Quốc tế nổi bật: Sức ép đối với Thủ tướng Anh

Thủ tướng Anh Rishi Sunak coi việc ngăn chặn những chiếc thuyền nhỏ chở người di cư bất hợp pháp đến Anh là một trong năm ưu tiên chính của ông.

Thủ tướng Anh Sunak chịu sức ép từ người nhập cư bất hợp pháp

Thủ tướng Anh Rishi Sunak

Theo dữ liệu sơ bộ vừa được Bộ Nội vụ Anh công bố, tính tới hết ngày 26/3 nhà chức trách nước này đã phát hiện 4644 người vượt biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ để nhập cảnh trái phép vào nước này. Đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Sự gia tăng này chắc chắn sẽ gây thêm áp lực đối với Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Thủ tướng Anh Rishi Sunak coi việc ngăn chặn những chiếc thuyền nhỏ chở người di cư bất hợp pháp đến Anh là một trong năm ưu tiên chính của ông.

Bulgaria không thành lập được chính phủ liên minh

Thủ tướng được chỉ định của Bulgaria Mariya Gabriel và Thủ tướng vừa mãn nhiệm Nikolai Denkov. Ảnh: AFP

Thủ tướng được chỉ định của Bulgaria Mariya Gabriel đã từ bỏ nỗ lực thành lập Nội các mới. Quyết định của bà đã được thông qua sau một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Bulgaria hôm 26.3, đưa quốc gia Đông Nam Âu tới gần hơn với một cuộc bầu cử sớm. Nếu cuộc bầu cử sớm được kích hoạt, sớm nhất là vào tháng 6 tới, đây sẽ là cuộc bầu cử thứ 6 ở Bulgaria chỉ trong hơn 3 năm. Bất ổn chính trị có nguy cơ làm trì hoãn thêm mục tiêu gia nhập Khu vực đồng Euro (Eurozone) đã bị trì hoãn từ lâu của Bulgaria vào năm tới.

Liên minh Mỹ - Anh không kích thành trì của lực lượng Houthi ở Yemen

Khói bốc lên sau một vụ không kích tại Sanaa, Yemen. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ngày 27/3, đài truyền hình al-Masirah do lực lượng Houthi điều hành cho biết liên minh quân sự Mỹ - Anh đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào thành trì của lực lượng này ở tỉnh Saada phía Bắc Yemen. Nguồn tin trên cho biết cuộc tấn công nhằm vào khu vực al-Kutaynat ở quận Baquim, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Saada là thành trì của thủ lĩnh Abdulmalik al-Houthi và một số chỉ huy chủ chốt của lực lượng Houthi. Hiện liên minh quân sự Mỹ và Anh chưa bình luận về thông tin trên.

Israel đóng cửa nhiều tuyến đường gần biên giới với Liban

Một khu vực bị trúng mục tiêu sau cuộc tấn công của Israel vào ngôi làng Majdal Zoun ở biên giới phía nam Lebanon vào ngày 9 tháng 3 năm 2024. Ảnh: AFP

Ngày 27/3, Israel đã đóng cửa nhiều tuyến đường gần biên giới với Liban sau khi phong trào Hezbollah ở Liban phóng hàng chục quả tên lửa vào Kiryet Shmona, một thị trấn biên giới của Israel. Việc chặn các luồng giao thông gần biên giới được cho là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang giữa Israel và phong trào Hezbollah.

Nga siết chặt quản lý người nước ngoài

Trung tâm mua sắm và biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall ở ngoại ô Moscow (Nga) sau khi bị tấn công khủng bố tối 22-3. Ảnh: AP

Sau vụ khủng bố đẫm máu khiến ít nhất 139 người thiệt mạng tại ngoại ô thủ đô Mát-x-cơ-va, Bộ Lao động Nga đã soạn thảo dự luật siết chặt điều kiện lưu trú của người nước ngoài tại nước này. Dự luật đã được Ủy ban chuyên ngành của Đuma quốc gia Nga ủng hộ. Theo dự luật, một người lao động di cư được ký hợp đồng thời hạn 2 năm với một chủ lao động. 2 năm là thời gian đủ để kết thúc một dự án cần thuê chuyên gia. Nếu vẫn có nhu cầu, người sử dụng lao động sẽ có thể tìm người thông qua cơ chế tuyển dụng.

Ấn Độ lên kế hoạch xây tường rào biên giới với Myanmar

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah cho biết, Chính phủ đã quyết định xây dựng hàng rào dọc biên giới dài 1.643 km với Myanmar. Theo ông Shah, để tạo điều kiện giám sát tốt hơn, một tuyến tuần tra dọc biên giới cũng sẽ được trải nhựa. Riêng đoạn dài 10 km ở Moreh, bang Manipur được tăng cường hơn. Chính phủ Ấn Độ đang xem xét lại thỏa thuận về Chế độ di chuyển tự do (FMG) của Ấn Độ với Myanmar và sẽ sớm chấm dứt việc di chuyển tự do vào Ấn Độ.

Iran trả tự do cho toàn bộ 18 thủy thủ Philippines bị bắt giữ

Ảnh minh họa

Ngày 27/3, Philippines cho biết Iran đã thả toàn bộ 18 thành viên thủy thủ đoàn Philippines trên tàu chở dầu St. Nikolas treo cờ Quần đảo Marshall nhưng thuộc sở hữu của Hy Lạp bị bắt giữ ở Vịnh Oman hồi tháng 1. Tàu St. Nikolas chở 145.000 tấn dầu đang thực hiện hải trình từ Iraq và hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ thì bị bắt giữ. Truyền thông nhà nước Iran cho biết vụ bắt giữ là để trả đũa việc Mỹ tịch thu dầu Iran từ cùng một tàu chở dầu, vào thời điểm đó có tên là Suez Rajan.

Xuân An (t/h)

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/quoc-te-noi-bat-suc-ep-doi-voi-thu-tuong-anh-118739.htm