Quất cảnh- nghề chơi cũng lắm công phu

Nhiều năm nay đã thành nếp, cứ thượng tuần tháng Chạp là tôi lại xắm nắm lên Quảng Bá, Tứ Liên để xem quất. Bà con trên ấy cũng đã mở cửa vườn đón khách. Những căn nhà nhỏ đơn sơ dựng ở mỗi góc vườn ấm cúng hẳn lên vì những lời chào mời thân mật giữa chủ và khách, khói thuốc lào và hương trà mạn lan tỏa trong gió rét bãi sông. Cả năm trông cây không bằng một ngày trông quả. Những giao dịch mua bán đang cụ thể hóa thành quả của cả một năm trời khó nhọc 'một nắng hai sương'...

Quất đã chín, màu quả sáng bừng trên nền lá già thẫm xanh và lộc non mơn mởn. Dường như hương sắc nắng gió của cả một năm đã tụ hết vào cây, để lại nền trời xám ngắt, hun hút gió và những nếp nhăn khắc khổ trên gương mặt người.

Bạn đã bao giờ nghe đến thuật ngữ “ăn xác quất”? Thuật ngữ mang tính chất biểu cảm nhiều hơn là kỹ thuật, thể hiện công đoạn đầu tiên trong một mùa vụ trồng quất cảnh. Ấy là khoảng từ mùng 6, mùng 7 tháng Giêng, khi người ta đã “chơi” xong Tết, ở các ngóc ngách Hà Nội xuất hiện nhiều người đi thu gom những gốc quất “đã qua sử dụng”. Họ là những người trồng quất cảnh, rong ruổi tìm mua các gốc quất héo đem về chăm sóc, chuẩn bị cho Tết tới. Với những người làm vườn, để có được một gốc quất già mất rất nhiều thời gian nếu làm theo cách thông thường là chiết cành hoặc nuôi gốc. Phải mất vài ba năm mới có một gốc quất to, già… và bán được giá.

Đi gom những gốc đào, quất mà người dân đã chơi hết Tết là cách hiệu quả nhất, đỡ tốn thời gian. Mỗi ngày, người “ăn xác quất” phải đi mấy chục cây số. Càng vào các ngõ, hẻm ở sâu, khả năng gặp được khách bán gốc cây càng cao, vì người ta còn nấn ná giữ lại chơi thêm và… ngại mang vứt ra đường. Vài năm trở lại đây, số người “ăn xác quất” sau Tết khá đông, phải đến vài trăm người. Cho nên, nghề này cũng không phải không có cạnh tranh!

Với nhiều người chơi, hết Tết quất cảnh trở thành rác. Vì thế, “đội quân” thu gom gốc quất héo càng có nhiều nguồn hàng, thậm chí còn được cho không.

Sau cả tháng trời bị bứng khỏi đất vườn, để gốc quất đã héo đâm chồi nảy lộc trở lại và có thể bán được tiền triệu vào Tết năm sau là công việc không dễ dàng gì. Đấy là bí quyết của những người làm vườn: Sau khi đưa gốc quất về, công đoạn đầu tiên là phải “làm tươi”. Những gốc quất sẽ được “hồi sức” bằng cách để trong bóng mát rồi tưới tắm để tiếp nước, sau vài ngày mới đem hạ thổ, trồng bầu. Mất khoảng vài ba tuần để cây hồi sức, sau đó mới đến công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, hãm cành… 99% những gốc quất thu mua về đều “tỉnh” lại. Sau một năm chăm sóc, sẽ lại có cây quất cảnh đẹp tưng bừng đúng vào dịp Tết!

Một ông chủ vườn quất tâm sự: “Những người trồng quất cảnh như chúng tôi thực ra không có Tết, chỉ biết bán Tết cho thiên hạ. Trước Tết thì lo bán cây, sau Tết lại lo chăm sóc lứa mới cho kịp vụ. Có tới 50% gốc quất được thu gom trở lại, và sang năm sẽ “tái xuất”. Đối với người chơi cây, những gốc quất đó có thể không còn giá trị, nhưng với người làm vườn nó quý như vàng!”.

Để có một cây quất “hàng hóa”, người trồng phải vừa nắm vững quy trình công nghệ của sản xuất vừa bỏ ra rất nhiều công sức. Mùa mưa không được để ngập, mùa hanh không được để khô gốc. Trồng cây đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 (âm lịch) phải “đảo quất”: Đánh gốc lên, thay đất mới, bón phân rồi trồng lại. Sau khi cây ra hoa, phải tỉa bỏ hoa nhỏ để quả đỡ bị “kẹ.... Nhưng khi đã có một cây quất sai cành xanh lá, hoa trái xum xuê thì công việc vẫn chưa kết thúc, cây còn phải có dáng đẹp, phù hợp với sở thích của người chơi. Cho nên, công đoạn tiếp theo là “gò quất”.

Để đến với nghề gò quất, phải là người có bàn tay và con mắt khéo léo, biết chuyển cây từ chỗtán quả rải rác đến tập trung chúng lại, bắt chúng phô quả ra ngoài, trải đều xung quanh từ gốc tới ngọn, điểm xuyết quả xanh, quả chín và lộc biếc… Đây là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng làm được. Lâu nay, nghề gò quất đang có giá. Mỗi dịp giáp Tết, người gò quất được thuê với giá hàng trăm nghìn đồng và cơm ba bữa một ngày. Nếu cây quất cao to phải bắc thang thì thuê đến 100 nghìn đồng/cây. Gò quất đòi hỏi kiên trì, ngoài bàn tay khéo léo, có con mắt mỹ thuật. Việc chuẩn bị cho công việc gò quất cũng phải tính toán kỹ lưỡng, đầu tư mua sắm dụng cụ đồ nghề (dây thép không rỉ, dao, kéo tinh, sắc bén) để có thể tỉa cho cây bớt cành phụ, giảm lá, phô bày quả... Có những cây quất to và cao từ 2 - 3 mét, người gò phải bắc thang, tối đến thắp điện mà gò. Ngắm, gò, lại ngắm, gò… tỉ mỉ và công phu, song cũng là thú vui của người trồng cây. Gò quất phải kiên trì, có lúc cần thư giãn, không nóng vội, ngồi nhâm nhi chén nước trà mà ngắm nhìn tán quất để gò theo cách tối ưu để cây có thế đẹp nhất.

Tuy thế, cũng không thể kéo dài thời gian, bởi khi quất đã chín mọng, đụng vào là rất dễ làm quả rụng. Muốn gò quất phải chọn khi quả chín lốm đốm. Cây lúc đó còn ít lá, chuẩn bị đâm lộc và ra hoa. Muốn có cây quất đẹp, “tứ đại đồng đường”, tức là đủ quả chín, quả xanh, lộc biếc và nẩy hoa trắng, người gò phải biết đan cành làm sao cho cây không bị thô cứng, dáng vẫn tự nhiên. Trước khi gò, nhất là những cây quất thế, người thợ phải ngắm nghía và định hình dáng cây rồi mới bắt tay vào làm. Nếu không phải dỡ ra gò lại thì nát hết cây…

Trước đây, người Hà Nội thường chơi quất tán nhưng vài năm gần đây chuyển sang chơi quất thế, rồi bây giờ là quất bonsai. “Nhìn cây quất bonsai sẽ thấy cảm giác rất tự nhiên, không bị gò chằng chịt dây thép như quất tán cổ truyền” - một vị khách sành điệu nhận xét.

Bắt nhịp với thị hiếu, mấy năm nay, nhiều gia đình chuyển sang trồng quất bonsai. Tuy nhiên, quất bonsai vẫn chưa “thống lĩnh” thị trường, vì giá khá cao. Để trồng thành công một cây quất bonsai ít nhất phải mất mấy năm chăm sóc. Quất bonsai cũng như cây cảnh, thường có nhiều dáng như huynh đệ, mẫu tử, thác đổ, ngũ phúc, tam đa, tứ quý... Song, theo kinh nghiệm của những người trồng, dáng mẫu tử được ưa chuộng hơn cả.

Riêng tôi, không quá cầu kỳ về dáng cây. Đón về một cây quất rực rỡ quả vàng, lộc nõn, lá xanh, hoa trắng, tôi luôn cảm thấy yên lòng trước cái Tết đang cận kề. Cây quất xum xuê như thực như mơ, thắp sáng và sưởi ấm mảnh vườn con trước nhà, như một biểu tượng, một niềm mong ước.

Ra Giêng, nhà tôi vẫn còn quất, có năm đến T ết Đoan Ngọ quất mới chín những quả cuối cùng. Như một học trò nhỏ, nhìn cây tôi lại nhớ tới người trồng...

Nghiêm Huyền Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quat-canh-nghe-choi-cung-lam-cong-phu-152032.html