Quảng Ninh: Chú trọng đưa giáo dục STEM vào các cơ sở giáo dục

Đưa giáo dục STEM vào các cơ sở giáo dục là vấn đề đang được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh chú trọng, nhằm trang bị cho học sinh kiến thức đa lĩnh vực, các kỹ năng mềm, làm chủ công nghệ, khai thác công nghệ để giải quyết các vấn đề cuộc sống, trở thành công dân thực thụ trong xã hội 4.0.

Ngày hội STEM năm học 2022-2023 tại Trường THCS Chu Văn An (Cẩm Phả). Ảnh: YV

Ngày hội STEM năm học 2022-2023 tại Trường THCS Chu Văn An (Cẩm Phả). Ảnh: YV

STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức Khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Những năm gần đây, giáo dục STEM được Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực đưa vào áp dụng trong các trường học. Đây cũng được đánh giá là phương pháp giáo dục tiên tiến, là cơ hội khuyến khích khả năng sáng tạo, vận dụng tổng hợp kiến thức, tự học, tự nghiên cứu của học sinh, là cơ sở quan trọng để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ở cấp trung học, giáo dục STEM đã được các địa phương trong tỉnh thực hiện từ nhiều năm nay, bằng nhiều hình thức, trải nghiệm thực tế hoặc tổ chức các câu lạc bộ, gắn hoạt động STEM vào các cuộc thi. Đối với giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn thực hiện từ năm học 2022-2023; với cấp mầm non, một số trường đã bắt đầu đưa bài học STEM vào hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hạ Long) sáng tạo các mô hình trong giờ học chuyên đề STEM.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hạ Long) sáng tạo các mô hình trong giờ học chuyên đề STEM.

Đối với Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Hạ Long), từ năm học 2020-2021 giáo dục STEM đã được thực hiện thành công ở nhiều lớp, với nhiều sản phẩm đa dạng thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, toán...

Nhà trường cho biết, với giáo dục STEM, mỗi giờ học, học sinh được đặt trong tình huống thực tế và cần đưa ra phương án giải quyết liên quan đến kiến thức đã được học. Quá trình đó sẽ giúp các em áp dụng kiến thức toán, kỹ thuật, công nghệ và nghệ thuật vào giải quyết vấn đề thực tiễn một cách sáng tạo. Qua đó xây dựng môi trường học tập hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, mở ra cơ hội khám phá, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống, giúp định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Đưa giáo dục STEM vào trường học trong những năm học gần đây được thực hiện rất sáng tạo, linh hoạt, nội dung phong phú, như: Thông qua hình thức câu lạc bộ hoặc các hoạt động trải nghiệm thực tế; hoạt động nghiên cứu Khoa học kỹ thuật; dạy các môn học chính khóa theo bài học STEM... Đặc biệt là tổ chức các hoạt động trải nghiệm liên quan đến STEM và ứng dụng công nghệ trong dạy và học, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức vào thực tế để chế tạo làm các sản phẩm hữu ích.

Theo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, các chương trình ngoại khóa Ngày hội STEM đang được nhiều trường tổ chức thường xuyên, nhằm đưa phương pháp giáo dục này tiếp cận gần hơn với học sinh, coi đây là một giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy trong kỷ nguyên số.

Đơn cử như tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thành phố Cẩm Phả), ngày hội STEM hằng năm đã thu hút đông đảo học sinh tham gia với hàng trăm sản phẩm sáng tạo được thực hiện bởi học sinh. Năm học vừa qua, Ngày hội STEM của nhà trường đã xuất hiện nhiều mô hình, sản phẩm, như: Nhà nổi giúp phòng chống lũ lụt, máy bắn cầu lông, cây sơ đồ tư duy...

Tuệ Nhi

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/quang-ninh-chu-trong-dua-giao-duc-stem-vao-cac-co-so-giao-duc-179231206145757257.htm