Quốc hội quyết quy hoạch tổng thể quốc gia

Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, đây là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đề nghị bỏ thủ tục lấy ý kiến địa phương liền kề khi lập quy hoạch.

1 quả núi 2 tỉnh quy hoạch khác nhau” xử lý thế nào?

Đây là băn khoăn của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) khi thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Quy hoạch, sáng nay (26/5).

Cho ý kiến cụ thể về quy định phải lấy ý kiến về quy hoạch (Điều 20) đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói: Dự thảo quy định, cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương có liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch. Đối với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thì cơ quan tổ chức lập quy hoạch còn phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân các tỉnh liền kề.

Đại biểu Sinh cho rằng quy định như vậy là không cần thiết vì quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt, có trình tự chặt chẽ, nên việc lấy ý kiến là không cần thiết và nên bỏ quy định này. Đại biểu đoàn Hòa Bình ví von “một quả núi, tỉnh A. quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng, nhưng tỉnh B. liền kề lại quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái, nên việc thống nhất ý kiến là bất khả thi và việc này cần phải có hội đồng thẩm định quyết định”.

Trong khi đó, một số đại biểu đề nghị xem xét là quy định về thời kỳ quy hoạch. Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) nêu ý kiến: Theo dự thảo, thời kỳ quy hoạch quốc gia là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm, trong khi các quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng có tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm, như vậy là chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị xem xét lại vì quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch tổng thể chung cho cả nước, quy hoạch có tính chiến lược, các quy hoạch của địa phương, bộ, ngành phải theo quy hoạch quốc gia, nên thời kỳ quy hoạch tổng thể quốc gia cần có tầm nhìn dài hơi hơn.

Cũng liên quan đến thời kỳ quy hoạch, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, khoản 1 Điều 8 cần xem xét bỏ hoặc chuyển về Điều (“giải thích từ ngữ”), bởi như dự thảo, khoản 1 chỉ là khái niệm thời kỳ quy hoạch, nhưng không chứa nội hàm, không có định lượng cụ thể.

“Riêng quy hoạch quốc gia ở một số lĩnh vực tôi đồng tình với nhiều đại biểu phải có tầm nhìn 50 năm đến 100 năm”- đại biểu Đinh Duy Vượt góp ý.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đánh giá: Đối với nguyên tắc cơ bản về lập quy hoạch (Điều 4 và Điều 22) đề cập đến 16 nội dung những còn thiếu một số nội dung như tính khả thi, tính dự báo, tính nhân dân...

“Ở kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, đoàn Khánh Hòa đã góp ý về nội dung này nhưng chưa được đưa vào dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục bổ sung”- Đại biểu Thịnh nói.

Về quy hoạch sử dụng đất, đại biểu đoàn Khánh Hòa đề nghị chỉ phân làm 2 loại là quy hoạch đô thị và quy hoạc nông thôn, trong đó quy hoạch đô thị không quy hoạch khu công nghiệp...

Thiếu quy hoạch làm phân tán nguồn lực

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Quá trình hoàn thiện dự thảo, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ nội dung Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, đây là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Quy hoạch.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các ý kiến này hợp lý, phù hợp với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Mặt khác, quy định này cũng phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội đối với việc quyết định ngân sách Nhà nước để tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương các chương trình, dự án đầu tư công của Quốc hội tại Luật Đầu tư công.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Công cụ để hoạch định phát triển ở Việt Nam bao gồm “Chiến lược- Quy hoạch- Kế hoạch”. Quy hoạch giữ vai trò kết nối giữa chiến lược và kế hoạch, đồng thời để cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

“Sự khác biệt của quy hoạch so với chiến lược và kế hoạch chính là tổ chức không gian phát triển trên lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam đã có Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia nhưng không có quy hoạch tổng thể quốc gia đã dẫn tới việc hoạch định phát triển không có sự cân đối chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đây là nguyên nhân chính làm lãng phí hoặc phân tán nguồn lực, giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia.

"Do vậy, cần có quy hoạch tổng thể quốc gia để tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bổ nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”- Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Xây dựng quy hoạch có tầm nhìn dài hơi

Báo cáo giải trình nhanh một số vấn đề được đại biểu nêu ngay tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đại diện cơ quan soạn thảo) Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc xây dựng Luật Quy hoạch nhằm cải cách thể chế, bởi thực tế đang có 95 luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch với trên 19.000 quy hoạch, việc xây dựng Luật nhằm bảo đảm sự thống nhất, hoàn chính về công tác quy hoạch...

Về thời kỳ và tầm nhìn trong việc lập quy hoạch, Bộ trưởng đồng tình với ý kiến các đại biểu là không thể đưa ra tầm nhìn ngắn hạn khi lập quy hoạch và Ban soạn thảo sẽ điều chỉnh (theo ý kiến đại biểu) theo hướng có tầm nhìn dài hơn, quy hoạch cấp trên dài hợp quy hoạch cấp dưới, ít nhất là 5 năm;

Vấn đề chuyển tiếp khi Luật có hiệu lực, ông Nguyễn Chí Dũng thông tin phải chỉnh sửa 32 Luật; Chính phủ đã thiết kế theo hướng quy hoạch được duyệt (phù hợp) sẽ thực hiện hết thời gian được phê duyệt, quy hoạch (không còn phù hợp) sẽ điều chỉnh theo Luật mới; các quy hoạch chưa được phê duyệt phải lập quy hoạch theo quy định mới...

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quoc-hoi-quyet-quy-hoach-tong-the-quoc-gia.aspx