Quảng Ngãi: Thúc đẩy chuyển đổi số để tiêu thụ nông sản

Xác định nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó có việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản.

Sự chủ động từ các chủ thể

Khát vọng đưa sản phẩm muối của quê nhà vươn xa, ngay từ thời gian đầu bắt tay khởi nghiệp, bà Phạm Thị Hồng Thắm (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) đã đầu tư chỉn chu cho sản phẩm muối Sahu.

“Sản phẩm được làm mã vạch rất sớm để dễ nhận diện. Nhờ đó, hiện nay các đại lý đưa lên sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada rất thuận lợi và được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại tôi cũng dự tính tập trung đẩy mạnh mảng quảng cáo số để thương hiệu được biết đến nhiều hơn”, bà Thắm chia sẻ.

Muối Sahu đã trở thành thương hiệu trên khắp cả nước.

Đến nay, muối Sahu là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao và trở thành thương hiệu trên khắp cả nước, có mặt trên kệ hàng gần 50 đại lý ở các tỉnh, thành. Nhiều sản phẩm muối hột, muối hầm, hoa muối, muối tre... rời Việt Nam xuất sang các nước.

Đang là chủ thể sở hữu nhiều sản phẩm OCOP 3 và 4 sao, bên cạnh việc tạo mã QR cho sản phẩm, HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) còn chú trọng quảng bá, tiêu thụ nông sản trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử như Lazada, Voso, Postmart...

Theo Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong, mã QR là công cụ hữu hiệu trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trước đây, khi chưa tạo mã QR, việc tạo dựng niềm tin với khách hàng gặp khó khăn vì họ không biết mình là ai, ở đâu, cơ sở sản xuất nấm quy mô thế nào.

Sau khi HTX tạo được mã QR và in lên sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần quét mã là có được thông tin về sản phẩm và nơi sản xuất. Từ đó, người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và mua nhiều hơn.

Mã QR là công cụ hữu hiệu trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

“Bán hàng trên các nền tảng số giúp chúng tôi ở nhà mà vẫn bán được hàng. Thậm chí, còn bán được nhiều sản phẩm hơn so với cách truyền thống là phải đi đến từng nhà, từng đại lý để chào hàng như trước đây”, ông Phong khẳng định.

Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ

Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá thương hiệu và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền trong tỉnh đến với khách hàng trong nước. Người tiêu dùng có thể tìm hiểu, nắm rõ những thông tin về sản phẩm và yên tâm tin tưởng lựa chọn.

Từ tháng 8/2021, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền lên sàn giao dịch điện tử Postmart. Hầu hết các sản phẩm đều tiêu thụ khá tốt. Riêng sản phẩm OCOP hành, tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng trong nước lựa chọn và tiêu thụ khá mạnh.

Sau 4 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Quảng Ngãi hiện ó 149 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 140 sản phẩm đạt 3 sao).

Triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua các sàn thương mại điện tử là xu hướng tất yếu, đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, tỉnh Quảng Ngãi đang đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất và tăng cường hỗ trợ để đưa tất cả những sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Postmart, Lazada, Shopee, Tiki...để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Xác định rõ vai trò của chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, thời gian qua, tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động này với mục tiêu đổi mới, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản địa phương.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số của Quảng Ngãi.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, mục tiêu quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp địa phương là đến năm 2025, tất cả các sản phẩm của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, sở đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng nông sản, mẫu mã bao bì của sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thông qua trang thông tin điện tử về nông thôn mới và chương trình OCOP.

Đồng thời, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh. Đến thời điểm này, tỉnh có hơn 70 sản phẩm OCOP được quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Quảng Ngãi dự kiến đưa 124 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao lên sàn giao dịch điện tử Postmart, Lazada, Shopee, Tiki... để mở rộng thị trường tiêu thụ. Phấn đấu tổng sản phẩm giao dịch sàn thương mại điện tử 2.000 sản phẩm/tháng.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-thuc-day-chuyen-doi-so-de-tieu-thu-nong-san.html