Quy chuẩn an toàn cần phù hợp với thực tiễn cuộc sống

Đó là trường hợp liên quan đến quy chuẩn an toàn trên phương tiện thủy nội địa được quy định tại văn bản số 3306/ĐKVN-TS, ngày 24/8/2015 của Cục Đăng kiểm VN

Vì quy định này mà đến nay chưa một phương tiện nào được cấp phép, mặc dù quy phạm đăng kiểm đã ban hành từ nhiều tháng nay.

Quy định xa rời thực tiễn

Theo đó, phương tiện thủy nội địa (TNĐ) chở dăm gỗ phải có nắp hầm hàng chịu lực, tạo thành mái che cho các khoang tàu và phải được đóng kín trước khi tiếp tục xếp dăm gỗ lên trên, quy định này đảm bảo an toàn cho tàu chạy khi gặp thời tiết mưa gió.

Điều này nghe qua trên lý thuyết thấy đúng, nhưng thực tế đây là điểm khó thực hiện nhất. Theo nhận xét của một chủ tàu chuyên chở dăm gỗ lâu năm tại chân Cầu Kiền, TP Hải Phòng cho biết, đây là một quy định xa rời với thực tiễn, rất khó cho chúng tôi thực hiện vì chế tạo được một nắp hầm rộng từ 6 đến 8 m, chiều dài từ 14 đến 20 m có khả năng chịu lực là rất nặng, trọng lượng lên tới hàng tấn, gây tốn kém và không thể vận hành thủ công được.

Tàu chở dăm gỗ được đóng theo tiêu chuẩn có công suất 2.000 DWT.

Lý giải về quy định đăng kiểm gây nhiều tranh cãi này, đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho rằng, về mặt nguyên tắc, tàu là phải kín để mưa gió không rò lọt vào hầm tàu, nước mưa ngấm vào hàng hóa làm tăng trọng lượng gây chìm tàu nên tàu nào cũng phải có nắp hầm hàng, riêng trường hợp tàu chở dăm gỗ, nắp hầm hàng phải dày hơn và cứng hơn nắp hầm hàng thông thường.

Tuy nhiên, cách lý giải này không được các doanh nghiệp đồng tình, theo một chuyên gia ngành sản xuất giấy từ nguyên liệu rừng trồng cho rằng, ngay bản thân dăm gỗ đã ngậm khoảng 50% trọng lượng là nước rồi, nên khi hút thêm nước đến độ bão hòa và trương nở lớn nhất cũng không quá 18% trọng lượng, trong khi dăm gỗ là mặt hàng nhẹ, có trọng lượng riêng bằng khoảng 1/5 loại hàng hóa thông thường khác. Do đó, việc bỏ qua quy chuẩn trên không ảnh hưởng đến dự trữ nổi của phương tiện.

Chính vì quy định này, nhiều lô hàng dăm gỗ không thể vận chuyển được, nằm phơi nắng tại các cảng, điều đó không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ mà còn ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân trồng rừng.

Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải dăm gỗ bằng đường thủy nội địa

Cũng chỉ vì quy định này mà mới đây, hơn 60 doanh nghiệp chuyên vận tải dăm gỗ bằng đường thủy tại Quảng Ninh, Hải Phòng phải gửi đơn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Thủ tướng Chính phủ xem xét lại quy chuẩn an toàn này, đồng thời đề xuất phương án vận chuyển mà lâu nay các tàu chở dăm gỗ đang thực hiện trên các tuyến đường thủy nội địa.

Tàu chở dăm gỗ được phủ kín bằng vải bạt chịu nước .

Trước kiến nghị hợp lý từ nhiều doanh nghiệp, ngày 15/7 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành văn bản số 8160 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký với nội dung đồng ý với đề xuất của doanh nghiệp. Theo đó, các tàu chở dăm gỗ phải được phủ bạt kín, chằng buộc thay cho việc phải đóng nắp hầm cứng, đồng thời chiều cao khoang chứa dăm gỗ phải thấp hơn tầm nhìn của của người lái tàu. Bên cạnh đó, vật liệu làm khoang chứa dăm gỗ của tàu phải đảm bảo đủ chắc chắn, trọng lượng vận tải hàng hóa không vượt quá tải trọng đăng kiểm đối với phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-S1, VR- S2.

Thiết nghĩ, việc Bộ GTVT kịp thời tháo gỡ quy định “cứng nhắc” gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải dăm gỗ bằng đường thủy nội địa là cần thiết, song bài học quan trọng hơn cho mỗi cơ quan chức năng khi ban hành quy định cần xuất phát từ thực tế, từ thực tế mà điều chỉnh, trách bệnh chủ quan duy ý trí. Có như vậy, tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động mới thực sự đi vào cuộc sống.

Tiến Khánh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/quy-chuan-an-toan-can-phu-hop-voi-thuc-tien-cuoc-song-d19241.html