Quảng Nam nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước

Khi mới tái lập, Quảng Nam là một trong những tỉnh nghèo ở khu vực miền trung với hệ thống kết cấu hạ tầng còn tạm bợ, thiếu thốn; tỷ lệ hộ nghèo cao và nguồn thu ngân sách hằng năm chỉ hơn 120 tỷ đồng. Đến nay, Quảng Nam đã có những bước đi khá ấn tượng trong quá trình xây dựng và phát triển. Nhân dịp hướng đến kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí PHAN VIỆT CƯỜNG, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam (ảnh nhỏ) chung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Từ xuất phát điểm là một trong những tỉnh nghèo ở khu vực miền trung, đến nay, Quảng Nam đã có những bước đi khá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, vậy đâu là những thành tựu nổi bật, thưa đồng chí?

Đồng chí (Đ/c) Phan Việt Cường: Trước hết, phải khẳng định rằng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Ngay từ khi mới tái lập, lãnh đạo tỉnh đã xác định phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp (CN) – dịch vụ. Theo đó, tỉnh đã mạnh dạn thành lập Khu CN Điện Nam – Điện Ngọc và hình thành một số khu, cụm CN tại các vùng trọng điểm. Đặc biệt, năm 2003, tỉnh đã đề xuất Chính phủ thành lập Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai. Và để tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, từ năm 2010, Quảng Nam đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư, coi đây là ba nhiệm vụ đột phá để phát triển Quảng Nam cơ bản thành tỉnh CN. Trong đó, luôn ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là tập trung xây dựng, nâng cấp mạng lưới giao thông. Gần đây, nhiều công trình trọng điểm như: Cầu Cửa Đại, cầu Kỳ Phú 1 và 2, đường Nam Quảng Nam, quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Đông Trường Sơn; rồi hệ thống cầu: Gò Nổi, Ái Nghĩa, Giao Thủy… đã được đầu tư xây dựng và từng bước đưa vào sử dụng. Nhờ có bước đi thích hợp, cho nên từ một địa phương có hệ thống hạ tầng yếu kém trong khu vực, đến nay, Quảng Nam đã xây dựng được một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối khá. Hiện tại, hệ thống giao thông, điện, trường học, trạm y tế và hệ thống thông tin liên lạc đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản, hàng hóa. Tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội toàn tỉnh đạt hơn 76 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng hai lần so với giai đoạn 2006 - 2010.

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư. Đến nay, tất cả các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành một số cơ chế khuyến khích đầu tư trong việc phát triển CN - tiểu thủ CN; thường xuyên tổ chức đối thoại, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Mới đây, Quảng Nam đã quyết định thành lập Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh nhằm giải quyết kịp thời thủ tục, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư tại địa phương. Điều dễ nhận thấy, từ khi hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, tuy tình hình trong nước và thế giới gặp khó khăn, nhưng đã có nhiều nhà đầu tư và nhất là có nhiều dự án mới được triển khai tại Khu KTM Chu Lai và các khu, cụm CN trên địa bàn tỉnh.

PV: Thưa đồng chí, thời gian qua, các chính sách ưu đãi đối với phát triển Khu KTM Chu Lai đã có nhiều thay đổi; một số chính sách ưu đãi của Trung ương dành cho khu kinh tế này đã hết hiệu lực, vậy việc thu hút đầu tư vào đây hiện nay ra sao?

Đ/c Phan Việt Cường: Sau khi các chính sách ưu đãi đặc thù cho Khu KTM Chu Lai không còn hiệu lực, việc thu hút đầu tư vào đây bị chững lại. Nhiều dự án đang triển khai bị dở dang, nhiều dự án treo quá lâu phải thu hồi và có nhiều nhà đầu tư phải “chia tay” với Khu KTM Chu Lai. Tuy nhiên, sau khi tình hình khủng hoảng kinh tế đi qua, cùng với các chính sách của Trung ương, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Do vậy, vài năm gần đây, việc thu hút đầu tư trở nên "ấm" lại, nhiều dự án mới được cấp phép, triển khai. Tính đến nay, đã có 110 dự án được cấp phép đầu tư vào Khu KTM Chu Lai, với tổng vốn đăng ký hơn 2,021 tỷ USD; trong đó, có 70 dự án được đầu tư và đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư gần 900 triệu USD. Bước đầu, các doanh nghiệp tại đây đã giải quyết việc làm cho khoảng 12 nghìn lao động, trong đó 90% là người dân địa phương. Đặc biệt, Công ty CP Ô-tô Trường Hải (THACO) - một doanh nghiệp đã xúc tiến đầu tư vào Khu KTM Chu Lai ngay từ khi mới thành lập, nay trở thành đơn vị có quy mô đầu tư lớn nhất tại đây. Mới đây, THACO đã khởi công dự án Khu CN cơ khí ô-tô Chu Lai - Trường Hải mở rộng trên diện tích 210 ha và xây dựng hai tuyến đường nối từ cảng Tam Hiệp đến khu công nghiệp và đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; đồng thời xúc tiến nhiều dự án lớn nhằm mở rộng quy mô sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, đón đầu hội nhập. Đến nay, THACO đã hình thành khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai - Trường Hải (tại huyện Núi Thành) gồm 24 nhà máy trên diện tích đất gần 400 ha, với tổng vốn đầu tư gần 28.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần tám nghìn công nhân…

Phải nói rằng, dù chưa đạt được kết quả mong muốn, nhưng chính sự hình thành của Khu KTM Chu Lai đã góp phần thúc đẩy kinh tế toàn tỉnh phát triển. Năm năm qua, kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô được nâng lên đáng kể; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân gần 11,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 41,4 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân khoảng 15,2%/năm, trong đó, thu nội địa tăng bình quân 22%/năm và thu xuất, nhập khẩu tăng bình quân 6,1%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP giảm từ 22,4% (năm 2010) xuống còn khoảng 16%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 39,4% lên khoảng 42% và dịch vụ tăng từ 38,2% lên khoảng 42% vào năm 2015. Giá trị sản xuất CN và xây dựng duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 14,7%/năm; tổng giá trị xuất khẩu tăng bình quân hơn 22%/năm; giá trị sản xuất của các ngành dịch vụ tăng bình quân hơn 15,3%/năm... Nhờ sản xuất phát triển, cho nên trong năm năm qua, đã giải quyết việc làm mới cho hàng trăm nghìn lao động; tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 40% lên 50%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 24% xuống còn 12,9% (theo tiêu chí mới).

PV: Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Nam trong phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách. Được biết, đến nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đã vượt qua con số 15 nghìn tỷ đồng/năm. Vậy theo đồng chí, nguồn thu ngân sách tại địa phương những năm gần đây tăng lên là do đâu?

Đ/c Phan Việt Cường: Như tôi đã đề cập, thời gian gần đây, do nhiều dự án được triển khai, nhiều nhà máy được đưa vào hoạt động. Từ chỗ sản xuất, kinh doanh phát triển, bước đầu đã tạo khối lượng hàng hóa có giá trị lớn, doanh thu tăng, theo đó, nguồn thu thuế nội địa và xuất khẩu cũng tăng lên đáng kể. Điều đáng mừng là, khi mới tái lập (năm 1997), nguồn thu chỉ đạt hơn 120 tỷ đồng, đến nay, Quảng Nam đã trở thành tỉnh khá trong thu ngân sách của cả nước. Năm 2015, tổng thu các khoản thu nội địa và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt hơn 14.476 tỷ đồng (tăng hơn 5.800 tỷ đồng so với năm 2014), trong đó thu từ các đơn vị trực thuộc THACO chiếm 69%. Và cũng như năm ngoái, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng sản xuất CN tăng khá; trong đó, mặt hàng ô-tô tăng hơn 40%. Theo đó, nguồn thu thuế các loại cũng tăng trưởng khá ấn tượng. Tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh thu ngân sách Nhà nước hơn 16 nghìn tỷ đồng, vượt 20% dự toán trên giao (tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái); trong đó, thu nội địa gần 11 nghìn tỷ đồng (tăng 48%), thu xuất nhập khẩu gần 4.900 tỷ đồng (tăng 31%). Dự kiến kết thúc năm 2016, ngân sách tỉnh thu hơn 20 nghìn tỷ đồng; trong đó, thu từ THACO khoảng 15 nghìn tỷ đồng.

PV: Qua số liệu này cho thấy, thời gian qua, nguồn thu ngân sách Quảng Nam tăng lên chủ yếu dựa vào ngành cơ khí ô-tô. Vậy, liệu nguồn thu của địa phương có được bền vững không khi tới đây, lộ trình cắt giảm thuế hoàn tất vào năm 2018 với mức thuế suất về 0% đối với mọi xe nhập khẩu từ ASEAN, thưa đồng chí?

Đ/c Phan Việt Cường: Chắc chắn, khi lộ trình cắt giảm thuế được hoàn tất, ngành cơ khí ô-tô Việt Nam nói chung và ngành sản xuất và lắp ráp ô-tô tại Quảng Nam nói riêng sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, tỉnh Quảng Nam và THACO đã xúc tiến đầu tư Nhà máy Mazda (công suất 50.000 xe/năm) và Nhà máy Hyundai (công suất 100.000 xe/năm), với tỷ lệ nội địa hóa 40% nhằm bảo đảm cạnh tranh trong nước và khu vực ASEAN. Mặt khác, để duy trì và phát triển các mặt hàng sản xuất CN trên địa bàn, ổn định nguồn thu, nhất là bảo đảm việc làm cho người lao động, tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện ba nhiệm vụ đột phá gắn với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng CN, dịch vụ; huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Theo đó, sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động và nguồn thu ngân sách. Đối với ngành cơ khí ô-tô, thời gian tới, THACO cần tiếp tục phát huy nội lực, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; đồng thời chủ động nắm bắt cơ hội, chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập và cạnh tranh với các sản phẩm trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, trong khi ngành CN ô-tô Việt Nam còn non trẻ, việc sản xuất, lắp ráp ô- tô tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, ô-tô là loại hàng hóa có kích thước lớn, việc vận chuyển không dễ dàng và chi phí cao, cho nên khi quy mô thị trường nội địa đủ lớn, các nhà sản xuất ô-tô sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp và phát triển hệ thống nhà cung cấp tại nước sở tại để phục vụ thị trường trong nước. Do vậy, vấn đề phát triển CN ô-tô cần phải có chiến lược, giải pháp dài hạn, ổn định và nhất quán để tạo cơ hội thu hút vốn, nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến và kinh nghiệm quản trị từ các quốc gia có nền CN phát triển. Qua đó, đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời tạo ra tác động lan tỏa, kéo theo sự phát triển của các ngành CN hỗ trợ và ngành CN cơ khí khác nhằm đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu sang các nước ASEAN. Theo tôi, cần sớm xem xét, bổ sung “sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô-tô” vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tiếp tục duy trì sản xuất, ổn định nguồn thu ngân sách và bảo đảm việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong cả nước.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Dự kiến năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (theo giá so sánh) ước đạt 60.515 tỷ đồng (tăng 14,56% so với năm 2015); GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 51,94 triệu đồng. Tỷ trọng CN - xây dựng và dịch vụ chiếm 84,06% trong GRDP và tỷ trọng ngành nông nghiệp còn khoảng 15,9%. Giá trị sản xuất CN và xây dựng tăng 12,2%, tổng giá trị xuất khẩu đạt 635 triệu USD, giá trị sản xuất của các ngành dịch vụ tăng 9,4% (so với năm 2015). Trong năm 2016, đã giải quyết việc làm mới cho 40 nghìn lao động, góp phần tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lên 51,88%...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31204402-quang-nam-no-luc-phan-dau-tro-thanh-tinh-kha-cua-ca-nuoc.html