Quảng Ngãi tăng cường phòng chống đuối nước ở trẻ em

Hiện nay, thời tiết ở Quảng Ngãi bước vào cao điểm nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, nhất là việc trẻ em tự ý bơi, tắm tại những khu vực nước sâu nguy hiểm.

Quảng Ngãi tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Ngày 19-4, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tại huyện Bình Sơn đã xảy ra 2 vụ đuối nước, 2 trẻ tử vong; TP Quảng Ngãi xảy ra 2 vụ, 2 trẻ tử vong. Lũy kế từ năm 2019 đến nay, trên toàn tỉnh xảy ra 85 vụ, với 95 trẻ tử vong...

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân tỷ lệ vụ đuối nước vẫn còn cao và có chiều hướng gia tăng là do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt chỉ đạo công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em trên địa bàn quản lý; việc tổ chức dạy bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống đuối nước trẻ em còn hạn chế…

Nhằm bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em, kịp thời ngăn ngừa, hạn chế tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.

Xây dựng kế hoạch hàng năm, có giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học, để bảo đảm an toàn cho trẻ em, đặc biệt trong các tháng trước, trong Hè. Đồng thời, thực hiện việc rà soát, cải tạo, sửa chữa những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích đuối nước.

Huy động sự tham gia của các tổ chức hội, đoàn thể và người dân trong phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo truyền thông hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống đuối nước (25-7) hàng năm.

Đối với các cơ sở giáo dục, nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình quản lý, giáo dục học sinh; tuyên truyền, vận động gia đình đưa con em đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, giám sát con em trong thời gian không đến trường, quan tâm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, địa bàn nông thôn, miền núi.

Xây dựng và nhân rộng mô hình “Trường học an toàn”, “Mùa hè an toàn”, “Nhà trẻ mẫu giáo an toàn” để phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Tăng cường giáo dục thể chất, đảm bảo 100% các trường học triển khai các hoạt động ngoại khóa về kỹ năng sống, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối tại trường học, 100% trường học tổ chức để học sinh ký cam kết “Không tự ý đi bơi, lội nước khi không có người lớn đi cùng”…

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-ngai-tang-cuong-phong-chong-duoi-nuoc-o-tre-em-post736066.html