Quảng Ngãi: hơn 3.000 ha đất nông nghiệp có nguy cơ gặp hạn

Dự báo vụ Hè Thu 2024, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp có nguy cơ gặp hạn, trong đó có khoảng 2.000 ha lúa, còn lại là các cây trồng khác.

Nguy cơ cao

Hồ chứa nước Đá Bạc (xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được xây dựng từ những năm 1980. Qua hơn 40 năm sử dụng, công trình này đã hư hỏng, xuống cấp.

Mực nước hồ Đá Bạc cạn dần dù mới đầu mùa khô.

Khu vực xung quanh, một số hộ dân trồng keo xâm lấn làm cho lòng hồ bị thu hẹp. Thêm vào đó là nắng nóng gay gắt đầu mùa khiến mực nước trong hồ cạn dần, gây khó khăn cho nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Quang Nữa (thôn Tây Phước 1, xã Bình An) có 4 sào lúa, nhưng nhiều năm qua chỉ có thể canh tác vào vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu đành phải bỏ hoang thì thiếu nước tưới.

“Đến giữa tháng 4 là hồ Đá Bạc cạn nước nên chỉ còn cách bỏ ruộng để cỏ dại mọc. Giờ có chuyển sang trồng cây gì thì cũng phải dùng đến nước”- ông Nữa nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình An Võ Thanh Quang, trên địa bàn xã có 4 hồ, đập chứa nước gồm: hồ chứa nước Đá Bạc, Hóc Bó, Long Đình, đập Tuyền Tung và một số hồ, đập nhỏ khác. Tuy nhiên, các hồ đập đều được xây dựng từ giai đoạn 1980-1990 nên hiện đã bị xói mòn, sạt lở, khả năng giữ nước kém.

“Nếu như vụ Đông Xuân toàn xã có 120 ha trồng lúa thì đến vụ Hè Thu giảm xuống còn khoảng 100 ha. Địa phương đã chủ động hướng dẫn người dân chuyển sang trồng bắp, đậu phộng, nhưng do nguồn nước hạn hẹp, sản lượng thu hoạch không đạt nên người dân ngại xuống giống”- ông Quang cho hay.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, trong tổng số 807 công trình hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì có 196 công trình được xây dựng từ những năm 1989 trở về trước.

Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư, sửa chữa, nâng cấp khoảng 58 hồ chứa nước, hiện đang triển khai đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 11 hồ chứa nước. Mặc dù vậy, vẫn còn 21 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi dự báo, từ tháng 3 đến tháng 8/2024, lượng mưa trên địa bàn tỉnh sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 6 khiến mực nước trên các sông giảm dần, dẫn đến nguy cơ cao thiếu nước phục vụ dân sinh, sản xuất vụ Hè Thu.

Theo kế hoạch, vụ Hè Thu năm 2024, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ngãi hơn 49.727 ha, trong đó có hơn 34.754 ha lúa và 14.974 ha cây trồng khác. Trong vụ, dự kiến tổng diện tích sản xuất nông nghiệp có khả năng bị hạn là hơn 3.000 ha, trong đó có khoảng 2.000 ha lúa, còn lại là các cây trồng khác.

Chủ động chống hạn

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng, trước nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn trong vụ Hè Thu 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Theo đó, sẽ tận dụng tối đa nguồn nước mặt, nước ngầm, nước hồi quy để trữ vào các ao, hồ, kênh chìm, kênh tiêu, phục vụ chống hạn kịp thời, hiệu quả.

Điều tiết, phân phối nước kịp thời đến các vùng bị hạn; áp dụng các biện pháp tưới luân phiên, tưới ướt-ráo; ưu tiên vùng xa tưới trước, vùng gần tưới sau; bảo đảm nước theo nhu cầu và phù hợp với thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây trồng. Ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nước uống cho gia súc và các vùng lúa trọng điểm của tỉnh.

Đối với giải pháp phi công trình, các địa phương, đơn vị liên quan cần tập trung rà soát vùng tưới của các hồ chứa hiện có dung tích nước còn lại trong hồ đạt thấp (nhất là các hồ chứa nước lớn ở thị xã Đức Phổ và hồ chứa quy mô nhỏ ở huyện Bình Sơn) để triển khai các biện pháp phòng chống hạn phù hợp với tình hình thực tế.

Hồ chứa nước Liệt Sơn.

“Trong trường hợp công trình thủy lợi Thạch Nham hoặc Liệt Sơn không bảo đảm đủ nước tưới thì chủ động điều tiết nước từ hồ chứa nước Núi Ngang vào hệ thống kênh chính nam sông Vệ, Liệt Sơn để hỗ trợ chống hạn cho huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ. Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước đối với khu tưới hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham, các đơn vị liên quan điều tiết nước hợp lý từ hồ chứa nước Đakđrinh để cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phù hợp theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc”- ông Hùng nói.

Những vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt như huyện đảo Lý Sơn, khu đông huyện Bình Sơn, các xã ven biển huyện Mộ Đức, thị xã Đức Phổ, các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành xây dựng kéo dài tuyến ống cấp nước, khoan giếng lấy nước ở tầng sâu, từng bước thay thế nguồn nước từ tầng nông ở những vùng cạn kiệt do hạn hán.

Ở những vùng sản xuất xảy ra hạn hán quy mô lớn, tổ chức lắp đặt các cụm máy bơm dã chiến dọc theo sông để cấp nước chống hạn. Đóng giếng, lắp đặt trạm bơm điện tại khu tưới để chống hạn, duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất; nạo vét, sửa chữa kênh mương; đóng kín cửa cống lấy nước và các phai tràn, cống xả cát; không để rò rỉ, thẩm lậu nước, hạn chế xâm nhập mặn.

Đập ngăn mặn Trà Bồng đóng vai trò điều tiết, phân phối nước cho khoảng 200 ha đất sản xuất nông nghiệp ở xã Bình Dương (huyện Bình Sơn).

Đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi để kịp thời đưa vào sử dụng, tải nước phục vụ sản xuất năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn hợp lý để chủ động phòng chống hạn hán, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong mùa khô năm 2024.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-hon-3-000-ha-dat-nong-nghiep-co-nguy-co-gap-han.html