triệu đồng.

Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển hạ tầng phòng cháy, chữa cháy

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 203/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong các yêu cầu của Kế hoạch là phải huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn.

Phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/2/2024 phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án đặt mục tiêu chung là phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên…

Theo Baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quy-dinh-moi-ve-uu-dai-lua-chon-nha-dau-tu-va-ve-chi-phi-trong-lua-chon-nha-thau-5001452.html