Quy định mới về biển báo, vạch kẻ đường từ 1/11

Biển cấm rẽ trái không còn cấm quay đầu, xe bán tải được coi là xe con, các quy định về vạch kẻ đường là những điểm mới trong luật giao thông ở Việt Nam.

Bắt đầu từ hôm nay (1/11), Thông tư số 6/2016/TT-BGTVT ngày 8/4/2016 ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ" QCVN 41/2016/BGTVT bắt đầu có hiệu lực để khắc phục những điểm quy định chưa rõ ràng, gây khó hiệu cho người đọc luật, mang tới tranh cãi giữa người tham gia giao thông và CSGT. Sang quy chuẩn mới, những hạn chế này sửa đổi để phù hợp và rõ ràng hơn. Báo VnExpress đưa tin.

Quy chuẩn quy định về hệ thống báo hiệu áp dụng cho tất cả các tuyến đường bộ trong mạng lưới đường bộ Việt Nam bao gồm đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng và các đường nằm trong hệ thống đường bộ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (các tuyến đường đối ngoại). Báo Giao thông đưa tin.

Sau đây là những điểm mới trong Thông tư số 6/2016/TT-BGTVT hay còn gọi là QCVN 41/2016/BGTVT:

Biển cấm rẽ trái, rẽ phải không còn cấm quay đầu xe.

Biển cấm ôtô rẽ trái (phải) cũng không nói gì đến việc cấm quay đầu.

Xe bán tải được coi như xe con.

Theo quy định mới thì xe bán tải có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1,5 tấn (ghi theo Giấy đăng kiểm) và từ 5 chỗ trở xuống được coi là xe con.

Các quy định về vượt phải.

Xe trên các làn chạy nhanh hơn nhau là tình huống giao thông mà các phương tiện trên các làn theo cùng một chiều đường của các đường có nhiều hơn hai làn đường mỗi chiều có thể chạy nhanh hơn nhau miễn là tuân thủ quy định về tốc độ và loại phương tiện sử dụng làn đường. Khi chuyển làn phải tuân thủ theo quy tắc giao thông đường bộ.

Như vậy ở đường mà một chiều có từ hai làn đường trở lên thì không thể bắt lỗi vượt phải.

Biển báo khu dân cư.

Trước đây, nhiều tài xế thường bị xử lý lỗi chạy quá tốc độ trong khu dân cư vì nhầm tưởng là đã hết sau khi đi cả một quãng đường dài không có biển báo. Ở quy chuẩn 41/2016, quy định trong điều 38 sẽ tránh những hiểu nhầm như sau.

Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các nơi đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại thì biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lực.

Đè vạch kẻ liền.

Tài xế sẽ bị phạt nếu đè vạch liền hoặc lấn làn qua vạch liền trong cùng một chiều.

Nguyễn Hà (tổng hợp từ báo VNE, Giao thông)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quy-dinh-moi-ve-bien-bao-vach-ke-duong-tu-111-d83857.html