Quảng cáo trên địa bàn TPHCM - thực trạng, giải pháp và kinh nghiệm quốc tế

Sáng 29-9, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM phối hợp với Sở VH-TT, Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia TPHCM) và Hội Quảng cáo TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học 'Quảng cáo trên địa bàn TPHCM - thực trạng, giải pháp và kinh nghiệm quốc tế'.

Các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM; Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM; PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia TPHCM), chủ trì hội thảo.

Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Thường trực HĐND TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, các sở ngành thành phố, UBND các quận huyện, TP Thủ Đức, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp quảng cáo.

Nhiều bất cập, hạn chế trong khai thác, quản lý, phát triển hoạt động quảng cáo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định, thời gian qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, quản lý Nhà nước về lĩnh vực quảng cáo. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, khó khăn, ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp trong tổ chức các hoạt động quảng cáo ngoài trời; việc rà soát và đưa ra phương án xử lý đối với những sai phạm về quảng cáo, có nơi, có chỗ làm chưa đúng. Chính vì đó, HĐND TPHCM đã có phiên giải trình tại phiên họp HĐND TPHCM về hiệu quả quản lý Nhà nước về quảng cáo trên địa bàn.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc hội thảo

Qua khảo sát kết quả thực hiện sau phiên giải trình này, cho thấy còn nhiều bất cập, cần khắc phục những hạn chế và đưa ra những giải pháp thời gian tới. Trong đó, việc xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý giữa các sở ngành và địa phương thiếu đồng bộ; việc lắp đặt các bảng hiệu quảng cáo chưa đồng bộ, còn nhiều vi phạm về kích thước, che chắn, lấn chiếm không gian, vỉa hè, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, cản trở giao thông; tình trạng dán tờ rơi quảng cáo sai quy định vẫn còn; chưa có giải pháp hiệu quả trong quản lý quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội; công tác kiểm tra, xử lý sai phạm chưa quyết liệt, gây thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước…

Tại hội thảo, các đại biểu đều tập trung vào đánh giá thực trạng quảng cáo trên địa bàn TPHCM, những hạn chế, khó khăn trong hoạt động quảng cáo và truyền thông báo chí giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay; sự lãng phí, kém hiệu quả trong khai thác các hoạt động quảng cáo đa phương tiện, đặc biệt là trên không gian mạng và các phương tiện báo chí, truyền thông.

Theo TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, đến năm 2020, TPHCM có 6.084 doanh nghiệp hoạt động quảng cáo, tập trung vào hoạt động quảng cáo ngoài trời trong hành lang giao thông đường bộ, trong các công viên, các nhà chờ xe buýt và phương tiện giao thông. Hoạt động quảng cáo thu hút hơn 54.000 lao động, đóng góp khoảng 1,8% GRDP. Dự báo đến năm 2025, đóng góp 2,6% GRDP với khoảng 32.000 tỷ đồng.

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Mai đưa ra dẫn chứng một nghiên cứu, trước kia, quảng cáo trên truyền hình chiếm ưu thế gần như tuyệt đối, thu được mỗi năm khoảng 1 tỷ USD. Nhưng đến nay, chỉ tính riêng trên nền tảng YouTube và Google đã tạo ra giá trị đến hơn 2,3 tỷ USD, gấp đôi quảng cáo trên các kênh truyền hình nhà nước.

Điều này cho thấy, ngân sách quảng cáo đã chuyển sang cho nền tảng số. Với TPHCM, là một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, các kênh truyền hình chính thống thu được từ hoạt động quảng cáo rất thấp, thấp hơn cả một số đài truyền hình địa phương.

Hệ thống các tờ báo in của TPHCM và cả nước hầu như không có hoạt động gì về khai thác quảng cáo trên các nền tảng số. Điều này cho thấy, ngoài yếu tố về thể chế, chính sách, quy định còn nhiều bất cập, không theo kịp với sự phát triển của thời đại chuyển đổi số, còn có sự trì trệ, thiếu quan tâm đầu tư, sáng tạo của các địa phương và các cơ quan báo chí trong khai thác hoạt động quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để hoạt động quảng cáo trở thành ngành công nghiệp văn hóa hàng đầu

Tham gia hội thảo với tư cách là nhà khoa học, PGS-TS Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, giá trị của quảng cáo là thước đo của sức khỏe nền kinh tế. Quảng cáo phát triển tốt, các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào quảng cáo, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy các ngành kinh tế, dịch vụ phát triển.

Tuy nhiên, PGS-TS Dương Anh Đức cũng nêu ra thực tế là khi quản lý quảng cáo yếu, sẽ đến nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, làm cho người tiêu dùng thiệt hại.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo

“Cần mạnh về hậu kiểm nhưng phải có quy trách nhiệm rõ ràng, khi có sai phạm trong lĩnh vực này sẽ có cơ sở để xử lý. Một vấn đề khác đã bị bỏ trống mà không quản lý, xử lý được, đó là quảng cáo bảng điện tử trong các trung tâm thương mại, các thang máy, trên các phương tiện giao thông… Lĩnh vực quảng này không thấy có một quy định nào trong quản lý và kiểm soát”, PGS-TS Dương Anh Đức nói.

Từ thực tế trên, PGS-TS Dương Anh Đức đề xuất, cần tránh đưa các quy định cứng nhắc vào các thông tư, nghị định rất khó kịp thời điều chỉnh theo tình hình thực tế đang có những thay đổi rất lớn. Cần có các chính sách mềm dẻo, có độ mở để chính quyền ở cơ sở chủ động thay đổi khi có biến động trong hoạt động quảng cáo.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tặng hoa, thư cảm ơn đến các đơn vị đồng hành

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá các tham luận sôi nổi của các chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá đúng, trúng thực trạng quản lý hoạt động quảng cáo với nhiều góc nhìn khác nhau. Trong đó có cơ chế chính sách, thực thi pháp luật, kiến trúc, mỹ quan đô thị, nghệ thuật, xu hướng dịch chuyển, những đóng góp của quảng cáo cho sự phát triển của TPHCM.

Các phát biểu tham luận cũng đưa ra được nhiều giải pháp, kiến nghị trong quy hoạch quản lý, mô hình hoạt động quảng cáo, tạo điều kiện và hành lang pháp lý cho sự phát triển lĩnh vực quảng cáo… Đây là cơ sở để các sở - ngành thành phố tham mưu, đề xuất với thành phố có những chính sách, giải pháp nâng cao quản lý hoạt động quảng cáo, đưa hoạt động quảng cáo trở thành ngành công nghiệp văn hóa hàng đầu trong phát triển của TPHCM.

"Qua kiểm tra đã phát hiện 4.404 biển hiệu quảng cáo vi phạm quy định trong hoạt động quảng cáo, tập trung vào 5 vi phạm như: Vi phạm về nội dung quảng cáo (chiếm 23,7%), không thông báo sản phẩm quảng cáo (chiếm 21,9%), thực hiện không đúng quy định về chữ viết (19,2%), vượt kích thước quy định (chiếm 18,9%), không đảm bảo về an toàn cháy nổ, thoát hiểm (chiếm 16,3)"

TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM

Hoài Nam

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-cao-tren-dia-ban-tphcm-thuc-trang-giai-phap-va-kinh-nghiem-quoc-te-post707674.html