Quốc hội lo lắng nợ đọng vốn trong 'xây dựng nông thôn mới'

Nợ đọng vốn xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới lên đến 15.277 tỷ đồng, nhiều địa phương mất khả năng thanh toán- thông tin đáng chú ý này được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết trong phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội sáng nay 4-11.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới gây dư luận không tốt.

Hơn 80% địa phương còn nợ

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, ngày 4-11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường đối với kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày liên quan đến nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Theo đó, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn lớn, có 53/63 tỉnh, thành phố (tương đương hơn 80%) có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Có tổng số 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã). Tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước. Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ)- khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Hai khu vực này có số nợ đọng chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước (trong đó Đồng bằng sông Hồng chiếm 55,2% số nợ đọng).

Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỷ đồng, Thanh Hóa 1.547 tỷ đồng, Thái Bình 1.232 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 919 tỷ đồng, Nghệ An 887 tỷ đồng, Hải Dương 879 tỷ đồng, Ninh Bình 770 tỷ đồng, Hà Nam 757 tỷ đồng…

Đặc biệt, ở Đồng bằng sông Cửu Long có trường hợp huyện Phước Long (Bạc Liêu) riêng nợ xây dựng cơ bản lên tới 397 tỷ đồng.

Số nợ đọng của các địa phương tập trung chủ yếu trong các dự án về giao thông (30,8%); thủy lợi (5,5%); trường học (23,3%); cơ sở vật chất văn hóa (12,7%); các công trình dự án khác (27,7%).

Theo kết quả giám sát của Quốc hội, ngay các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn nhiều địa phương nợ đọng. Đến ngày 31-1-2016, còn 1.147 xã đã đạt chuẩn còn nợ đọng, với tổng số tiền 7.157,7 tỷ đồng (chiếm 46,9% số nợ đọng cả nước), tính bình quân số nợ khoảng 6,24 tỷ đồng/xã.

Theo báo cáo do ông Vũ Hồng Thanh trình bày, nguyên nhân nợ, ngoài những yếu tố khách quan, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như: Nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương trong việc kiểm soát vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; phê duyệt dự án và đồng ý để các doanh nghiệp ứng trước vốn để thi công khi chưa xác định được nguồn vốn để thanh toán; ở một số địa phương phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển quá nhanh, nóng vội, chạy theo thành tích trong khi chưa cân đối được nguồn lực...

Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Để thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung quan trọng.

Đó là chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào dịch vụ và hạ tầng nông nghiệp nông thôn; chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng và phê duyệt các Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn...

Thảo luận về Chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc chỉ rõ các hạn chế, khuyết điểm trong giai đoạn vừa qua, nhiều đại biểu đi sâu vào kiến nghị các giải pháp trong tổ chức thực hiện giai đoạn tới, tập trung vào rà soát, sửa đổi tiêu chí cho phù hợp; chú trọng xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; tăng thu hút các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư vào khoa hoc kỹ thuật, công nghệ cao...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) góp ý: Cần sửa đổi tiêu chí công nhận nông thôn mới cho phù hợp, không đánh đồng tiêu chí chung, vì mỗi vùng, miền có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau. Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách tăng hỗ trợ nguồn lực cho các vùng miền đặc biệt khó khăn.

“Đầu tư tốt cho nông thôn, xây dựng nông thôn mới vừa ngăn việc di dân từ nông thôn ra thành phố và thậm chí thu hút dân cư từ thành thị về nông thôn”- đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.

Đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) đề nghị: Cần đẩy mạnh nghiên cứu các cam kết quốc tế về thương mại liên quan đến lĩnh vực nông sản và đánh giá tác động để tuyên truyền sâu rộng cho địa phương chủ động điều chỉnh sản xuất; đồng thời Chính phủ cần sớm hoàn thiện quy hoạch vùng; các cơ quan chức năng chú trọng hỗ trợ bà còn nông dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), để xây dựng nông thôn mới hiệu quả cần phải lấy doanh nghiệp làm chủ lực, đề ra cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để làm đòn bẩy; cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp nông nghiệp như trạm giống, trạm thủy lợi, trung tâm khuyến nông...; tái cơ cấu chính sách theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy nhanh xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới...

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến tháng 3-2016, cả nước có 1.761 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 19,7% tổng số xã trên cả nước.

Về vốn thực hiện Chương trình: Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) là 266.785 tỷ đồng (31,34%), vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng (51%), huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng (4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp là 107.447 tỷ đồng (12,62%).

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quoc-hoi-lo-lang-no-dong-von-trong-xay-dung-nong-thon-moi.aspx