Quốc lộ biến nhà dân thành... hầm: Sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu vẫn ì ạch

Vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 nối Bình Định - Gia Lai, đoạn qua huyện Tây Sơn (Bình Định) vẫn kéo dài, nhiều lần lãnh đạo Bình Định và cả Bộ GTVT đôn đốc chỉ đạo nhưng chưa xong. Lần này, Bình Định ra 'tối hậu thư' đề nghị giải quyết dứt điểm, nếu không sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân.

"Tối hậu thư"

Ngày 28-3, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tiếp tục có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh, UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) và Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) tập trung hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 (tổng vốn 3.600 tỷ đồng) đoạn qua huyện Tây Sơn.

Vướng mắc, ách tắc kéo dài ở dự án nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn

Lần này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND huyện Tây Sơn tập trung điều hành quyết liệt, hiệu quả đối với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án; bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư thi công, chậm nhất đến ngày 15-4-2024.

Trường hợp giải phóng mặt bằng tiếp tục chậm trễ, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn báo cáo đề xuất xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để báo cáo lên UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định.

Những lớp nhà dân xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) sống khổ trong vòng dự án nâng cấp quốc lộ 19

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, hiện còn hàng chục hộ dân ảnh hưởng từ dự án đoạn qua khu vực cầu Ba La (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định) vẫn đang khiếu nại đòi hỏi quyền lợi đảm bảo thì mới chịu bàn giao mặt bằng. Trong đó, có 7 hộ dân nằm trong diện giải tỏa trắng thì vẫn chưa đạt thỏa thuận bồi thường để yên tâm dời đến nơi ở mới.

“Hiện, các đơn vị thi công đang làm cầu Ba La bao vây các nhà dân, chúng tôi phải sống cảnh chui rúc rất khổ sở. Chúng tôi vẫn đang từng ngày mong chờ chính quyền sớm thống nhất giá cả bồi thường, di dời thỏa đáng để người dân yên tâm di dời đến nơi ở mới”, một người dân nằm trong diện giải tỏa trắng ở thôn Tả Giang 2 (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định) cho biết.

Nhà dân nằm trong diện giải tỏa trắng vẫn mòn mỏi chờ đạt thỏa thuận di dời

Hàng ngày, dự án thi công rất ồn khiến người dân vô cùng bức xúc

Ngoài ra, ven dự án đoạn xã Tây Giang còn hàng chục hộ dân khác đang khiếu nại việc trước đó chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án 2) nâng nền quốc lộ 19 quá cao “biến nhà dân thành…hầm” nên yêu cầu phải hỗ trợ thêm chi phí nâng nền nhà để người dân ổn định cuộc sống. Mới đây, các hộ dân tiếp tục khiếu nại lên Ban tiếp Công dân tỉnh Bình Định để đòi quyền lợi.

Huyện cũng đang rối như "tơ vò"

Trả lời PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 qua địa bàn huyện này ảnh hưởng đến hơn 1.300 hộ dân. Trong đó, trường hợp các hộ dân ở ven khu vực cầu Ba La vướng nhất, nguyên nhân phát sinh từ quá trình nâng nền đường cao quá so với nhà dân. "Trước đây khi nhà đầu tư nâng nền đường quá cao thì địa phương liên tục kiến nghị UBND tỉnh, Bộ GTVT để xem xét hạ bớt nền nhưng không được. Giờ người dân yêu cầu các quyền lợi nhưng vượt tầm của địa phương", ông Khánh nêu.

Theo ông Khánh, yêu cầu người dân về hỗ trợ kinh phí nâng nền nhà không nằm trong chính sách dự án của tỉnh. Trong khi đó, dự án sử dụng vốn WB nên các yêu cầu phát sinh của người dân cần xin ý kiến của Ngân hàng Thế giới. Phía Ngân hàng Thế giới chỉ chấp thuận đầu tư đường gom ven tuyến để người dân thuận tiện đi lại và hỗ trợ thêm 40% đất cho người dân. Tuy vậy, các hộ dân vẫn không đồng tình và tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên tỉnh.

Việc nâng cấp quốc lộ 19 diễn ra rất chậm, thi công ì ạch thiếu đồng bộ

Ngoài ra, còn 7 hộ trong diện giải tỏa trắng ở sát chân cầu Ba La đang đòi quyền lợi, theo ông Khánh do đất có nguồn gốc lấn chiếm, nằm trong hành lang đường và dòng chảy nên không được cấp sổ đỏ, huyện tìm giải pháp đền bù, hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Trong đó, sẽ đền bù vật kiến trúc, nhà cửa, còn đất chỉ hỗ trợ 40% và bố trí đưa các hộ dân đến nơi ở mới để có thể làm được sổ đỏ, xây dựng nhà cửa kiên cố để sinh sống.

“Huyện đã gửi đơn giá, chính sách hỗ trợ, bồi thường lên Ngân hàng Thế giới để xin ý kiến. Tuy nhiên, 2 tuần nay họ vẫn chưa phản hồi nên chúng tôi đang chờ để tiếp tục đối thoại, tìm đồng thuận từ các hộ dân để bàn giao dứt điểm mặt bằng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn thông tin.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quoc-lo-bien-nha-dan-thanh-ham-se-xu-ly-trach-nhiem-ca-nhan-tap-the-neu-van-i-ach-post732808.html