Quê tôi mùa lũ

Mùa lũ quê tôi.

(Cadn.com.vn) - 1.Tôi sinh ra ở vùng chiêm trũng của H. Tuyên Hóa (Quảng Bình) - một trong những vùng quê nghèo hứng nhiều bão lũ nhất cả nước. Ngoại từng kể, năm tôi lên 2, mùa lũ ấy lên nhanh bất chợt, mẹ để tôi lên ngồi trên giường rồi cùng cả nhà soạn lũ. Trong dòng nước đục ngầu đang dâng lên, ông bà ngoại cố gắng buộc giường, tủ vào cột nhà và cố thu dọn đồ đạc cần thiết lên gác. Mẹ thì nhanh tay bắt heo nhét vào rọ để đưa lên cao tránh lũ. Các cậu còn mải lùa đàn bò qua đồi cao chưa kịp về. Lũ lên nhanh, mọi người càng bận bịu đủ thứ việc. Còn tôi lại hoảng loạn khóc thét rồi trèo xuống khỏi giường đi tìm mẹ. Mưa xối xả liên tục. Tôi thả chân xuống giường, bước ra khỏi nhà thì nước lũ đã ngập lên tận cổ. Miệng vẫn không ngừng khóc gào gọi mẹ. Loạng choạng bước, tôi vấp phải hào sâu ngay vườn nhà. Lúc ấy đôi tay với với, còn miệng uống no nước lũ. Mẹ bỏ mặc bầy heo kêu eng éc chạy tới bế tôi lên. Mẹ ôm tôi, khóc không thành tiếng. Không soạn lũ soạn lụt nữa, mẹ giữ chặt và bảo vệ tôi như thứ báu vật quý giá nhất trong lũ. Để tôi bớt hoảng loạn, mẹ xoa lưng tôi vỗ về và thì thầm vào tai: "Có mẹ đây rồi! Con đừng sợ chi nữa nha!"... Tôi dụi đầu vào ngực mẹ. Nấc nghẹn. Đôi tay nhỏ xíu ôm chặt lưng mẹ vì sợ bị bỏ mặc thêm lần nữa...

Mùa lũ lịch sử ấy, nhà tôi gần như tan nát, đồ đạc bị trôi dạt, bầy heo của mẹ gần đến độ bán nhưng tất cả đều bị chết trôi. Nhưng may mắn thay cả nhà vẫn an toàn tính mạng, không ai bị thương tích do bão lũ. Khi tôi lên 5 lên 7, biết tự cắp sách tới trường, tôi cùng lũ bạn trong làng vô cùng thích thú bởi được nghỉ học. Lũ đến làm nước ngập đầy đồng, khiến mẹ và các cô chú trong làng sợ hoa màu ngập úng, sợ lúa đến độ thu hoạch bị mất trắng. Trái ngược với lo lắng, trăn trở của người lớn, lũ trẻ chúng tôi xách can, kết bè chuối bơi lội bì bõm trong dòng nước đục ngầu rồi nhoẻn miệng cười đầy thích thú. Chán bơi lội, chúng tôi lại xếp thuyền giấy, thuyền lá mít thả trôi, rồi đua nhau hò hét xem thuyền đứa nào trôi nhanh hơn, về đích an toàn hơn...

Tôi bắt đầu ghét lũ, sợ bão khi nhận thức được sự tàn phá khốc liệt của nó. Đó cũng là lúc, tôi thấm được giọt nước mắt đau đớn của mẹ sau mỗi mùa bão lũ. Và những cái thở dài chua chát của bà con miền Trung khi thiếu cơm gạo để ăn, con cái buộc phải nghỉ học giữa chừng vì không còn sách vở, tiền bạc... Nhiều hôm đang ngủ ngon, tiếng mưa lộp bộp rơi trên chiếc chăn mỏng dính làm chúng tôi chợt tỉnh giấc. Đài báo tin có bão xa, ngoài kia trời đang mưa nặng hạt. Mái nhà tranh bị dột thủng nên mẹ cùng 2 chị em phải rọi đèn, kiếm thau chậu hứng mưa để đỡ chan ướt nhà và đồ đạc. Và hơn hết là để chúng tôi có được giấc ngủ yên ấm hơn. Mưa rơi tanh tách vào chậu nhôm tạo nên âm thanh là lạ, lúc to lúc nhỏ, lúc trầm lúc bổng, lúc lại rơi liên thanh. Mẹ chọn góc ướt rồi nằm xuống ngủ, nhường cho chị em tôi chỗ an toàn, ấm áp nhất.

Có những đêm, giấc ngủ của chúng tôi trở nên kinh hãi bởi tiếng gió rít gào, hàng cây mít, tràm trong vườn nhà liên tục bị bão quật ngã. Gió thổi mạnh, luồng khí lạnh và thổi tung cánh cửa nhà làm chúng tôi rét cóng. Mẹ giục 2 chị em nhanh chạy vào chiếc máy lu của công ty xây dựng gửi trước cửa nhà để trú tạm. Chúng tôi vừa kịp đóng cửa xe thì mái nhà tranh yêu thương cũng vừa sụp. Mẹ lại ôm hai chị em mà khóc. Tiếng khóc của mẹ dai dẳng ký ức tôi mỗi khi có bão lũ tràn về! Năm nào cũng vậy, không chỉ gia đình tôi mà nhiều người dân miền Trung đều phải chạy bão lũ. Nhà tôi ngay sát bờ sông nên hễ mưa kéo dài hơn một ngày là mẹ đã chuẩn bị củi khô, áo quần, lương thực... để sẵn trên gác nhỏ. Dù đã quá quen việc chống chọi giữa bão, lũ nhưng cũng không ít lần chúng tôi suýt bỏ mạng trước quái vật khổng lồ này...

2. Gần 2 tuần trước, cơn lũ lịch sử lại ghé quê tôi. Cả gam màu đau thương, tan tác hiện hữu lên từng ngôi nhà, khuôn mặt khắc khổ của bà con. Nước lũ dâng nhanh, cả làng không kịp trở tay, chỉ biết lên cao để tránh lũ, đành bỏ mặc tài sản cuốn trôi. Nhà cậu tôi và những hộ dân ở vùng trũng, nước ngập lên tận mái, thế là cả nhà phải dìu nhau lên nóc cố thủ. Lũ rút, nắng lên, trời bớt âm u là thanh niên trong làng lại tập trung cào vét bùn, trả lại mặt đường sạch sẽ. Nhà nhà dọn dẹp rác rưởi, lau chùi những món đồ còn sót lại. Còn lũ trẻ làng lại đến trường, phụ giúp thầy cô thu dọn "bãi chiến trường" và viết tiếp hành trang, giấc mơ vào cổng trường cấp 3, rồi đại học và cao hơn nữa. Sau lũ, bộ áo quần mới mua của lũ trẻ đã ngã màu bùn đất, sách vở cũng nhàu nát, không còn thơm nồng mùi giấy mới, thế nhưng không ngăn được bước tụi nhỏ đến trường... Chưa kịp khắc phục thiệt hại cơn lũ, miền Trung lại tiếp tục gồng gánh một cơn lũ khác. Mẹ gọi điện thông báo, xã Thạch Hóa (H. Tuyên Hóa) lại ngập lụt nữa rồi, mưa rất to và nước sông Gianh vẫn không ngừng lên... Cả làng vốn điêu tàn, xác xơ sau lũ, nay lại tất tưởi chống chọi với hung thần tiếp theo. Nghèo khó, khổ cực sẽ lại bủa vây người dân miền Trung, nhưng tôi tin, bà con sẽ vượt qua được tất cả, bởi "còn người thì còn của", "còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"!

Quỳnh Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_157507_que-toi-mu-a-lu-.aspx