Quảng Ngãi: Nhiều tiềm năng phát triển vùng chuyên canh dược liệu

Miền núi của tỉnh Quảng Ngãi được đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, quý hiếm bởi thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi. Đây là tiềm năng để tỉnh phát triển vùng chuyên canh dược liệu.

Tại khu vườn trồng tam thất nam của anh Đinh Văn Pay (thôn Bà He, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) đã cho củ sau 1 năm trồng thử nghiệm. Với kết quả ban đầu này, anh Pay mong muốn cải thiện kinh tế gia đình. Cũng như anh Pay, nhiều hộ dân ở huyện Sơn Tây đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây dược liệu, như: cây địa liền, tam thất nam, gừng sẻ, sâm bảy lá, sả chanh, sa nhân, ba kích… đã mang lại tín hiệu khả quan.

Huyện Trà Bồng là 1 trong 4 vùng trồng quế trọng điểm của cả nước. Hiện nay, diện tích trồng quế ở Trà Bồng lên 5.200ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 1.600-2.000 tấn vỏ quế, trong đó có khoảng 70% xuất khẩu làm tinh dầu và đồ thủ công mỹ nghệ. Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 17 sản phẩm chiết xuất từ cây quế được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Quế Trà Bồng được xếp vào "Tứ đại danh dược". Ảnh: NGUYỄN TRANG

Vùng núi Cà Đam ở độ cao 1.400m so với mực nước biển cũng là nơi phù hợp để trồng các loại dược liệu như sâm bảy lá, thiên niên kiện, gừng gió, lan kim tuyến, sa nhân tím, trầm hương, thổ phục linh, sâm cau… Huyện Trà Bồng đã thử nghiệm thành công mô hình “Trồng cây gừng gió xen canh một số cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày”.

Ngoài quế, Trà Bồng cũng thử nghiệm một số loại cây dược liệu như cây đương quy tại thôn Tà Ót (xã Trà Tân) với quy mô 3.500m2 và 1.000m2 cây cát cánh. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hecta cát cánh hay đương quy có thể cho thu hoạch 100 triệu đồng/vụ/năm.

Cây đương quy đã phát triển tốt, thích nghi khí hậu miền núi tỉnh Quảng Ngãi

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng, cho biết: “Sang năm chúng tôi tiếp tục duy trì và xem lại mức độ sinh trưởng của cây dược liệu mới mạnh dạn đầu tư đại trà. Cây dược liệu có giá trị kinh tế và giá trị xã hội lớn, tuy nhiên yếu tố thị trường thì cần phải có đánh giá và có hợp tác lâu dài với đơn vị thu mua để ổn định đầu ra”.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi gồm 61 xã thuộc 5 huyện miền núi, có 187.000 người đồng bào dân tộc H’re, Ca Dong, Cor, chiếm khoảng 15% dân số toàn tỉnh. Với diện tích tự nhiên rộng lớn, khu vực này có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đặc biệt là tiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu

Ngày 12-9, ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có kiến nghị gửi Bộ Y tế xem xét, chọn dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Trà Bồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025.

Theo đó, nhu cầu vốn để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021- 2025 gần 60 tỷ đồng. Tổng diện tích quy hoạch thực hiện dự án hơn 2.300ha thuộc các xã Sơn Trà, Trà Phong, Trà Bùi, Trà Tây, Trà Thanh, Hương Trà (huyện Trà Bồng). Về chủng loại cây dược liệu triển khai dự án đã xác định có 15 chủng loại dược liệu quý có giá trị phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa bàn huyện, như: quế, sâm Việt Nam, sâm cau, gừng gió, đẳng sâm Việt Nam, sâm bảy lá, tam thất, thảo quả…

Cây cát cánh ra hoa màu tím trên vùng đất miền núi tỉnh Quảng Ngãi

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-ngai-nhieu-tiem-nang-phat-trien-vung-chuyen-canh-duoc-lieu-post705458.html