Quang Hào - Giám đốc nhà hát Trưng Vương: 'Nhận chức chỉ là bước đầu'

Á quân Sao Mai 2005, Quang Hào chính thức trở thành Giám đốc nhà hát Trưng Vương, TP.Đà Nẵng từ đầu năm 2017. Trước đó, anh tự ứng cử và vượt qua ba ứng cử viên khác. Do tuổi còn khá trẻ nên việc đảm nhiệm cương vị mới khiến dư luận vẫn còn lắm hoài nghi. Tuy nhiên, nam ca sĩ chia sẻ, anh không sợ dư luận xấu về mình.

- Thông tin Quang Hào được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Trưng Vương đang được nhiều khán giả quan tâm. Riêng anh thì thế nào?

Niềm vui hòa lẫn lo lắng về trọng trách nặng nề sắp tới. Trước khi quyết định ứng cử, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi là con em của Đà Nẵng và là thành viên của đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng, khi biết chính quyền có ý thi tuyển quyền Giám đốc Nhà hát, tôi rất vui. Bởi, như thế, thành phố có thể tìm được người phù hợp.

Từ trước đến nay, Nhà hát được bao cấp, Thành ủy nhận thấy nó là gánh nặng cho ngân sách nên quyết định đẩy nhanh việc xã hội hóa. “Đề thi” là giảm dần chi phí ngân sách thành phố đối với Nhà hát và đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng, làm sao đến năm 2020 sẽ tự chủ hoàn toàn về kinh tế. Tôi nghĩ, có phần may mắn khi phương án của mình đã được chấp nhận. Nhận chức chỉ là bước đầu. Điều quan trọng là mình sẽ làm được gì trong thời gian sắp tới. Tôi nghĩ, mình phải cố gắng hơn rất nhiều.

Nam ca sĩ Quang Hào.

- Được biết, ba ứng cử viên còn lại là những người nổi tiếng trong hoạt động nghệ thuật. Có lẽ, anh phải có bí quyết riêng mới vượt qua được những ứng cử viên này?

Là một người hoạt động tại đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng, tôi là người thấu hiểu ưu và nhược điểm của nhà hát Trưng Vương. Hiện tại, nhà hát có rất nhiều hạn chế như trang thiết bị cũ, chương trình chưa có sự đổi mới, địa điểm đắc địa nhưng không được mở rộng... Tuy nhiên, nhà hát cũng có nhiều ưu điểm như khá đẹp, số lượng ghế nhiều so với nhà hát tại các thành phố khác.

Đặc biệt, anh chị em nghệ sĩ trong đoàn rất đoàn kết và quyết tâm thay đổi. Đà Nẵng là thành phố phát triển du lịch nên cần thiết phát triển về văn hóa nghệ thuật. Hướng đi quan trọng là nâng cao chuyên môn của Nhà hát cũng như đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng. Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng những chương trình ca nhạc có chất lượng để thu hút khán giả.

Qua quan sát, tôi tin, người Đà Nẵng sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé để đến rạp hát nếu chương trình chất lượng và khi đã tạo được lòng tin.

- Như anh nói, hai yếu tố chương trình chất lượng và tạo được lòng tin cho khán giả là tiên quyết. Tuy nhiên, điều này nói thì dễ nhưng làm là cả một vấn đề lớn?

Nâng cao chất lượng, trước hết từ những việc nhỏ như khi ca sĩ lên sân khấu, micro phải bắt giọng, âm thanh chuẩn... Từ những yếu tố này, ca sĩ mới có cảm hứng biểu diễn. Giúp nhà hát đỏ đèn nhiều, tạo không khí nghệ thuật thường xuyên cũng sẽ gây hiệu ứng tốt, tạo thói quen cho khán giả...

Trước đây, với mong muốn hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, sở thích thưởng thức của khán giả, tôi tự nguyện đi bán vé giúp các đơn vị ở bên ngoài thuê nhà hát tổ chức chương trình. Từ những lần đó, tôi hiểu khán giả cần gì, với mức thu nhập nào khán giả sẽ mua vé ở hàng ghế ấy... Hay dòng nhạc nào sẽ thu hút được khán giả... Tôi sẽ dần áp dụng những kinh nghiệm mình có được để giúp phát triển Nhà hát. Bây giờ, nói thì vẫn còn quá sớm. Tôi mong, mọi người hãy nhìn vào hành động của tôi và những chuyển biến của Nhà hát trong thời gian tới. Lúc ấy, mọi người đánh giá vẫn chưa muộn.

Mảnh đất Quảng Nam- Đà Nẵng sinh ra nhiều người thành công trong con đường văn hóa nghệ thuật. Quang Hào có dự tính sẽ mời những người ấy về để khuấy động hoạt động văn nghệ?

Chắc chắn rồi. Ngay sau khi thông tin tôi giữ quyền giám đốc nhà hát, nhiều ca sĩ như Nam Cường, Tố My... đã nhắn tin, gọi điện ngỏ ý, nếu có chương trình phù hợp sẽ về góp mặt. Ngoài ra, trong thời gian tới, tôi sẽ mời các nghệ sĩ hot là con em của Quảng Nam – Đà Nẵng như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Trường Giang... tham gia chương trình do Nhà hát tổ chức.

Tôi tin, dù các nghệ sĩ này khá bận rộn nhưng sẽ tạo điều kiện để biểu diễn trước khán giả quê nhà. Ngoài ra, tôi cũng sẽ mời các nghệ sĩ được yêu thích để phục vụ khán giả. Tôi chỉ hy vọng, mọi người sẽ ủng hộ tôi cũng như anh chị em nghệ sĩ để Nhà hát có thể sáng đèn định kỳ, phát triển bền vững...

Không sợ dư luận xấu

- Đối với một chương trình văn hóa nghệ thuật, ngoài chất lượng, truyền thông là yếu tố quan trọng để khán giả biết đến. Thế nhưng, các chương trình tại nhà hát Trưng Vương từ trước đến nay thường khá lặng lẽ?

Đây cũng là trăn trở của Quang Hào khi tiếp nhận Nhà hát. Là một ca sĩ hoạt động nhiều năm, tôi hiểu, truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng. Khi còn ở Hà Nội, chỉ cần nhìn vào poster của chương trình là tôi có thể nhận định việc thu hút khán giả đến sân khấu nhiều hay ít.

Lúc về Đà Nẵng, tôi cũng đã góp ý khá nhiều cho các bầu show khi tổ chức chương trình về điều này. Bởi, một show có thể thành công hay không phải được trau chuốt, chú trọng từng chi tiết, đầu tiên là poster, truyền thông... Nếu chương trình đầu tư lớn, chất lượng mà không thu hút được khán giả thì chắc chắn không được xem là thành công.

Từ trước đến nay, các chương trình văn hóa nghệ thuật tại Đà Nẵng chưa đánh giá đúng về giá trị của truyền thông. Do đó, dù có những chương trình khá chất lượng biểu diễn ở nhà hát Trưng Vương nhưng số lượng khán giả đến không nhiều. Trong khoảng thời gian tới, tôi sẽ đẩy mạnh hơn vấn đề này.

Quang Hào trên sân khấu âm nhạc.

- Thời gian qua, dư luận xôn xao về nhân sự được đề bạt khi tuổi còn trẻ. Năm nay, Quang Hào mới 37 tuổi lại tự ứng cử và được đề bạt làm giám đốc. Anh có sợ những ý kiến trái chiều?

Là ca sĩ hát nhạc truyền thống, hoạt động nghệ thuật trong nhiều năm với các môi trường khác nhau, tôi hiểu rất rõ ý kiến, quan điểm của khán giả. Một bài hát không thể thỏa mãn được tất cả mọi người.

Ngay khi tôi hát nhạc truyền thống, nhiều người cũng từng khuyên nên thay đổi dòng nhạc để có thể thu hút được khán giả nhiều hơn. Nhưng, tôi biết, dòng nhạc của mình có lượng khán giả riêng và nghe một cách âm thầm chứ không tung hô như các bạn trẻ. Hay, lúc tôi làm giảng viên tại trường Nghệ thuật Quân đội, được đề bạt lên Phó chủ nhiệm khoa.

Cùng lúc, tôi gặp chú Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) và được mời về công tác tại Đà Nẵng. Tôi suy nghĩ nhiều trước khi nhận lời. Nhiều người cũng cho rằng, quyết định của tôi là không khôn ngoan. Đến nay, tôi không dám nghĩ quyết định của mình là đúng, nhưng đó là việc làm theo con tim, về để cống hiến cho quê hương.

Ý kiến trái chiều về việc tôi làm giám đốc chắc chắn không tránh khỏi. Tôi không sợ dư luận xấu về mình. Tôi nghĩ, đó là hiệu ứng tốt. Mình chỉ sợ dư luận khi làm điều gì đó xấu. Trong khi đó, tôi tin tưởng vào con người của mình. Tôi nghĩ, mọi thứ theo thời gian sẽ được chứng minh.

- Làm giám đốc, anh có ngại trước những lời mời chạy show? Bởi, ít ra, mình đã có chức vụ và trách nhiệm khác?

Khi tiếp nhận quyền giám đốc, tôi cũng có suy nghĩ về điều này. Tôi xin ý kiến từ những anh chị có kinh nghiệm tương tự như Tấn Minh... Và, tôi rút ra được, cương vị mới là trách nhiệm đối với tập thể. Trong khi đó, ca hát là con người của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều khi đứng trên sân khấu.

Chắc chắn, tôi sẽ không bỏ ca hát. Tôi sẽ song hành hai công việc này. Do đó, sức làm việc của tôi phải nhiều hơn trước gấp đôi, thậm chí gấp ba. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tôi sẽ lựa chọn những chương trình phù hợp để tham gia, làm sao không ảnh hưởng đến danh tiếng, bộ mặt của tập thể.

HUY CƯỜNG

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/giai-tri/nguoi-trong-cuoc/quang-hao-giam-doc-nha-hat-trung-vuong-nhan-chuc-chi-la-buoc-dau-a180579.html