Quảng Ninh: Mùa du lịch với đa sắc màu khi vào Thu

Lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh đã tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022. Theo thống kê trong 2 ngày nghỉ lễ 2/9, Quảng Ninh đón khoảng 232.000 lượt du khách.

Trong đó, khách quốc tế ước đạt 12.600 lượt, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách lưu trú ước đạt 96.600 lượt, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu du lịch ước đạt 486 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Đền Cửa Ông luôn hút khách du lịch quanh năm. Ảnh CTV

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay có rất nhiều điểm du lịch đón lượng lớn du khách như: Vịnh Hạ Long đón khoảng 27.500 lượt khách, trong đó, khách quốc tế thăm vịnh đạt 6.300 lượt; Khu di tích danh thắng Yên Tử đón khoảng 3.100 lượt khách; Chùa Ba Vàng đón khoảng 4.500 lượt khách; Bảo tàng Quảng Ninh đón khoảng 12.000 lượt khách; tổ hợp khu vui chơi giải trí Sun world Hạ Long đón khoảng 30.000 khách. Khách Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt 6.359 lượt.

Chùa đồng Yên Tử. Ảnh CTV

Những năm qua Quảng Ninh luôn đứng tốp đầu trong việc khai thác các giá trị văn hóa du lịch. Trong đó phải kể đến các điểm du lịch tâm linh lớn như Cửa Ông, Yên Tử, khu di sản nhà Trần tại Đông Triều, Bạch Đằng… đón cả triệu du khách mỗi năm. Du khách không chỉ đi du lịch một mùa mà là cả bốn mùa trong năm.

Cùng với đó, các khu di sản nhà Trần tại Đông Triều, khu di tích Bạch Đằng tại Quảng Yên, khu di tích đền Cửa Ông – Cặp Tiên (Cẩm Phả, Vân Đồn) ngoài lượng khách mùa Xuân cũng đón rất nhiều đoàn du khách về tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa, dâng hương, làm lễ, trải nghiệm các hoạt động ý nghĩa được tổ chức tại đây. Trên địa bàn tỉnh, nhiều di tích đã được đưa vào hệ thống các tuyến, điểm du lịch của địa phương, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Đối với khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, lợi thế khai thác các giá trị văn hóa cho du lịch nằm chủ yếu ở các di sản văn hóa phi vật thể còn hiện hữu trong đời sống người dân. Các lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội truyền thống Vân Đồn, lễ Đại phan, lễ hội Kiêng gió, các phiên chợ vùng cao… cho tới các lễ hội văn hóa - thể thao - du lịch mới được tổ chức những năm gần đây ở nhiều địa phương, đều khai thác không gian tự nhiên rộng lớn, tươi đẹp gắn với đời sống văn hóa của đồng bào. Các giá trị văn hóa bản địa, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số được khơi dậy, được tôn vinh, lan tỏa khiến cho không chỉ đồng bào càng yêu thêm, trân trọng thêm truyền thống văn hóa của dân tộc mình mà du khách gần xa cũng thấy gần hơn với vùng cao, biên giới, hải đảo.

Gần đây nhất là các chương trình của Tuần Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc và Ngày hội Văn hóa các dân tộc Quảng Ninh tổ chức tại Tiên Yên, đã làm sống động vùng đất ngã ba sông với hàng loạt các chương trình hấp dẫn, trở thành ngày hội rực rỡ sắc màu văn hóa của đồng bào và du khách bốn phương.

Điểm hẹn du lịch Bình Liêu cũng gây ấn tượng đặc sắc cho du khách. Từ khoảng đầu tháng 10, hoa lau bắt đầu chớm nở như loài hoa báo hiệu Thu về của mảnh đất Bình Liêu. Dọc theo các tuyến đường lên tới các cột mốc, đặc biệt là mốc 1305 “sống lưng khủng long” vẻ đẹp từ các triền đồi đầy hoa lau trải dài ngút ngàn như tô điểm cho con đường thêm lãng mạn.

Mùa thu vàng ở Bình Liêu. Ảnh CTV

Nhắc đến mùa Thu ở Bình Liêu không thể không nhắc đến mùa lúa chín vàng trên những cánh đồng bậc thang nối tiếp nhau như những nấc thang lên trời. Những thửa ruộng đẹp nhất ở Bình Liêu tập trung ở bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt (xã Lục Hồn) khiến ai đặt chân đến vùng cao này cũng hỏi đường lên thăm. Ngoài ra, còn có ở bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), bản Ngàn Vàng, Ngàn Chuồng (xã Đồng Tâm... Khi ghé thăm các bản làng, bên cạnh việc ngắm nhìn cảnh sắc, du khách còn có cơ hội được tìm hiểu về văn hóa, bản sắc, nếp sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Dao, Tày, Sán Chỉ nơi đây.

Không chỉ có cảnh đẹp thiên nhiên, mây trời mời gọi du khách mà đến Bình Liêu vào dịp Thu cuối tháng 10 đầu tháng 11, du khách còn được hòa mình vào các hoạt động vui chơi sôi nổi, đậm màu sắc văn hóa của Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng năm 2023. Trải nghiệm các hoạt động như: Bay dù lượn “Bay trên mùa vàng”, giải chạy cung đường mùa vàng, giải leo núi chinh phục “Sống lưng khủng long”; giải bóng đá nữ Hội Mùa vàng; liên hoan trình diễn nghi lễ truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu; các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian… du khách sẽ được cảm nhận trọn vẹn về vẻ đẹp thiên nhiên và truyền thống văn hóa đặc sắc, riêng có của mảnh đất Bình Liêu tươi đẹp.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ninh-mua-du-lich-voi-da-sac-mau-khi-vao-thu.html