Mèo Vạc đảm bảo chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo

BHG - Xác định, đảm bảo chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là nhiệm vụ thiết yếu có vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, huyện Mèo Vạc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thống nhất các giải pháp đảm bảo chi đúng, chi đủ, chi kịp thời các chính sách pháp luật về GD&ĐT.

Trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; cơ sở vật chất, lớp học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; quy mô mạng lưới trường lớp được bố trí rộng khắp trên địa bàn với 53 trường học trực thuộc, trong đó: Mầm non 19 trường; Tiểu học 16 trường; THCS 16 trường; 2 trường PTDT BT TH&THCS với 8 nhóm nhà trẻ/160 học sinh (HS); Mầm non 312 lớp/7.653 HS; Tiểu học 492 lớp/13.662 HS; THCS 202/ 7.653 HS. Tổng biên chế cán bộ, giáo viên, nhân viên được giao năm 2023 là 1.607 người, số người đang thực hiện là 1.498 người với 1.215 người có trình độ chuyên môn đại học, chiếm trên 81%; 147 người có chuyên môn cao đẳng, chiếm gần 10%; trung cấp có 127 người, chiếm gần 9%. Để đảm bảo các chính sách pháp luật về GD&ĐT, huyện Mèo Vạc chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân về các chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với GD&ĐT; vai trò, tầm quan trọng của GD&ĐT đối với sự phát triển KT – XH; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các quy định pháp luật trong giáo dục để kịp thời sửa chữa những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ; ưu tiên các nguồn kinh phí thực hiện chương trình phát triển GD&ĐT; kêu gọi xã hội hóa cho ngành Giáo dục; kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định; chi trả đủ chính sách về tiền lương, tiền dạy thêm giờ, tiền phụ cấp, trợ cấp cho giáo viên và nhân viên cũng như các chính sách cho trẻ em, HS nghèo, HS vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn…

Giờ học hạnh phúc của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Niêm Sơn.

Năm học 2023 – 2024 Trường PTDT BT THCS Niêm Sơn có tổng 432 HS, trong đó: 100% HS được hưởng chính sách theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT; 60 HS được hưởng theo Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND ngày 15.7.2011 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ HS bán trú, HS nghèo; 286 HS được hưởng theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ HS và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Em Hoàng Văn Anh, HS lớp 9, Trường PTDT BT THCS xã Niêm Sơn, tâm sự: Kỳ I năm học 2023 – 2024 em được nhận 600 nghìn đồng, kỳ II 750 nghìn đồng về hỗ trợ chi phí học tập và 720 nghìn đồng cùng 15 kg gạo/tháng về hỗ trợ cho HS bán trú; các chính sách hỗ trợ đã phần nào giúp em yên tâm học tập, giảm bớt khó khăn cho gia đình, phấn đấu học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc Bùi Văn Thư, cho biết: Trong quý I năm 2024, huyện Mèo Vạc phân bổ trên 30 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo mới trên 50 phòng học; 26 phòng lưu trú cho HS; 85 phòng vệ sinh và công trình phụ khác; phân bổ 7,2 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách pháp luật về GD&ĐT, Phòng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo vận động, duy trì, đảm bảo tỷ lệ HS đến trường; công khai, minh bạch chi trả các chính sách theo quy định; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách; quán triệt, phổ biến các quy định về đạo đức, lối sống giúp nhà giáo ý thức được giá trị nghề nghiệp để luôn không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch năm học một cách linh hoạt, có tính khả thi, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của HS; thực hiện nghiêm túc việc đổi mới phương pháp dạy học và triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, đặc biệt là đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn...

Bằng sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị nên việc thực hiện chính sách pháp luật về GD&ĐT huyện Mèo Vạc được triển khai kịp thời. Từ đó chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; các trường từng bước xây dựng trường học theo hướng “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và hạnh phúc”.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202405/meo-vac-dam-bao-chinh-sach-phap-luat-ve-giao-duc-va-dao-tao-c15401c/