Quảng Nam: Nhiều huyện không có nhu cầu tuyển dụng sinh viên cử tuyển

Năm 2009, tỉnh Quảng Nam được Bộ Giáo dục đào tạo giao 239 chỉ tiêu cử tuyển cho các hệ Đại học, Cao đẳng và Trung cấp. Trên cơ sở đó và căn cứ theo tình hình thực tế của từng địa phương, Hội đồng tuyển sinh tỉnh đã phân bổ cho 9 huyện, thành phố.

Theo đó, huyện Nam Giang có 48 chỉ tiêu, Tây Giang 40 chỉ tiêu, Đông Giang 28, Phước Sơn 36, Bắc Trà My 27, Nam Trà My 9, thành phố Tam Kỳ 7, Hiệp Đức 1 và Núi Thành 1. Về Cao đẳng, huyện Đông Giang có 11 chỉ tiêu, Phước Sơn 7, Nam Trà My 15. Chỉ tiêu Trung cấp, huyện Phước Sơn có 1 hồ sơ. Nhưng hầu hết các địa phương đều đề nghị chỉ tiêu xét tuyển thấp hơn chỉ tiêu được phân bổ. Theo đó, huyện Bắc Trà My chỉ đề nghị xét tuyển 22 chỉ tiêu trên tổng số 28 chỉ tiêu phân bổ; huyện Đông Giang chỉ đề nghị 18 chỉ tiêu Đại học và 11 chỉ tiêu Cao đẳng trên tổng số 41 chỉ tiêu phân bổ. Nguyên nhân là do các địa phương không có nhu cầu sử dụng cán bộ ở một số ngành nên nếu đưa đi đào tạo dẫn đến việc sau này các em ra trường sẽ không có chỗ sử dụng. Trong khi đó các huyện khác như Nam Trà My, Hiệp Đức, Núi Thành cũng rơi vào tình cảnh tương tự nhưng lại do một nguyên nhân khác, là thiếu nguồn tuyển sinh. Tại huyện Nam Trà My, trong khi chỉ tiêu giao là 46 nhưng địa phương chỉ xét được 24 chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục đào tạo cho biết: chưa bao giờ số lượng chỉ tiêu cử tuyển lại thừa nhiều như năm 2009, nhất là chỉ tiêu Đại học . Trong số 9 huyện, thành phố thuộc diện cử tuyển thì chỉ có 4 địa phương xét đủ 100% chỉ tiêu, còn lại 5 địa phương không đăng ký đến 54 chỉ tiêu, gồm 32 Đại học, 13 Cao đẳng và 9 Trung cấp. Để con em đồng bào dân tộc thiểu số không mất quyền lợi nhờ chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho giáo dục đào tạo, Hội đồng tuyển sinh tỉnh đã quyết định chuyển chỉ tiêu mà các huyện không đăng ký sang các địa phương khác có nhu cầu. Theo Sở Giáo dục - Đào tạo, năm nay số lượng học sinh đăng ký cử tuyển khá đông với 357 hồ sơ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có lý do “không có nhu cầu tuyển dụng” mà một số địa phương không xét tuyển cho học sinh dẫn đến sự thiệt thòi của các em. Đây cũng là một trong những vấn đề cần xem xét lại trong công tác đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho khu vực miền núi, bởi lẽ nếu không tập trung đào tạo nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn cho con em đồng bào dân tộc thiểu số thì rất khó cải thiện tình trạng cán bộ miền núi thiếu và yếu như hiện nay./

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=370887&co_id=30077