Quy chế đặc biệt giữa Đại sứ của Giáo hoàng và Người đứng đầu Cơ quan đại diện là hàm tương đương?

Đại sứ của Giáo hoàng thường được xếp trên các Đại sứ của các quốc gia được bổ nhiệm tại nước tiếp nhận và là Trưởng đoàn Ngoại giao theo truyền thống.

Quy chế đặc biệt giữa Đại sứ của Giáo hoàng và Người đứng đầu Cơ quan đại diện là hàm tương đương?

Công ước Vienna 1961 xếp Đại sứ của Giáo hoàng và Người đứng đầu Cơ quan đại diện có hàm tương đương vào cấp thứ nhất ngang hàng với Đại sứ? Có quy chế gì đặc biệt đối với Đại sứ của Giáo hoàng? Người đứng đầu Cơ quan đại diện có hàm tương đương là ai?

Những đại diện ngoại giao của Tòa thánh được gọi là Đại sứ của Giáo hoàng thuộc cấp thứ nhất và Công sứ của Giáo hoàng thuộc cấp thứ hai trong hàng những người đứng đầu của Cơ quan đại diện ngoại giao. Thông thường, người được Giáo hoàng bổ nhiệm là Đại sứ hay Công sứ ở nước ngoài là những vị Tổng giám mục, nhưng họ không thuộc hệ thống Giáo hội Thiên chúa giáo của nước tiếp nhận.

Theo tập quán một số nước, Đại sứ của Giáo hoàng thường được xếp trên các Đại sứ của các quốc gia được bổ nhiệm tại nước tiếp nhận và là Trưởng đoàn Ngoại giao theo truyền thống. Còn Công sứ của Giáo hoàng, người đứng đầu Công sứ quán thuộc cấp thứ hai trong hàng những người đứng đầu của Cơ quan đại diện ngoại giao thì không có một vị trí đặc biệt so với những Công sứ người đứng đầu Công sứ quán của các quốc gia khác được bổ nhiệm ở nước tiếp nhận và ngôi thứ của họ xếp theo thứ tự trình Thư ủy nhiệm.

Khi một Đại sứ của Giáo hoàng được phong chức Hồng Y Giáo chủ thì ông ta phải thôi giữ chức đại diện ngoại giao để trở về La Mã.

Công ước Vienna 1961 quy định xếp ngang Đại sứ là những người đứng đầu Cơ quan đại diện có hàm tương đương là ghi nhận một công thức thỏa hiệp. Trong quá trình thảo luận dự thảo Công ước Vienna 1961, hai đoàn đại biểu Anh và Pháp đề nghị ghi vào Công ước – ngang với Đại sứ - những Cao ủy các nước trong Khối Thịnh vượng chung và các Cao ủy các nước trong Khối Cộng đồng.

Tuy nhiên, nhiều đoàn đại biểu không đồng ý đã vạch ra rằng, vấn đề này chỉ liên quan đến tình hình riêng biệt, không nên tìm cách phản ánh tất cả mọi tình huống riêng biệt như thế này vào Công ước, và Công ước chỉ nên ghi nhận những quy tắc chung.

Cuối cùng, hội nghị đã đi đến công thức thỏa hiệp “người đứng đầu Cơ quan đại diện có hàm tương đương”.

Ngoài ra, các Cao ủy trong Khối Thịnh vượng chung, sau Thế chiến II, nhiều thuộc địa cũ của Đế quốc Anh trở thành Quốc gia độc lập. Một số nước vẫn coi Nữ hoàng Anh là Nguyên thủ Quốc gia, đó là trường hợp như Canana, Australia… Một số nước thành lập chế độ Cộng hòa có Nguyên thủ Quốc gia nhưng vẫn trong Khối Thịnh vượng chung và công nhận Nữ hoàng Anh là người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung, đó là trường hợp Ấn Độ, Pakistan, Ghana, Malaysia…

Giữa các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung vẫn coi Nữ hoàng Anh là Nguyên thủ Quốc gia vì Nữ hoàng không thể bổ nhiệm một đại diện bên cạnh chính mình. Chính vì vậy, giữa các quốc gia này trao đổi đại diện với nhau là Cao ủy, đây chính là Người đại diện của Chính phủ.

Việc bổ nhiệm các Cao ủy giữa các Chính phủ trong Khối Thịnh vượng chung không cần phải được sự đồng ý của Nữ hoàng. Thư giới thiệu Cao ủy là thư của Người đứng đầu Chính phủ nước cử gửi Người đứng đầu Chính phủ nước tiếp nhận trong Khối Thịnh vượng chung.

Giữa những nước thành viên Khối Thịnh vượng chung mà Nữ hoàng Anh là Nguyên thủ và những nước thành viên Khối thịnh vượng chung đã xác lập chế độ cộng hòa có Nguyên thủ Quốc gia của mình, Cao ủy là do Nữ hoàng và Nguyên thủ Quốc gia các nước có chế độ Cộng hòa trong Khối Thịnh vượng chung bổ nhiệm bên cạnh nhau.

Cục Lễ tân Nhà nước

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quy-che-dac-biet-giua-dai-su-cua-giao-hoang-va-nguoi-dung-dau-co-quan-dai-dien-la-ham-tuong-duong-113054.html